Nước ngầm Hà Nội: Ô nhiễm và suy kiệt (Kỳ 1)

Nguồn nước sinh hoạt của thành phố Hà Nội với gần 3,4 triệu người 100% lấy từ nguồn nước dưới đất. Hàng trăm nghìn giếng khoan lớn nhỏ của doanh nghiệp Nhà nước, của tư nhân đang đêm ngày hút cạn bầu nước ngầm của thành phố. Đáng nói hơn, nhiều người coi nước ngầm là của… trời cho và do không phải trả tiền nên thản nhiên dùng xả láng, không việc gì phải tiết kiệm!

Nhà nhà khoan giếng

Bám trụ suốt 8 năm nay bên trục đường vành đai 3 đang còn dang dở của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khả, Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã sử dụng nước giếng khoan cũng ngần ấy năm. Cũng giống như ông Nguyễn Văn Khả, hàng nghìn hộ dân, cửa hàng dịch vụ rửa xe ôtô, ăn uống… trên tuyến đường bụi bặm này cũng đều phải khoan giếng để có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Ông Khả còn cho biết, đội quân khoan giếng ở đây sẵn sàng hoạt động đêm ngày để phục vụ các hộ dân trong khu vực. “Số điện thoại có khắp các cột điện hoặc các bức tường nơi đầu phố, cuối xóm. Chỉ cần bốc máy gọi là 30 phút sau, lực lượng khoan giếng đã có mặt để phục vụ bất kể hang cùng ngõ hẻm. Trước chỉ khoan chừng 20-30 mét là nước đã tràn trề nhưng giờ phải sâu hơn vài chục mét mới có nước. Tốt nhất là cứ mặc cả trọn gói nếu không sẽ tốn thêm tiền…” – ông Khả nói.

Tìm tới một địa chỉ mà ông Khả giới thiệu, anh Huy – chủ một “cơ sở” khoan giếng với 4 thanh niên trẻ giúp việc cho biết: “Chi phí khoan giếng khoảng 1,2 triệu đồng/giếng.

Độ sâu trung bình từ 40-50 mét. Anh có thể gọi bất cứ giờ giấc nào, chúng tôi đều có thể “thi công” ngay”. Huy quảng cáo thêm: “Nói thế thôi nhưng giá 1,2 triệu đồng là đã có “bảo hành”, cứ khoan tới khi có nước thì thôi”. Khi được hỏi về số lượng khách hàng, anh Huy chỉ cười và đưa ra “dự báo”: “Chúng tôi không lo hết việc vì còn lâu nước máy mới đến được với tất cả người dân. Hiện nay, ngay khu vực các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân… còn thiếu nước chứ chưa nói tới các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm… Cứ cho là vài năm tới các quận nội thành đủ nước thì chúng tôi lại “kéo” qua… các huyện. Công việc cứ là còn dài dài…”.

Khai thác vô tội vạ

Theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội chủ yếu khai thác từ nguồn nước dưới đất. Hiện nay, tổng mức khai thác của toàn thành phố khoảng 700.000m3/ngày đêm. Dự báo, tới năm 2020, mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên tới mức 1,4 triệu m3/ngày đêm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thành phố. Trong đó, tổng số giếng tư nhân (thuộc các hộ gia đình) lên tới trên 100.000 chiếc.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thái Lai, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc nước ngầm bị khai thác quá mức ở Hà Nội cộng thêm các giếng khai thác bố trí không hợp lý khiến mực nước ngầm bị hạ thấp.

Trong khi đó, tốc độ bê tông hóa bề mặt ở Hà Nội lại rất cao khiến nước mưa khó thấm được xuống đất nên bổ sung không đủ cho nguồn nước ngầm. “Chỉ nhìn vào đội ngũ khoan giếng hùng hậu đang hoạt động liên tục, “quảng cáo” rộng khắp dưới mọi hình thức cũng đủ thấy mức độ khai thác nước ngầm của Hà Nội đã ở mức đáng báo động” – ông Nguyễn Thái Lai nói.

Đáng buồn hơn, ý thức của người sử dụng và người khai thác nước ngầm ở Hà Nội đều còn rất kém nên nguồn nước vốn không dồi dào lại bị sử dụng hoang phí. Tình trạng khoan giếng rồi bỏ hoang, không sử dụng diễn ra ở khắp nơi.

Khi được hỏi vì sao không sử dụng nước theo cách tiết kiệm nhất, nhiều thanh niên làm tại các cửa hàng dịch vụ rửa xe đều ngơ ngác: “Nước ở dưới đất, cứ hút lên mà dùng, không mất tiền mua thì tiết kiệm làm gì!” hoặc “Cạn thế nào được! Hết nước dưới đất thì trời lại mưa xuống…”.

Không chỉ có các hộ gia đình mà ngay cả ý thức của các doanh nghiệp, đơn vị khai thác nước ngầm cũng còn rất hạn chế. Trong đợt kiểm tra của ngành chức năng gần đây, nhiều doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước ngầm đã bị phát hiện có sai phạm. Trong đó, không ít cơ quan Nhà nước đã khai thác “xả láng” mà chẳng buồn tới cơ quan chức năng xin giấy phép!

“Bí” nước nên phải khoan

Nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn giếng khoan lớn nhỏ ở Hà Nội ra đời đã rõ song khi trao đổi với người dân, được biết thêm, vấn đề ở đây là người dân do không được cung cấp đầy đủ nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất nên cực chẳng đã mới phải tìm đến các giếng khoan.

Bà Nguyễn Thị Hiền, một cán bộ về hưu ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai cho biết, hầu như nhà nào cũng phải tự khoan giếng nhưng vẫn không đủ dùng cho sinh hoạt. “Nước ngầm ngày càng khan hiếm. Mũi khoan ngày càng sâu mà mức nước vẫn không ăn thua, nhiều khi phải hút bằng bơm. Vẫn biết là sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng không khoan thì biết lấy gì mà dùng vì mạng nước sạch của thành phố vẫn chưa tới nơi”- bà Hiền nói.

Cũng có tâm sự tương tự, chị Nguyễn Thị Hà, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai bức xúc: “Chúng tôi sẵn sàng mua nước sạch với giá cao để dùng cho sinh hoạt vì dùng nước giếng khoan vừa bẩn lại vừa tốn kém. Ngoài tiền điện chạy máy bơm hàng ngày, gia đình còn phải trang bị hệ thống lọc nước trị giá gần 5 triệu đồng để khử mùi tanh của sắt và tạp chất. Biết là bất tiện nhưng có khi cả tuần “vòi Nhà nước” mới chảy một lần nên gia đình vẫn phải dùng giếng khoan…”.