Những khu dân cư “chết ngạt” vì ô nhiễm

Một “khu công nghiệp” tự phát mọc lên từ nhiều năm qua với hàng trăm cơ sở chế biến nhựa tái sinh, nhuộm-in, cơ khí… chen giữa các khu dân cư thuộc phường Bình Hưng Hòa A (quận Tân Phú, TP.HCM), gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sự khác biệt dễ nhận ra nhất của các khu dân cư thuộc khu phố 3 và khu phố 6 với mọi khu dân cư khác là những ống khói. Đứng từ xa đã thấy hàng chục ống khói đen ngòm nhô lên trên các nóc nhà và nhả từng luồng khói mù mịt. Bầu trời xám ngắt.

Ngạt thở

“Từ mờ sáng, mở mắt ra là đã thấy khói bụi, không khí ngột ngạt vô cùng, thở không nổi nữa”- Ông Nguyễn Văn Truyền, nhà số 228/36, đường Gò Xoài, khu phố 3 ngao ngán nói.

Xung quanh nhà ông Truyền có khoảng chục cơ sở nhuộm, chế biến nhựa tái sinh hoạt động cả ngày lẫn đêm. Khói bụi khiến bầu không khí luôn đục như sương mù và nhà cửa, cây cối đều “được” phủ một màu xám đen vì khói bụi.

“Không khí lúc nào cũng có mùi khét lẹt, mắt mũi cứ cay xè”- Ông Truyền nói rồi chỉ khoảng hiên trống trước nhà: “Sáng nào trước khi đi làm tôi cũng lấy khăn lau lớp bụi từ đêm hôm trước, chiều về lại thấy một lớp bụi mới đen thui, lại phải lau…”.

Ở hẻm kế bên, vợ chồng ông Ninh Khắc Chiến (số nhà 240/5) cũng thở dài. Bà vợ nói: “Bụi đến mức mặt bàn bằng inox vừa lau xong, sau khi vào bếp dọn mâm cơm bưng ra đã thấy bị phủ đầy bụi đen”.

Ông Trần Duy Khương – Tổ trưởng dân phố 53 – khu phố 3 cho biết, những cơ sở sản xuất này bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 8-9 năm. Lúc đầu số lượng cơ sở còn ít và qui mô sản xuất còn nhỏ, nhưng ngày càng nhiều và mật độ dày đặc.

Hiện, tổ dân số 53 có 38 hộ dân nhưng đã có đến 20 hộ làm các nghề nhuộm, hấp và in vải, chế biến nhựa tái sinh và dệt bao bì, cơ khí.

Ông Khương cũng cho biết, vài năm trở lại đây các cơ sở chuyển sang đốt lò bằng củi thay cho than đá thì mức độ khói bụi càng thêm dữ dội. Trong khói thải ra có chứa một số chất a – xít làm cho mái tôn của những nhà dân nhanh bị gỉ sắt, hư hỏng.

Đi kèm với khói bụi là tiếng ồn. “Xe tải chở vật tư, hàng hóa vào ra suốt đêm, nhiều nhất là những xe chở củi đốt”- Ông Chiến than phiền, đồng thời cho biết, để tránh công an, những xe này chủ yếu đi ban đêm và nhiều nhất là từ 1 đến 3 giờ sáng.

“Đã vậy, họ không nhẹ tay sắp xếp mà cứ vứt bừa bãi ngoài đường, có khi còn làm nứt cả tường nhà kế bên. Tiếng va chạm đùng đùng không thể nào ngủ được” – Ông Chiến nói.

Ông Truyền còn cho biết, những nhà có chung tường hay tiếp giáp với cơ sở sản xuất thường xuyên phải hứng chịu cái nóng hầm hập từ lò than phát ra và nhiệt độ trong nhà bao giờ cũng cao so với các nhà bình thường.

 khudancu
Rác và nước thải chứa nhiều hóa chất độc hại thải trực tiếp ra kênh rạch.

Nồng nặc mùi nước thối

Điều khiến người dân nơi đây lo ngại hơn cả vẫn là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ông Khương cho biết, một số cơ sở có xây dựng hồ xử lý nước thải nhưng không vận hành mà chỉ để đối phó khi cơ quan chức năng đến kiểm tra. Toàn bộ nước từ của các cơ sở nhuộm với nhiều hóa chất được thải trực tiếp ra môi trường và không qua công đoạn xử lý nào.

Ở khu phố 3 có một khu đất trống rộng trên 2.000 m3; từ lâu khu đất trũng này đã trở thành hồ chứa nước thải và cả các chất thải rắn của những hộ làm nghề nhuộm xung quanh.

Ở giữa “hồ”, có hai cây thân mộc cao lớn đã chết khô từ nhiều năm nay. “Vì bị nhiễm hóa chất mà chết đó!” – Một chị nhà ở ven “hồ” giải thích.

Một lượng lớn nước thải khác chảy vào kênh mương hở quanh xóm, lâu ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chính vì vậy, con kênh nước đen chạy qua khu vực này được người dân gọi là… kênh thối.

Nước thải mang theo các loại hóa chất ngấm sâu vào lòng đất. Theo ông Khương, có hiện tượng những cơ sở nhuộm khoan giếng cỡ lớn để đưa nước thải xuống lòng đất theo phương pháp tự thẩm thấu thay vì đầu tư thiết bị xử lý.

Trong khi đó, toàn bộ khu vực này không có nước máy nên đều phải sử dụng nước từ giếng khoan. Ông Khương cho biết, những năm trước nước trong và sạch, giờ thì… vô cùng thối do bị ô nhiễm.

Cũng theo ông Khương, trước đây giếng chỉ khoan ở mức 40-70 mét là có thể dùng tốt nhưng hiện những giếng này đều không thể sử dụng được vì đã bị ô nhiễm nặng. Các hộ dân phải khoan giếng mới ở độ sâu trên 100 mét mới có thể sử dụng được.

“Nhà tôi đã phải bỏ một giếng sâu 76 mét để khoan giếng mới sâu hơn vì nước thối không chịu nổi”- Ông Khương xác nhận. Nước giếng khoan của ông Truyền cũng nồng nặc mùi hôi thối khiến ông phải đi xa chở từng can nước về ăn uống.

Mặc dù vậy, trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó chủ tịch phụ trách đô thị UBND phường Bình Hưng Hòa A vẫn thản nhiên: “Ô nhiễm không đáng kể”, và “Chỉ có khói chứ không có bụi” (!?).