Hiểm hoạ lơ lửng trên đầu người dân

Môi trường không khí, các dòng sông, ao hồ ở HN đều đang ô nhiễm ở mức báo động. Chất thải rắn, rác thải y tế nguy hại, ô nhiễm tiếng ồn… cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Nông thôn cũng ô nhiễm

Hà Nội hiện có 147 đơn vị nằm trong danh mục gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, nhiên liệu tiêu thụ tại HN mỗi ngày đêm là 240 nghìn tấn than, 240 nghìn tấn xăng, đưa vào không khí 80 nghìn tấn bụi, khói, 10 nghìn tấn SO2, 19 nghìn tấn NOx, 46 nghìn tấn khí CO… chiếm 38% tổng lượng chất nguy hại.

Theo Sở KHCNMT HN, từ năm 1995 đến nay, lượng chất thải rắn thải vào môi trường (ngoại trừ chất thải sinh hoạt) của 9 khu công nghiệp (KCN) cũ, 8 KCN mới, 500 nhà máy, 100 cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố lên tới 491.109 tấn, tăng trung bình 5%/năm.

Ở vùng nông thôn như Đông Anh, Sóc Sơn… khu vực vốn trước đây môi trường trong lành, thì đến nay, các chỉ số về nồng độ bụi, CO, SO2 đã tăng 1,5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Riêng khu vực Bát Tràng, nồng độ CO, CO2 thải 17m3, SO2: 0.146m3, bụi 0,92kg…/ngày đêm. Điều đáng nói là lượng chất thải nguy hại vào môi trường vẫn tăng đều từng năm. Tại thời điểm này, mặc dù chưa phải là thành phố công nghiệp phát triển so với khu vực, nhưng ngoại trừ nồng độ bụi, thì so với Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), mức độ ô nhiễm tiếng ồn, không khí (như SO2, CO, NO2) cao gấp nhiều lần và được đánh giá là khá nghiêm trọng.

Các dòng sông cùng ô nhiễm

Theo ông Nguyễn Văn Tài – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ TNMT), tại HN, 4 con sông tiêu chính gồm Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu đều ô nhiễm nặng. Các sông này bị nhiễm bẩn hữu cơ và chất rắn lơ lửng rất nặng. Không chỉ do nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất công nghiệp, nước thải của các bệnh viện và các cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất ô nhiễm phần lớn chưa qua xử lý chính là yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước mặt của thành phố. Hiện toàn thành phố mới có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và 5 bệnh viện có trạm xử lý nước thải. Rõ ràng, các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng là một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm các dòng sông.

Loay hoay tìm cơ chế

Để giải quyết triệt để các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn, ông Phí Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – cho biết, thành phố đã giao Sở TNMTNĐ lập đề án tổng thể. Theo đó, đến năm 2015, thành phố di chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. Trước đó, năm 2010, phải di chuyển xong các cơ sở gây ô nhiễm nặng, như cơ sở sản xuất rượu, dệt may, các cơ sở có sử dụng hoá chất gây độc hại. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Ban quản lý các KCN HN lập quỹ đất, chuẩn bị các điều kiện để các doanh nghiệp ổn định sản xuất khi di dời theo quyết định của thành phố.

Theo Sở TNMTNĐ, vướng mắc chủ yếu hiện nay là cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, nhất là phần xác định trách nhiệm, quyền lợi của cơ sở gây ô nhiễm. Để doanh nghiệp yên tâm, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có đủ kinh phí ổn định, phát triển sản xuất tại nơi mới. Sở TNMTNĐ đề nghị, cơ sở di dời được phép giữ lại từ 30-50% giá trị thu được từ việc đấu giá đất (nơi doanh nghiệp đang sử dụng) để bù đắp chi phí di dời.