Nguy cơ lây lan dịch tiêu chảy cấp

ThienNhien.Net – Chiều 30/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp khẩn cấp công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành. Trong đó Hà Nội là điểm nóng của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong do bệnh này có thể lên đến 40-50% nếu không được điều trị kịp thời.

Cả nước đã có 111 ca nghi mắc tiêu chảy cấp

 
Tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế chiều 31/10, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đến chiều cùng ngày, cả nước đã có 111 ca nghi nhiễm tiêu chảy cấp, nhập viện ở 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, trong đó Hà Nội chiếm tới 99 ca và bước đầu đã xác định 33 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm.
 
Các bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy hiện đang được điều trị tại các bệnh viện, chưa có bệnh nhân nào bị tử vong. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Viện Y học Các bệnh nhiệt đới, trong số 30 bệnh nhân đang điều trị tại đây, có nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng nặng. Có tới 90% số bệnh nhân bị tiêu chảy cấp do ăn mắm tôm sống, trong đó chủ yếu là ăn món thịt chó – mắm tôm, bún đậu – mắm tôm, số còn lại do ăn lòng heo, tiết canh, rau sống, gỏi hải sản… Phần lớn các thực phẩm trên đều là thức ăn đường phố, chưa xác định được nguồn gốc nhập mắm tôm sống.
 
Mắm tôm, mắm tép vẫn bán đầy
 
Mặc dù Bộ Y tế đã công bố dịch tiêu chảy cấp đang lan rộng ở một số tỉnh, thành do liên quan đến ăn các loại thực phẩm sống như mắm tôm, mắm tép… Tối 30/10 và ngày 31/10, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Truyền thông Bộ Y tế đã phối hợp kiểm tra, khảo sát một số chợ ở Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Việt – PGĐ Trung tâm Truyền thông Bộ Y tế – cho biết: “Các cửa hàng đều khẳng định đã nhận được thông tin về việc cấm sử dụng mắm tôm trong thời gian này, đều nhận thức tốt về trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa dịch tiêu chảy, nhưng các loại thực phẩm trên vẫn được bán khá nhiều”.
 
Tại chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng, các hàng bún đậu – mắm tôm vẫn hoạt động. Chị Hải, một chủ cửa hàng bún đậu – mắm tôm, cho biết, tuy có ế ẩm hơn mấy hôm trước nhưng vẫn có người ăn. Theo Ban Quản lý chợ Mơ, sáng 31/10, các hộ kinh doanh mắm tép, mắm tôm và các hộ kinh doanh ăn uống có sử dụng mắm tôm chế biến thực phẩm đã ký cam kết không kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, nhiều chủ hàng cho biết họ vẫn bán những món trên nếu khách yêu cầu.
 
Tương tự, tại chợ Hàng Bè, Hà Nội, nhiều loại mắm tôm, mắm tép được bày bán công khai. Phần lớn các chai mắm sống đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và được đóng thô sơ trong các vỏ chai nước suối. Mức giá bán lẻ khá rẻ, chỉ khoảng 7.000 đồng/chai 500 ml mắm tôm sống, 20.000 đồng/chai mắm tép.
 
Phương án phòng chống dịch bệnh
 
Hà Nội đã có phương án, nếu dịch lan rộng sẽ huy động khoảng 1.700 sinh viên các trường CĐ, ĐH, bộ đội tham gia tuyên truyền, phát tờ rơi, hỗ trợ chống dịch.

Trong ngày 01/11, Bộ Y tế sẽ triệu tập các tỉnh phía bắc tập huấn liên tục về giám sát bệnh, kỹ thuật xét nghiệm và phác đồ điều trị. Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Vụ Điều trị, Cục An toàn VSTP, mỗi đơn vị thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, giám sát phòng chống dịch tiêu chảy.

Các đoàn công tác có nhiệm vụ triển khai công tác dập dịch khẩn cấp tại các tỉnh đang có dịch, khoanh vùng xử lý triệt để môi trường, chất thải bệnh nhân tiêu chảy cấp; hướng dẫn các tỉnh/huyện triển khai uống thuốc dự phòng cho gia đình các bệnh nhân; kiểm tra chỉ đạo giám sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các quán bình dân, thực phẩm có nguy cơ lây truyền bệnh như mắm tôm, hải sản sống, nguồn nước sinh hoạt; xử lý nghiêm các trường hợp không an toàn vệ sinh; tránh vận chuyển bệnh nhân, phòng ngừa dịch lây lan ra môi trường và cộng đồng.

 
 

 
Theo TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phương pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.

Tỉ lệ tử vong chiếm 50%
Theo PGS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm là một bệnh mới, khác với các bệnh tiêu chảy thông thường và cũng nguy hiểm hơn các bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường tiêu hóa thông thường rất nhiều. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong 2 năm gần đây, mỗi năm có khoảng gần 100.000 lượt người mắc bệnh tiêu chảy, 40.000-50.000 lượt người bị lỵ trực khuẩn hoặc thương hàn… Tỉ lệ tử vong của bệnh tiêu chảy cấp từ 40% đến 50%. Bộ Y tế dự báo: Tiêu chảy cấp là loại dịch đường tiêu hóa lây lan theo thực phẩm nên có thể sẽ xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều tỉnh khác nhau. Nếu không quyết liệt dập dịch sẽ dẫn đến nguy cơ dịch lan rộng ra cộng đồng.