Phá núi săn đá cảnh

Tại Văn Chấn (Yên Bái), Suối Giàng tiếng Mông có nghĩa là suối Trời rất nổi tiếng bởi thương hiệu “chè tuyết Suối Giàng” được hái từ hàng vạn cây chè cổ thụ trên 100 năm mọc ở lưng chừng trời, giữa mây mù bao phủ quanh năm.

Hiện giá 1kg chè Suối Giàng lên tới vài trăm ngàn đồng, có loại đặc sản giá trên 1 triệu đồng/kg.


Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì khi nhắc đến mảnh đất “trời” ở độ cao 1.800m so với mực nước biển này.


Gần đây hàng trăm, hàng ngàn người đổ về Suối Giàng không phải để làm chè, mua chè mà ngày ngày họ leo lên những đỉnh núi cao chót vót lưng chừng trời để tìm kiếm những hòn đá có giá từ vài trăm ngàn tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng… Và mỗi ngày, vô số thanh niên trai tráng miệt mài phá núi, bới tìm giấc mơ đổi đời.


Lên trời kiếm tiền


Mới 6-7 giờ sáng, khi con đường quanh co đèo dốc hơn chục kilômet từ Văn Chấn lên Suối Giàng vẫn chìm trong sương mù đặc quánh thì người ta đã nghe tiếng gầm rú của những đoàn xe máy đang ùn ùn đổ về Suối Giàng – nơi có những mỏ đá tự nhiên mới được phát hiện từ đầu năm 2007. Đoàn xe tập kết ngay bên đường, dưới chân núi Giàng Cao, từng đoàn người bỏ xe lầm lũi leo núi như những con kiến bò.


Sau gần một giờ leo bò không biết nghỉ, “công trường” khai sơn phá thạch nơi lưng chừng núi hiện ra. Đó là khoảng đất thoai thoải khá rộng nép mình bên ngọn núi Giàng Cao cao ngất. “Công trường” ngổn ngang đá trắng, đất nâu, những thân cây đổ nghiêng ngả, xơ xác. Cành cây khô, lá cây mục, vỏ thuốc, chai nước, bánh kẹo… vứt đầy dưới mỗi bước chân đám thợ đào đá. Bức tranh màu xanh bao la của rừng, màu xám sừng sững của núi đã bị vấy bẩn bởi sự loang lổ, tan hoang của công trường.


Như được phân định từ trước, từng nhóm 5-7 người chia nhau tỏa đi các ngả, mỗi nhóm một khu vực. Người xăm xăm bới đất, vạch cây tìm kiếm. Thấy đá mồ côi (những hòn đá riêng lẻ, nằm bán lộ thiên) hay những vỉa đá khối to đùng, nhóm “thợ săn” dùng chổi cứng quét nhanh lớp đất trên mặt rồi dùng lá cây đẫm sương hoặc nước đổ lên.


Kỳ lạ, những vân đá xanh, hồng, đen, đỏ nhanh chóng nổi rõ. Và nếu “phúc tổ 70 đời” viên đá mồ côi đó có hình nhân, hình vật hoặc những phiến đá có vân hình thù người, vật, phong cảnh thì những tiếng thét, tiếng rú vang lên như nhặt được vàng thỏi, xaphia, đá đỏ. Ngay lập tức, đám người ập vào đào, đập. Tiếng búa chan chát, tiếng hò dô vang dội giữa trời…


Giàng A Tủa – bí thư đoàn xã Suối Giàng, người từng một dạo cùng dân quân xã lên núi dựng lán “canh đá” nhưng thất bại – ngán ngẩm lắc đầu: “Từ đầu năm đến nay khắp Suối Giàng lúc nào cũng đông nghịt xe, người đến làm đá. Xã không thể nào ngăn được”. A Tủa cho biết quãng tháng 06/2007, khi huyện có lệnh cấm khai thác đá, công an huyện đã tăng cường lực lượng về để canh giữ núi.


Nhưng công an đi thì dân đào đá quay lại. Công an huyện không thể nằm mãi ở nơi rừng rú này. Về sau, xã có cử dân quân, thanh niên xung kích lên nhưng cũng đành bất lực. “Bọn đào đá này, ai động vào chắc nó phang chết đấy” – Giàng A Tủa tức tối.


Sơn “hàn” – một người thích sưu tầm đá cảnh ở tận Nghĩa Lộ, lên bãi đá để chọn đá cảnh – nói: “Đừng tưởng đá kia vô tri vô giác. Tiền cả đấy”. Sơn giải thích: “Chỉ Suối Giàng mới có những loại đá này. Đá mồ côi có rất nhiều viên đã được thiên nhiên mài giũa thành những hình thù rất lạ. Còn đá phiến thì lại có rất nhiều vân với các màu rất đẹp…”. Vì mê đá cảnh, Sơn bỏ cả nghề hàn, sửa xe và mấy tháng nay chỉ chuyên vào săn đá…


Buôn bán tấp nập


Ông Tùng, một người mê sinh vật cảnh từ Nghĩa Lộ lên làm chè ở Suối Giàng. Năm trước ông Tùng nhặt được một hòn đá mồ côi hình con sư tử bên bờ suối Lóp, bất ngờ một khách du lịch mê mệt con sư tử đá này mà đã bỏ 20 triệu đồng ra mua.
Lúc đó ông Tùng cũng chẳng kể chuyện này cho ai, lặng lẽ thuê vài nhóm người bản địa ngày ngày đi kiếm tìm cho ông những viên đá hình nhân, hình vật.


Nhóm người này không hề biết mình đang mang vàng bỏ vào túi người khác, họ cứ chăm chỉ cần mẫn kiếm đá cho ông Tùng để lấy vài ba chục ngàn đồng tiền công. Rồi việc lộ ra, dân Suối Giàng và các xã lân cận, cả những nhóm người từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ đều đổ về Suối Giàng để tìm kiếm đá cảnh.


Lượng người ngày một đông, rừng núi thì ngày một bị tàn phá, bao nhiêu bờ suối bị bới đào, bao nhiêu vạt núi bị xẻ thịt… Còn ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ xuất hiện rất nhiều ông chủ đứng ra thu mua đá rồi trưng bày ngay trong khuôn viên nhà mình. Khách nào thích mua bao nhiêu cũng có. Có người như Sơn “hàn”, Tuấn “chão” (đều ở Nghĩa Lộ), bộ sưu tập đá của họ từng được khách từ TP.HCM trả đến tiền tỉ nhưng vẫn bị “lắc đầu”.


Ông Sơn (Ngọc), một chủ quán hàng ăn trước cửa trụ sở UBND huyện Văn Chấn, giờ kiêm thêm trưng bày, bán đá cảnh. Từ ngoài đường vào đến trong nhà, dọc cầu thang lên gác, bên cạnh giường ngủ nhà ông đâu đâu cũng thấy đá cảnh.
 

Khách đến quán ông Sơn không chỉ ăn uống mà lại được ngắm đá đẹp. Ông vỗ ngực: “Ai thích thì chiều, đá nào cũng có, mồ côi cũng có, nguyên khối cũng có, hình nhân, hình vật, thiên nhiên đủ hết. Thích loại nào có loại ấy, chỉ sợ thiếu tiền”.


Ngay tại quán ông Sơn, một “đại gia” tên T. chuyên buôn gỗ ở Hà Đông (Hà Tây) đã mê mẩn với đá, cứ đi ra đi vào hết nhìn ngắm viên nọ lại sờ mó viên kia. Suốt từ trưa đến cuối buổi chiều, ông mới “quyết” mua gần chục hòn đá mồ côi hình khỉ leo cây, ếch, rùa…


Đếm tiền xoèn xoẹt gần 3 triệu trả cho hơn chục viên đá nhỏ mới mua, ông T. hào phóng “đặt” thêm 400.000 đồng cho ông chủ Sơn và dặn: “Chú cố kiếm cho anh cái mặt bàn đá, vân sơn thủy như tranh thủy mặc, vài bữa nữa anh qua lấy. Tiền nong khỏi phải lo”.


Nhìn ông T. lên xe về xuôi với nụ cười mãn nguyện, ông chủ cửa hàng đá bên cạnh tấm tức: “Tiền nhiều thế, xe đẹp thế mà bị nó lừa mua toàn đá đểu vớ vẩn. Lướt thêm chục cây nữa vào Suối Giàng thì tha hồ đầy đá đẹp mà mua”.


Có một thời những gốc chè cổ thụ cũng bị đào đem bán. Giờ Suối Giàng lại thêm nạn “đá tặc” hoành hành. Ngày mai, mảnh đất suối Trời này sẽ còn những gì? Hình như huyện cũng đã có một vài dự án du lịch định triển khai ở đây. Lúc đấy, du khách lên đây để làm gì?