Hiểm họa từ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

Tại xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), có 2 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Điểm tại Lùm Nghè, thôn Trù 1 đã được xử lý. Còn điểm tại xóm Mậu II, nơi lượng thuốc tồn dư vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến hàng chục lần, vẫn đang gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.

Hoa quả cũng có mùi thuốc trừ sâu!

Vào những năm 1960-1990, do ảnh hưởng của chiến tranh, nhà máy thuốc BVTV tỉnh Nghệ An đã sơ tán về đóng tại địa bàn xã Kim Liên. Vị trí đầu tiên xây dựng cơ sở phối chế, sản xuất các loại thuốc DDT, 666 đặt tại xóm Mậu II. Vì cơ sở này gây ô nhiễm, nhân dân phản đối nên nhà máy phải chuyển đến địa điểm thuộc xóm Lùm Nghè – thôn Trù 1.

Hiện nay, qua quá trình xử lý, địa điểm tại Lùm Nghè đã được xử lý khá tốt bằng cách xây tường bao vây ngăn chặn không cho hóa chất lan rộng hơn, dùng than hoạt tính hấp thu, lợi dụng vi sinh vật tự nhiên và trồng cây xanh phân giải dần thuốc BVTV. Nhờ vậy, điều kiện môi trường đã trở lại trong lành.

Tuy nhiên, địa điểm thuộc xóm Mậu II rộng khoảng 1.000 – 1.200m2, với 15 hộ dân, do san lấp sơ sài nên một lượng lớn thuốc BVTV bị tồn dư. Theo kết quả thông báo của chi cục BVTV Nghệ An, qua kiểm tra một số mẫu phân tích, xác định khu vực này có tồn dư lượng thuốc BVTV vượt quá tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.

Bản thân người dân trong khu vực nghĩ rằng đây là loại thuốc có giá trị, có thể phòng, chống và diệt côn trùng rất hiệu quả nên một bộ phận người dân đã đến khu vực nền nhà máy lấy thuốc để phòng tránh mối mọt. Có người lấy hàng tạ đất. Ước tính người dân đã lấy từ khu vực này 200-250m3 đất để bón ruộng và đắp đất vườn.

Anh Phan Trọng Thiện, người dân trong thôn cho biết: “Vào những ngày oi bức, khi có mưa nhỏ thường có mùi thuốc bốc khiến tôi khó chịu và đau đầu lắm”.

Ông Phan Trọng Sâm cho hay: “Có những hôm trời nóng, ăn quả mít cũng có mùi thuốc trừ sâu, thậm chí mùi gây gây đó còn có cả trong dạ dày gà”.

Tầng đất ở đây là đất thịt pha cát nên tồn dư thuốc BVTV thẩm thấu mạnh. Vào những lúc có mưa lớn hoặc ngập lụt nước sẽ được thấm dần xuống tầng sâu, một lượng thuốc BVTV sẽ bị rửa trôi theo mạch nước ngầm nên khó tránh khỏi việc ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, đa số gia đình tại đây đều sử dụng nước giếng khơi hoặc giếng khoan, có lọc nhưng một số chất độc hại thì không thể lọc được.

Ông Vương Thúc Đình, Trưởng trạm y tế xã cho biết trong 2 năm có 4 người bị ung thư. Chủ yếu các ca ung thư là về phổi, đại tràng. Bệnh ngoài da cũng khá phổ biến, cụ thể là bệnh á sừng.

Một số bệnh thường gặp khác là huyết áp cao, đau đầu, rối loạn thần kinh tiền đình, giảm trí nhớ, tiêu hóa kém, đau dạ dày, khớp. Từ năm 1990 đến nay, đã có 9 người tại khu này chết do các bệnh tật liên quan.

Sống chung với hiểm nguy!

Kho thuốc tại thôn Mậu 2 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ tiến hành xử lý trong năm 2007. Việc xử lý chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 01-07/2007): Điều tra, khảo sát đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm và đề ra phương pháp xử lý. Giai đoạn 2 (từ tháng 07-12/2007): xử lý do chương trình SEMILA tỉnh Nghệ An hỗ trợ.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng giai đoạn 2 lại đang vướng phải nhiều trở ngại, và vẫn chưa thể triển khai.

Vấn đề vướng mắc hiện nay là việc đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND Tỉnh đề nghị giao UBND huyện Nam Đàn, UBND xã Kim Liên lập đề án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực cần xử lý. Nhưng việc chưa thống nhất giá đền bù làm trì trệ công tác giải phóng mặt bằng. Hơn thế nữa, truyền thống sống tình làng nghĩa xóm lâu năm khiến người dân không muốn di dời.

Ông Đặng Ngọc Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Cái khó thứ 2 là lựa chọn tư vấn để xây dựng công trình xử lý, bởi rất hiếm nhà tư vấn nào chuyên về vấn đề này”. Hơn thế, việc sử dụng kinh phí cho Bảo vệ Môi trường nhưng lại áp dụng cho xây dựng cơ bản cũng là một vướng mắc làm đau đầu những người có trách nhiệm. Ông khẳng định, Sở đang hết sức khẩn trương để đẩy nhanh việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án.

Đứng trước việc dự án xử lý chưa thể tiến hành, các cơ quan chức năng cũng chỉ biết trước mắt khuyến cáo người dân không nên dùng rau, củ quả trồng tại khu đất này, đồng thời khuyến khích bà con dùng nước mưa.

Dự án bị đình trệ, trong khi đó, ngay cạnh khu đất tồn dư thuốc BVTV, có một nhà đang hối hả xây lên. Một vị lãnh đạo xã Kim Liên cho biết: Họ có sổ đỏ nên họ có quyền xây, không ai cấm được!

Vậy không biết 109 hộ dân của thôn Mậu 2, trong đó 15 hộ trên mảnh đất có thuốc tồn dư bảo vệ thực vật, còn phải sống chung với hiểm nguy đến bao giờ?