Năm 2007 – Liên tiếp những vi phạm về môi trường

Năm 2007, mặc dù Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, song môi trường Việt Nam vẫn tiếp tục chịu sức ép gay gắt. Mặc dù đã có các quy định về bảo vệ môi trường, song việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này ở nhiều nơi vẫn còn khá nhẹ. Thậm chí một số địa phương, tổ chức còn có những biểu hiện dung túng cho những vi phạm về bảo vệ môi trường.

Nhập khẩu trái phép chất thải, núp bóng dưới hình thức nhập phế liệu, tiếp tục là vấn đề nóng bỏng về môi trường năm 2007 theo phân tích của nhiều chuyên gia môi trường. Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường phát hiện hàng loạt các vụ nhập khẩu trái phép hàng nghìn container ắc quy chì ở Hải Phòng; vụ nhập khẩu rác nhựa; sắt thép phế thải ở Quảng Ninh, Hải Dương, TP.HCM. Một câu hỏi lớn đặt ra là, những quy định về điều kiện nhập khẩu phế liệu đã quá rõ ràng, tại sao trong nhiều vụ việc, rác thải với hàng trăm tấn vẫn qua được các Trạm kiểm soát, khi hàng tuồn sâu vào nội địa mới bị phát hiện?.

Rác thải y tế được chất thành đống. Rác thải với nhiều chất độc hại lẽ ra phải được xử lý theo quy trình khoa học, nay được những kẻ hám lợi coi như món hàng béo bở, bởi cả người bán và người mua trái phép đều thu lợi. Cuối tháng 08/2008 vừa qua, Cục Cảnh sát Môi trường đã bắt quả tang và thu giữ nhiều vụ mua bán trái phép chất thải y tế, gồm trên 3 tấn rác thải y tế, trong đó bao gồm nhiều chất thải nguy hại của 3 bệnh viện lớn gồm: Việt – Đức, bệnh viện Bạch Mai, Viện K (Hà Nội).

Việc bắt quả tang các vụ việc đã làm rõ những vi phạm kéo dài nhiều năm của các bệnh viện. Loại chất thải nguy hại này không được xử lý bởi đơn vị có chức năng mà được bán ra ngoài cho các cơ sở tư nhân tái chế. Những sản phẩm tái chế đã được kiểm định và cho kết quả: Chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, bất cập nhất hiện nay trong việc xử lý vi phạm về môi trường đó là, mức phạt hành chính còn quá nhẹ (cao nhất là 70 triệu đồng). Luật hình sự có 1 chương về tội phạm môi trường, nhưng nước ta chưa có phiên toà nào xử lý tội phạm này.

Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã quý hiếm bùng phát trong thời gian qua. Có thể kể đến các vụ điển hình như vụ nuôi nhốt trái phép 281 con gấu ở Quảng Ninh; vụ nuôi nhốt trái phép 17 con hổ ở Thanh Hoá. Tất cả các hành vi trên đều bị nghiêm cấm, có dấu hiệu phạm tội theo Điều 190 Bộ Luật hình sự, nhưng cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.