Nhập lậu rác thải “núp bóng” nhập phế liệu

Mặc dù Chính phủ và Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã có văn bản chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, nhưng theo Cục Cảnh sát môi trường (C36 Bộ Công an), từ đầu năm đến nay, hàng chục nghìn tấn phế liệu không phù hợp tiêu chuẩn vẫn được nhập khẩu vào nước ta. Đặc biệt, các lô hàng đều có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan môi trường địa phương; ngành hải quan tham gia kiểm hóa, nhưng đều được thông quan và có chứng nhận “đủ tiêu chuẩn nhập khẩu” của Sở TN-MT một số địa phương?

Bất chấp quy định vì hám lợi

Những năm gần đây, giá nguyên liệu liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu phế thải hoặc tái chế với giá thấp hơn nhiều hàng chính phẩm. Đơn cử như mặt hàng nhựa, nếu nhập khẩu hạt nhựa nguyên chất giá thị trường từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, trong khi nhựa “tái chế” trong nước giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg.

Theo một cán bộ Cục C36, Bộ Công an, việc nhập lậu mặt hàng ắc-quy chì phế thải mang lại lợi nhuận rất cao. Một con-te-nơ (20 tấn) mặt hàng phế thải này nhập trót lọt vào Việt Nam có lãi cả trăm triệu đồng.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công an, từ năm 2003 đến 2006, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuyển khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất 3562 con-te-nơ phế thải vào Việt Nam, trong đó có 2278 con-te-nơ với gần 40.000 tấn ắc-quy chì phế thải qua cảng Hải Phòng.

Việc nhập khẩu ắc-quy chì và bản cực chì đã qua sử dụng vi phạm Nghị định 155/CP của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý chất thải nguy hại và Công ước quốc tế Basel về kiểm soát, vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại.

Bất chấp các quy định trên, từ tháng 3 đến tháng 06/2007, Hải quan Hải phòng vẫn phát hiện 3 doanh nghiệp nhập lậu 15 con-te-nơ ắc-quy chì phế thải vào thành phố, sau đó tái xuất mà chưa có ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Việc tháo gỡ ắc-quy phế thải lấy bản cực để tái chế hoặc tái xuất sẽ thải ra một lượng a-xít không nhỏ gây độc hại, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Có doanh nghiệp ở Hải Phòng còn nhập lậu cả 10 con-te-nơ rác thải sinh hoạt, khi bị phát hiện đã “bỏ của chạy lấy người”, cơ quan chức năng phải đưa đi xử lý, tốn kém không nhỏ kinh phí Nhà nước.

Từ tháng 06/2007, Cục C36, Bộ Công an đồng loạt kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu của một số công ty tại các cửa khẩu, cảng biển thuộc các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… phát hiện nhiều vụ nhập phế liệu sai phạm nghiêm trọng. Điển hình là cuối tháng 10 vừa qua, hơn 100 con-te-nơ chứa đầy rác thải gồm sắt thép phế liệu gỉ sét, bao bì, ống bơ sắt… bốc mùi hôi thối nồng nặc, đe dọa ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được nhập về.

Theo các văn bản quy định của cơ quan chức năng, mới đây nhất là Thông tư liên tịch số 02 ngày 30/08/2007 của Liên bộ Công Thương và Tài nguyên-Môi trường, các loại phế liệu phải được làm sạch từ nước ngoài trước khi nhập về Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu đều “bỏ qua”.

Khai một đằng, nhập một nẻo

Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Đấu tranh chống hủy hoại, xâm phạm tài nguyên-môi trường, Cục C36, cho biết: Thủ đoạn thường thấy của doanh nghiệp là “khai báo hàng hóa một đằng, nhập hàng một nẻo” hoặc khai phế liệu nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, nhưng trên thực tế toàn là rác thải nguy hại. Có vụ hàng hóa ghi trên tờ khai là nhập quặng chì, nhưng thực chất là nhập ắc-quy chì phế thải; hoặc ghi nhập vỏ chai nhựa đựng nước uống (chai PET) nhưng lại là túi ni-lon, sợi hóa học… thu gom từ các bãi rác, ô nhiễm và xú uế trầm trọng.

Doanh nghiệp còn móc nối với cá nhân, tổ chức nước ngoài làm giấy tờ giả chứng minh hàng hóa (rác thải) được phép xuất khẩu, nhưng Cục C36 phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Bộ Tài nguyên-Môi trường xác minh thì doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đó không tồn tại hoặc giấy tờ giả mạo hoàn toàn. Cũng có trường hợp, sau một phi vụ làm ăn mờ ám, xuất được rác thải nguy hại, doanh nghiệp nước ngoài “biến mất”.

Qua các vụ vi phạm cho thấy, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng kiểm soát phế thải nhập lậu còn lỏng lẻo, thậm chí tách rời nhau. Cơ quan cảng vụ, khi tàu hàng về liền bốc dỡ, chuyển các con-te-nơ vào khu vực kho hàng; tiếp đó chủ hàng mới làm thủ tục hải quan.

Như vậy, nếu các con-te-nơ chứa rác thải có mầm bệnh, dịch bệnh nguy hiểm, chất phóng xạ… nhập kho thì nhiều khi cũng là “sự đã rồi”. Việc ngành hải quan đưa danh mục hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào “luồng xanh” và nằm trong danh mục hàng hóa miễn kiểm (nếu có thì do công chức hải quan đề xuất kiểm từ 5 đến 10% hoặc lên tới 100%) cũng góp phần tạo “kẽ hở” trong quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng đưa phế liệu không bảo đảm tiêu chuẩn và các hàng hóa nguy hại khác vào Việt Nam một cách hợp pháp.

Các vụ nhập rác bẩn ở một số địa phương cho thấy có sự thông đồng, móc ngoặc của cán bộ cơ quan chức năng, đặc biệt là của Sở Tài nguyên-Môi trường một số địa phương đã xác nhận cho nhập khẩu cả phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu.

Sớm hoàn thiện “khung” pháp lý

Từ khi thành lập (03/2007) đến nay, Cục C36, Bộ Công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về môi trường, điển hình là vụ bán rác thải tại Bệnh viện Việt Đức và nhiều vụ nhập lậu rác thải. Điều này cho thấy, tình trạng vi phạm môi trường ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, nóng bỏng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục C36, Bộ Công an: Việc xử lý các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường hiện nay còn nhẹ. Do cảnh sát môi trường là lực lượng mới, nên trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính không có quy định lực lượng cảnh sát môi trường được xử phạt vi phạm hành chính mà phải “nhờ” lực lượng khác (như thanh tra môi trường) xử phạt giúp, mức tối đa cũng chỉ lên đến 20 triệu đồng/vụ, nên không đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Theo quy định trong Bộ Luật Hình sự, vi phạm về bảo vệ môi trường bị xử lý hình sự khi cá nhân, cơ sở đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định “hậu quả nghiêm trọng” không đơn giản, bởi vụ việc có thể chưa gây hại ngay, mà ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng…

Để góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nói chung, nhập phế thải trái phép nói riêng, cần có những quy định “đủ mạnh” trong Bộ Luật Hình sự. Trước mắt, các Bộ Tài chính, Tài nguyên-Môi trường, Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố… cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về nhập khẩu và cho phép nhập khẩu phế liệu.
Lãnh đạo Cục C36 cho biết: Lực lượng cảnh sát môi trường sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương điều tra, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp, cá nhân tham gia nhập phế liệu dưới mọi hình thức; nắm bắt hoạt động vận chuyển mặt hàng này trong nước và quốc tế để có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để vận chuyển, nhập khẩu phế liệu nguy hại, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường vào Việt Nam.