Châu Á hợp tác bảo tồn hổ

ThienNhien.Net – Lo ngại vì sự suy giảm số lượng loài hổ trên thế giới (nay chỉ còn khoảng 3000 cá thể), 12 nước Châu Á bao gồm Băng-la-đét, Bu-tan, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nê-pan, Nga, Thái Lan và Việt Nam đã công bố một kế hoạch hành động liên quốc gia nhằm cứu loài động vật này khỏi bị tuyệt chủng.

Bản báo cáo “Action Tiger” – “hãy hành động vì loài hổ” được biên soạn bởi 17 thành viên liên chính phủ của Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF) và tên gọi của nó đã được sử dụng làm biểu tượng cho 2 nhóm bảo tồn đến từ Rajasthan thuộc Khu bảo tồn hổ Saiska của Ấn Độ. Đây là bản báo cáo đầu tiên của GTF từ khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu này vào năm 1994 cùng với 2 tổ chức khác là Hội bảo vệ động vật hoang dã Ấn Độ (WTI) và Quĩ bảo vệ động vật quốc tế (IFAW).

Báo cáo này được biên soạn trên cơ sở tổng hợp Các kế hoạch Hành động quốc gia của 12 nước. Nó bao gồm những chiến dịch, kế hoạch toàn diện đã được chính phủ các nước thông qua cho việc bảo tồn loài hổ, cụ thể là bảo vệ môi trường sống, khắc phục tình trạng săn bắn trái phép và ngăn chặn nạn buôn bán các bộ phận cơ thể hổ.

Phát biểu với báo giới về sự kiện này, Tổng thư ký GTF S.C.Dey nói rằng: “Bắc Triều Tiên và Lào cũng muốn trở thành một thành viên của diễn đàn này. Nhưng Bắc Triều Tiên không chứng minh được các chứng cứ, tài liệu về sự tồn tại của loài động vật này mặc dù có thể đã có một số lượng nhỏ đã di cư từ Nga đến đây.” Ông cũng hi vọng rằng tài liệu quan trọng này sẽ giúp cho các nhà bảo tồn, các nhà lập pháp, những người ủng hộ và các tổ chức quan tâm hiểu những yêu cầu bảo tồn đối với loài hổ tại các quốc gia khác nhau.

Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 1500 con hổ. Quốc gia này có 36 khu bảo tồn hổ, trong đó 8 khu hiện đang mở cửa cho khách tham quan với diện tích 37.000 km2. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có 4 trong số 5 loài hổ còn lại thế giới. Tuy nhiên những áp lực do tình trạng săn bắn và phá hủy môi trường sống ở đây đang đe dọa ngiêm trọng cuộc sống của chúng.

Giám đốc WTI, ông Vivek Menon nói rằng “Chiến dịch này nhằm khẳng định rằng các quốc gia phải hành động trước khi số hổ hoang dã vĩnh viễn biến mất khỏi trái đất.”