Lũ dữ nhấn chìm miền Trung

ThienNhien.Net – Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam đã có mưa lớn, có nơi mưa rất to. Trong đó, đặc biệt mưa lũ dâng bất ngờ đã gây thiệt hại lớn về người và của.

Mưa lũ diễn biến phức tạp

 
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), ngày 01/11, không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc. Ở Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác, bắc và trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
 
Lượng mưa đo được trong ngày hôm qua phổ biến từ 50-150 mm, một số nơi mưa trên 300 mm như tại Trường Sơn (Quảng Trị)-310mm, Phú Ốc (Thừa Thiên – Huế)-354mm, thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế)-469 mm. NCHMF dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ngày 01/11, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại và ở mức cao. 
 
Ngoài ra theo dự báo của châu Âu, từ ngày 3 – 10/11, một khối gió mạnh từ biển phía Bắc sẽ tràn vào miền Trung và miền Nam Việt Nam. Khối gió này tạo nên 1-2 vùng áp thấp ven biển trước khi tiến vào đất liền, mang theo mưa to gió lớn. Như vậy tình hình thời tiết sẽ ngày càng xấu, mưa lũ có thể sẽ tiếp tục hoành hành.


Thiệt hại nặng về người và của
 
Tính đến nay đã có ít nhất 22 người chết và mất tích.
 
Tại Thừa Thiên – Huế đã có 6 người chết do lũ lụt và lốc xoáy. Toàn tỉnh đã có 231 nhà ở và 9 phòng học tốc mái. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xuất 380 tấn gạo, 26 tấn mì tôm từ nguồn dự trữ để phân bổ cho các địa phương, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân.
 
Tính đến chiều 01/11, tại Quảng Nam lũ bắt đầu rút mạnh, mực nước trên sông Thu Bồn, Vu Gia chỉ còn ở mức báo động 1. Tình trạng cô lập ở vùng đồng bằng cơ bản được khắc phục, nhiều trường học đã mở cửa trở lại. Tổng hợp nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh cho biết khoảng 60 xã, phường bị ngập sâu 1-2 mét. Đã có 12 nghìn nhà dân ngập sâu trong lũ, hàng nghìn ha lúa và rau màu vụ đông mất trắng. Tại đô thị cổ Hội An, chính quyền thị xã đã huy động hàng trăm thanh niên xung kích chèn chống và gia cố đất, đá vào nền móng… để bảo vệ 63 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ có nguy cơ đổ sập.
 
Tại vùng núi, tình hình khắc phục hậu quả khó khăn hơn bởi giao thông cách trở, nhiều điểm sạt lở, cá biệt Trường Tiểu học Pa Dấu (Nam Giang) bị nước ngập tận nóc, rất may học sinh được sơ tán kịp thời. Hàng trăm hộ dân khu vực nguy cơ sạt lở đã trở về, nhưng nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi. Tại huyện Bắc Trà My và Phước Sơn, mưa lũ kèm theo gió lốc làm sập và hư hỏng 2 nhà dân, hơn 1.200m3 đất đá bị sạt lở, hơn 450 ha lúa đang chín bị ngã đổ.
 
Tại Đà Nẵng, đã có 3 người chết trong đợt này. Hiện tại, nước đã rút dần tại 5 xã của huyện Hòa Vang. Tính đến 13 giờ ngày 01/11, mực nước đo được tại các sông trên địa bàn thành phố đã xuống dưới mức báo động 1. Đã có 400 hộ dân phải di dời khỏi những vùng trũng thấp và có nguy cơ sạt lở đất. Nhiều trường học vẫn tiếp tục nghỉ học và huy động học sinh, giáo viên để cùng thầy cô làm vệ sinh. 
 
Quảng Ngãi có thêm 1 người thiệt mạng do mưa lũ. Đến chiều 01/11, nhiều xã vùng cao ở huyện Tây Trà vẫn bị cô lập với trung tâm huyện. Việc chuyển 2,5 tấn gạo cứu trợ cho đồng bào xã Trà Thanh (vùng có nguy cơ bị nứt núi) vẫn bế tắc vì đường giao thông bị cắt đứt.
 
Để phòng ngừa dịch bệnh, chiều 01/11, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh đã cung cấp hóa chất để vệ sinh phòng bệnh cùng các dụng cụ máy phun, trang phục, khẩu trang… cho các địa phương.