Bình Thuận: 21ha rừng phi lao sắp bị “xoá sổ”

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho doanh nghiệp lập dự án nuôi tôm trong rừng phi lao ven biển. Điều đáng nói, đây là nơi có thời tiết khắc nghiệt và vai trò phòng hộ của khu rừng này đặc biệt quan trọng. Mặc dù người dân phản đối, nhưng chủ trương từ phía lãnh đạo tỉnh vẫn chưa thay đổi.

Nuôi tôm trong rừng phi lao?

Ngày 18/05/2007, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho Công ty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long lập dự án đầu tư nuôi tôm giống – tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Bình Thạnh và Chí Công- huyện Tuy Phong. Dựa trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch đầu tư (KHĐT) đã cho tiến hành khảo sát thực địa và lập sơ đồ diện tích 21ha để chuẩn bị giao đất cho Công ty Hạ Long.

Toàn bộ khu đất này nằm gọn trong rừng phi lao ven biển, nhưng trong quá trình khảo sát lại không mời BQL rừng phòng hộ Tuy Phong (chủ rừng) và kiểm lâm (bảo vệ rừng). Thậm chí, trong biên bản khảo sát, một công an xã Bình Thạnh tham gia đoàn khảo sát lại ký dối là cán bộ địa chính xã. Vậy mà Sở KHĐT vẫn dựa trên biên bản thực địa này để đề nghị UBND tỉnh quy hoạch cho Công ty Hạ Long triển khai nuôi tôm.

Ngày 04/07, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở KHĐT, thuỷ sản, xây dựng điều chỉnh quy hoạch cho Công ty Hạ Long lập dự án nuôi tôm trên 21ha đất này.

Người dân phản đối

Việc làm này đồng nghĩa với việc xoá sổ 21ha rừng phi lao phòng hộ ven biển và gặp sự phản đối kịch liệt của người dân địa phương cũng như đơn vị quản lý rừng. Bởi vì, theo những người có kinh nghiệm, sẽ không có cây phi lao nào sống nổi nếu xây dựng trại tôm giống.

Ông Phạm Trong Do – nguyên Bí thư Huyện uỷ Tuy Phong, đã nghỉ hưu và có trại nuôi tôm giống – cho biết: Khi nuôi tôm giống, nhà đầu tư buộc phải khoan giếng lấy nước ngầm, làm cho tầng nước ngầm sụt giảm và phi lao sẽ chết dần. Một lượng nước mặn rất lớn sẽ thải ra hàng ngày và chắc chắn sẽ giết chết cây.

Ông Do cũng cho biết: Rừng phi lao này trồng từ những năm 1978- 1979, chính quyền địa phương phải huy động nhân dân, CBCNV, học sinh và phải tốn biết bao mồ hôi, công sức. Riêng những rặng trên đồi cát là do nhà lâm học- GSTS Lâm Công Định đã nghiên cứu và trồng thực nghiệm thành công. Phóng viên cũng đã đến tận nơi và ghi nhận đây là khu rừng phi lao rất đẹp, có nhiều cây lớn đường kính khoảng 40cm.

Trong các đợt tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều người dân địa phương đã nêu ý kiến phản đối dự án này. Vừa qua, Ban QL rừng phòng hộ Tuy Phong cũng có văn bản gửi Sở KHĐT tỉnh, đề nghị xem xét lại. Văn bản này nói rõ, đây là vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc trồng rừng phòng hộ gặp nhiều khó khăn, cần phải giữ lại rừng để phòng hộ ven biển và bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, cho đến nay chủ trương của UBND tỉnh vẫn chưa thay đổi.