Núi rừng Hương Sơn kêu cứu

ThienNhien.Net – Bất chấp những quy định của luật pháp, bất chấp bài học từ cơn lũ lịch sử 2002 cùng ý kiến của người dân nơi đây, dự án Thủy điện Hương Sơn với luận chứng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được xây dựng tháng 03/2004 do chủ dự án là “Công ty cổ phần thủy điện Hương sơn” phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi (ĐH Thuỷ lợi) thực hiện đã có dấu hiệu vi phạm các qui trình pháp lý trong thiết kế kỹ thuật, lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, đánh giá tác động môi trường, giải quyết các phát sinh mở rộng diện tích rừng phòng hộ xung yếu, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường và vùng thiên nhiên được Chính phủ qui định là vùng Biên giới Chiến lược của Quốc gia.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù trong bản luận chứng ĐTM của thủy điện Hương Sơn đều có đề cập đến các cụm từ, thuật ngữ như phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình xây dựng cộng trình, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho mọi người ở công trường cũng như nhân dân địa phương nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Nhân dân địa phương không hề được biết, cũng như không hề được tham gia quá trình xây dựng dự án. Một cán bộ chủ chốt huyện Hương sơn đã nghỉ hưu, vốn là người lãnh đạo cao nhất của huyện tại thời điểm 2002 – 2003 cho biết “ Thủy điện Hương Sơn là một công trình đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của các công ty mà họ lập ra để đi tìm việc làm và lợi nhuận, thay vì việc làm đó đi từ những bức xúc của nhân dân và vì lợi ích của quốc gia. Do vậy, các tâm tư nguyện vọng của dân và các ý kiến đóng góp của lãnh đạo huyện Hương Sơn thời đó, đã không được đề cập ngay trong cả tư duy và những hành vi tối thiểu nhất của một dự án Thuỷ điện cần phải biết và phải ứng xử”!?

Dân trong vùng bị ảnh hưởng đã lên tiếng kêu cứu nhưng cho đến hôm nay, gần 5 năm trôi qua, chưa có bất kỳ một văn bản chính thống nào của các cơ quan chức năng trả lời thoả đáng!?

Trong văn bản kiến nghị lần thứ nhất, đề ngày 13/09/2007, gửi Huyện uỷ, Thường trực HĐND và UBND huyện Hương Sơn vừa qua, Đảng uỷ, HĐND và UBND xã Sơn Kim 1 đã phản ánh những kiến nghị của nhân dân xã Sơn Kim 1, được đề cập đến trong Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng cuối năm 2007, của Hội đồng nhân dân xã Sơn Kim 1 khoá 17, kỳ họp thứ 8 (văn bản số 03/2007/NQ – HĐND), về việc đại đa số cử tri trong toàn xã không tán thành việc xây dựng thêm 2 nhà máy thuỷ điện Rào Àn 1 và Rào Àn 2 tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn – khu vực Đội 9 – Rào Àn, xã Sơn Kim 1, bởi các lý do liên quan đến vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường cũng như phòng chống lũ quét, đúng như chức năng của diện tích rừng tại khu vực này, đã được quy định theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng, và Quyết định số 1404/QĐ-TTg, ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Hà Tĩnh.

Những kiến nghị trên xuất phát từ thực tế là 2 nhà máy thuỷ điện đang được khảo sát nói trên nằm ngay trong lưu vực ngọn Rào Àn và lưu vực khe Nước Sốt, là 2 lưu vực chính của thượng nguồn sông Ngàn Phố, nằm đối diện nhau qua Quốc lộ 8A. Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, được người dân địa phương tập trung bảo vệ nghiêm ngặt trong mấy chục năm qua, và đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là một trong những khu vực rừng còn lại đẹp nhất của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc ngăn lũ trên sông Ngàn Phố trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho hơn 2 vạn ha đất canh tác trong lưu vực, đó là chưa nói đến toàn bộ vùng hạ lưu trong huyện và tỉnh.

Mặc dù theo đề án thì mỗi nhà máy thuỷ điện chỉ cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 50 ha rừng phòng hộ, và diện tích hồ chứa của nhà mày sau này cũng sẽ có tác dụng điều tiết nước cho hạ lưu; song trong thực tế, cũng trên địa bàn xã Sơn Kim 1, năm 2002 đã khởi công 1 nhà máy thuỷ điện nhỏ, thuỷ điện Hương Sơn, cũng nằm trên diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, có diện tích rừng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng là 105 ha (để làm đường công vụ và lòng hồ), thế nhưng cho đến nay, đã qua hơn 5 năm, mặc dù diện tích rừng bị phá đã lên tới hơn 300 ha, nhưng dự án vẫn mới chỉ hoàn thành một số hạng mục không đáng kể, và hoàn toàn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được chính thức phê duyệt. Nội dung này cũng là một vấn đề được cử tri xã Sơn Kim 1 có kiến nghị cần được làm rõ tại văn bản nói trên.

Để cụ thể hoá các kiến nghị của cử tri trong Nghị quyết của HĐND xã Sơn Kim 1 khoá 17 – kỳ họp thứ 8 này, ngày 16/07/2007, Đảng uỷ, HĐND và UBND xã Sơn Kim 1 đã có văn bản Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của xã Sơn Kim 1 gửi Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND và UBND huyện Hương Sơn, trong có đoạn: “Đề nghị các cơ quan nói trên cần có biện pháp kiểm tra, đánh giá để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hương Sơn…; và cần có khảo sát đánh giá tác động môi trường sinh thái khu vực xây dựng nhà máy thuỷ điện Rào Àn. Không nên cho phép xây dựng nhà máy thuỷ điện Rào Àn, vì đây là khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã được Chính phủ phê duyệt, và cũng đã được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch xây dựng khu sinh quyển…”

Để đảm bảo cơ sở cho những kiến nghị của mình, UBND xã cũng đã có công văn đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh tư vấn khoa học cho một số nội dung liên quan đến Dự án thuỷ điện Hương Sơn, và dự án thăm dò khảo sát thủy điện Rào Àn 1 và Rào Àn 2. Đơn vị này đã chấp nhận và bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn.

Bản kiến nghị ngày 13/09/2007 của Đảng uỷ, HĐND và UBND xã Sơn Kim 1, gửi Huyện uỷ, Thường trực HĐND và UBND huyện Hương Sơn, cũng đã phản ánh ý kiến của lãnh đạo xã, đã được thống nhất sau Hội nghị BCH Đảng uỷ và Kỳ họp thứ 8 HĐND xã, trong đó có nói rõ các lý do đề nghị không nên cho phép xây dựng nhà máy thuỷ điện Rào Àn 1 và Rào Àn 2 tại khu vực rừng phòng hộ xung yếu đầu nguồn tại khu vực đội 9 xã Sơn Kim 1, cụ thể như sau: “ 1.Việc triển khai xây dựng nhà máy thì phải mở đường vào nhà máy. Vì đây là khu vực có địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, nên mở đường sẽ gây ra các tác động sụt lở ở các khu vực và mái núi trên diện rộng; 2.Khi đã mở đường thì việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực rừng phòng hộ sẽ hết sức khó khăn, vì có đường thì rừng sẽ bị chặt phá, môi trường sẽ bị huỷ hoại, yếu tố phòng hộ không còn; 3. Qua thực tiễn được chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ quét tháng 9 năm 2002, (Thiệt hại: 77 người chết, hàng trăm người bị thương, 70694 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoặc hư hỏng năng. Tuyến đê hữu sông Lam bị vỡ 2 đoạn dài 20 m, sâu 3 m…..), cũng như chứng kiến việc triển khai xây dựng nhà máy thuỷ điện Hương Sơn thời gian qua, chúng tôi thấy việc xây dựng thêm nhà máy thuỷ điện trên khu vực rừng đầu nguồn là không nên, vì lợi ích thì chưa thấy nhưng hậu quả về sự tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn là đã có; 4. Khu vực rừng Rào Àn có trên 10.000 ha rừng nguyên sinh còn sót lại đã được đưa vào vùng rừng phòng hộ đầu nguồn. Hơn nữa chúng tôi được biết UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng khu vực rừng này trở thành khu dự trữ sinh quyển để quốc tế công nhận. Cần phải có kế hoạch bảo vệ tốt.”

Sau khi nhận được bản kiến nghị của xã, ngày 17/09/2007, lãnh đạo huyện Hương Sơn đã tổ chức một cuộc hội nghị, bao gồm các ban ngành trong huyện và lãnh đạo xã Sơn Kim 1, để thông qua ý kiến về việc xây dựng 2 nhà máy thuỷ điện Rào Àn 1 và Rào Àn 2. Hầu hết các đại biểu tham gia hội nghị đều có ý kiến không tán thành với việc triển khai 2 dự án nói trên.

Tuy nhiên, diễn biến thái độ của một số vị lãnh đạo huyện Hương Sơn toàn toàn thay đổi tại cuộc họp do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh chủ trì ngày 17/10/2007 sau đó khiến cho nhân dân hết sức thắc mắc và nghi ngờ đối với mục tiêu của dự án.

Trước toàn bộ diễn tiến trên đây, các vấn đề cốt lõi sau đây cần phải được rà soát, đánh giá nghiêm túc dự án Thủy điện Hương Sơn, các dự án nhỏ trên địa bàn xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2: Rào Àn 1 và 2 bởi có biểu hiện vi phạm như sau:

1. Vi phạm về quy trình khảo sát và triển khai dự án: Việc quyết định triển khai dự án trong khi chưa có sự đồng thuận của người dân trong vùng bị ảnh hưởng, chưa có thẩm định Báo cáo ĐTM của cơ quan chuyên môn là không đúng với quy trình của một dự án theo quy định của pháp luật tại Khoản 2, Phần III của Thông tư 08/ 2006/TT – BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 08/9/2006, về việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Vi phạm về thiết kế công trình: Dự án thuỷ điện Hương Sơn với công suất thiết kế 33MW, ban đầu được cấp phép sử dụng 105 ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ngàn Phố để làm đường công vụ và lòng hồ, nhưng đến nay đã sử dụng hơn 300 ha mà vẫn chưa xây dựng; Và trong thực tế, công trình này có nguy cơ không triển khai tiếp tục được vì không đảm bảo tính khả thi (nguồn nước, công suất,…) và người dân Sơn Kim thì đang phải chịu hậu quả về sự ô nhiễm nguồn nước từ việc khai thác rừng làm đường cộng vụ và lòng hồ… Như vậy cần kiểm tra, đánh giá lại dự án này một cách hết sức nghiêm túc trước khi quyết định có tiếp tục triển khai các dự án Rào Àn 1 và Rào Àn 2 hay không.

3. Chưa tuân thủ một cách đầy đủ về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10 Luật Xây dựng. Điều 10 Luật Xây dựng quy định: Trong hoạt động xây dựng, nghiêm cấm các hành vi sau đây: Xây dựng công trình nằm trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hoá và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực có nguy cơ lở đất, lũ quét, trừ những công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này; Trong khi trên thực tế, đây là khu vực có điều kiện địa hình không ổn định, thường xảy ra lũ qét.

4. Chưa hợp lý về quy hoạch tổng thể: Chỉ trong diện tích 44.000 ha của 2 xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 mà có tới 3 nhà máy thuỷ điện nhỏ, lại nằm hoàn toàn trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, là một quy hoạch không hợp lý. Chính từ quy hoạch bất hợp lý này, cộng với nguyên nhân trì trệ của công trình nhà máy thủy điện Hương Sơn, đã khiến người dân Sơn Kim buộc phải có sự nghi ngờ về mục tiêu đích thực của 2 dự án thuỷ điện Rào Àn 1 và 2 đang được triển khai ở đây, đặc biệt là vấn đề quản lý gỗ tận thu khi giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng và lòng hồ của các dự án này. Tình trạng thiên tai, lũ quét, lụt lội xảy ra hết sức nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, (đặc biệt là trận lũ quét năm 9/2002 ở Hương Sơn) có nguyên nhân không nhỏ từ việc khai thác rừng bừa bãi, trong đó không loại trừ cả các dự án thuỷ điện không hiệu quả. Như vậy cần có sự tính toán giữa lợi ích của 2 nhà máy điện có công suất hết sức nhỏ (Rào Àn 1=16 MW, Rào Àn 2= 8,1MW) với những tổn thất về tài nguyên và nguy cơ đối với môi trường do nó gây ra. Vấn đề này đã từng được phản ánh trên báo An ninh Thế giới, liên tiếp trong các số 536, 537, 538, ra vào các ngày 18, 22 và 25 tháng 3 năm 2006.

5. Vi phạm về việc ra các quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng của rừng phòng hộ theo Điều 28 và Điều 29 của Nghị định 23/NĐ – CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trên thực tế, đối với dự án thuỷ điện Hương Sơn, bằng việc ban hành các quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ một cách nhỏ lẻ, thông qua việc cấp đất bổ sung đối với từng giai đoạn của dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển đổi quá diện tích được phép theo thẩm quyền của mình. Đây có thể coi là một vi phạm hết sức nghiêm trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ tại địa phương.

6. Không tuân thủ mục 3, Điều 13 và Điều 14 của Quy chế biên giới khi thực hiện xây dựng và triển khai các dự án thủy điện. (Mục 3, Điều 13 Quy chế biên giới quy định: Trong khu vực biên giới, các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ đội biên phòng để tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh về: Xây dựng các công trình kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác có liên quan đến đường biên giới quốc gia; và Điều 14 quy định: Khi xây dựng các dự án giao thông, thủy lợi, thủy điện, xí nghiệp, nông, lâm trường, trang trại, khu kinh tế liên doanh liên kết với nước ngoài và các dự án xây dựng khác trong khu vực biên giới, cơ quan chủ quản phải thống nhất với chính quyền địa phương và lấy ý kiến tham gia của các ngành liên quan, Bộ đội biên phòng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan chủ quản khi thực hiện dự án phải tuân theo Hiệp định về Quy chế biên giới và quy định của pháp luật hiện hành)

 
Không biết cho tới khi thủy điện Hương Sơn hoàn thành, sẽ còn bao nhiêu ha rừng Hương Sơn bị mất đi.

Trước tình hình như vậy, câu hỏi đặt ra cho các nhà chức trách các cấp cần quan tâm tới cộng đồng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Hương Sơn, Rào Àn 1 và Rào Àn 2, là những đối tượng được quyền có ý kiến phản biện đối với dự án, theo quy định tại điều tại điểm 8 Điều 20 của Luật Bảo vệ môi trường, Số 52/2005/QH 11, do Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10 ban hành ngày 29/11/2005; và tại Khoản 2, Phần III của Thông tư 08/ 2006/TT – BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 08/9/2006, về việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong Lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Đảng uỷ, HĐND và UBND xã Sơn Kim 1. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng và tham mưu của tỉnh, cùng các tổ chức khoa học công nghệ có chức năng thẩm định, tư vấn, giám sát đối với các dự án liên quan đến tài nguyên, môi trường; các cơ quan công luận cần sớm có các biện pháp điều tra, đánh giá một cách tổng thể đối với các dự án thuỷ điện nói trên, đặc biệt là dự án Thủy điện Hương sơn, để các công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện phục vụ chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã Sơn Kim 1 nói riên, cũng như trong huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh nói chung này, được thực hiện một cách có hiệu quả, đảm bảo sự minh bạch, đúng với pháp luật, và đúng với các nội dung trong chương trình Nghị sự 21 mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện.

Đã đến lúc cần phải nghĩ đến một giải pháp chiến lược cho một chương trình phản biện trực tuyến trên các kênh Truyền hình địa phương, truyền hình Trung ương dự án Thuỷ điện Hương Sơn trước công chúng về mục tiêu, ý đồ, tính minh bạch và hiệu quả của Quốc gia và những thảm hoạ thiên tại có thể gây ra cho nhân dân Hương Sơn. Không thể tiếp tục phê duyệt Thủy điện Rào Àn 1 và 2 khi chưa giải quyết dứt điểm lỗi hệ thống đã nêu trên gây ảnh hưởng đến uy tín và hiệu lực của luật pháp, để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, và những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra cho Nhà nước, cho nhân dân và cho cả nhà đầu tư, vì những vấn đề bất hợp lý mà các dự án này đang tiềm ẩn.