Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết

ThienNhien.Net – Theo thông báo của Cục y tế dự phòng Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2007, dịch bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 31 tỉnh, thành phố trên cả nước làm cho 32.917 người bị mắc bệnh, gây 34 trường hợp bị tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số bệnh nhân tăng 40,5% và số tử vong tăng 14 ca.

Bệnh sốt xuất huyết (còn gọi là sốt Dengue xuất huyết) hằng năm gây ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ dân chúng tại nhiều khu vực khác nhau trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới trong đó có nước ta, bệnh có thể bùng phát thành dịch sốt xuất huyết (SXH) với chu kỳ xuất hiện khoảng 3-5 năm/ lần. Bệnh được truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh phổ biến là các loại muỗi Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus, đặc biệt là vào mùa mưa bão hàng năm – đây là mùa rất thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của các loại muỗi.

Ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu của bệnh Dengue và bệnh sốt xuất huyết. Loài muỗi này thường sinh sống và đẻ trứng ở gần nơi cư trú của con người. Chúng thường đẻ trứng vào các dụng cụ hoặc đồ chứa nước đặt ở trong nhà hoặc ngoài nhà như các loại chum vại, bình chứa, chậu cây, … Tất cả những dụng cụ này thường chứa nước tương đối sạch và trong.

Giống như các loài muỗi khác, vòng đời của muỗi sốt xuất huyết cũng trải qua các giai đoạn sống dưới nước từ bọ gậy, rồi thành cung quăng và cuối cùng là muỗi trưởng thành. Đặc biệt, loài muỗi này không đẻ trứng ở các vũng nước bẩn, tù đọng, đây là đặc điểm rất đáng chú ý để tập trung chủ động phòng tránh dịch sốt xuất huyết. 

Thông thường, bệnh do nhiều loại virut rất giống nhau gây ra như các chủng virus D1, D2, D3, D4. Mỗi người khi đã mắc bệnh do loại virus nào gây ra thì có thể đề kháng lại loại virus đó, tuy nhiên, vẫn có thể nhiễm bệnh từ các chủng virus khác, do vậy, mỗi người có thể bị SXH lại nhiều lần.

D2 là chủng virus thường thấy tại 60% người mắc sốt xuất huyết tại VN. “Năm nay chủng virus D1 lại nổi lên, trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch với chủng virus này. Không những số người mắc sốt xuất huyết cao mà số tử vong cũng có thể cao” – một chuyên gia trong phòng chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế nhận định. 

Bệnh này thường không nguy hiểm nhưng đôi khi có thể gây xuất huyết nặng. Với trẻ nhỏ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như truỵ tim mạch, gây nguy cơ tử vong. Bệnh sốt xuất huyết thường ít xuất hiện ở người lớn. Tuy nhiên người lớn khi bị sốt xuất huyết lại dễ tử vong hơn trẻ em. Sự thay đổi bệnh lý cơ bản ở người lớn chủ yếu là hiện tượng chảy máu như chảy máu dạ dày, thành ruột… ở người loét dạ dày, hoặc gây rong kinh.

Ở dạng sốt xuất huyết thông thường, bệnh sẽ khỏi nhanh với việc điều trị theo triệu chứng (uống Paracetamol hạ sốt, uống nhiều nước tránh mất nước). Tuy nhiên, cảm giác đau và mệt sẽ kéo dài nhiều tuần. Thời kỳ phục hồi thường có mệt mỏi, đau kéo dài vài tuần.

Sốt xuất huyết chảy máu là một dạng nguy hiểm hơn. Triệu chứng chủ yếu vẫn là những biểu hiện thông thường như: thể trạng giảm sút, rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra, còn có thêm các triệu chứng khác như các vết thâm trên da, chảy máu nhiều nơi (mũi, lợi, nôn ra máu và đi ngoài phân đen). Gặp tình trạng này, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện, nếu không sẽ dẫn đến nguy kịch.

Đáng tiếc là hiện nay chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào. Sau khi theo dõi xét nghiệm máu, bác sĩ cho dùng các thuốc chủ yếu bao gồm thuốc giảm đau, Paracetamol và tiếp nước cho bệnh nhân. Nguy cơ chủ yếu của sốt xuất huyết là chảy máu, chính vì vậy không được sử dụng Aspirin mà chỉ nên dùng Paracetamol. 

Theo tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, các chuyên gia dịch tễ cho biết, ngoài loại muỗi Aegypti, hiện đã xuất hiện thêm loại muỗi Albopictus gây sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện đang là cao điểm của mùa mưa, trong khi đó miền Bắc lại luôn có đặc thù diễn biến dịch sốt xuất huyết thường đến muộn. Vì vậy, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát ở miền Bắc trong thời gian tới. Do vậy, công tác phòng chống cần phải được chú trọng và tuân theo đúng các chỉ dẫn của các cơ quan chức năng. 

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là làm giảm mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh Aedes aegypti. Mà hiệu quả và ít tốn kém nhất là hạn chế nơi muỗi có thể đẻ trên diện rộng như san lấp những nơi muỗi đẻ trứng ở môi trường tự nhiên hay nhân tạo, đốt các loại rác hữu cơ, làm lưới che những dụng cụ đậy nước ăn, lắp đặt ống dẫn nước kín, thau vét bọ gậy muỗi thường xuyên… Nếu các phương pháp trên không áp dụng được thì có thể diệt bọ gậy bằng hóa chất an toàn. Việc làm giảm nguồn lây bệnh cho cộng đồng cần có sự truyền thông giáo dục y tế rộng rãi và lâu dài để tất cả mọi người dân cũng tham gia thực hiện.

Các biện pháp bảo vệ cá nhân chống muỗi đốt ban ngày cũng nên áp dụng như mặc quần áo dài, dùng thuốc xua muỗi hoặc lưới chống muỗi. Ngoài phương pháp dùng hóa chất diệt muỗi phun trong nhà, có thể phòng muỗi đốt ban ngày bằng hương xua diệt muỗi, màn ngủ hoặc máy điều hòa nhiệt độ.

Trong những trường hợp dịch xảy ra và lây lan trên diện rộng, các biện pháp đã nêu ở trên cần được áp dụng một cách tích cực, đồng thời làm giảm nhanh mật độ hoạt động của quần thể muỗi trưởng thành bằng cách phun không gian với hóa chất diệt côn trùng ở những khu vực của thành phố có nhiều ổ bọ gậy có khả năng phát triển nhiều muỗi Aedes aegypti. Phương pháp phun không gian bằng hóa chất diệt côn trùng có thể sử dụng các loại bình phun đeo vai, máy phun mù xách tay, máy phun sương đặt trên xe ô tô hoặc máy bay. Việc phun hóa chất trên tường vách không đạt hiệu quả cao vì loài muỗi truyền bệnh thường trú đậu trên diện tích không thuận tiện cho việc phun tồn lưu như rèm, màn gió, áo quần treo ở trong nhà… 

Một vài biện pháp đơn giản để phòng bệnh:

– Hạn chế nước tù đọng quanh nhà (lọ hoa, săm lốp cũ, bể chứa nước…)

– Thường xuyên dùng kem chống muỗi.

– Mặc quần áo dài sáng màu, đi tất bảo vệ.

– Mắc màn có tẩm thuốc chống muỗi trước khi đi ngủ.

– Sử dụng hoá chất xua muỗi, phun hoá chất diệt muỗi dạng sương mù.

– Sử dụng nắp đậy cho các đồ chứa, tích nước; bảo đảm đậy kín và thường xuyên kiểm tra, sử dụng. Ðặc biệt tránh tình trạng vào mùa mưa, các vật chứa nước thường được mở nắp để hứng nước dự trữ nên tạo điều kiện cho muỗi Aedes aegypti vào đẻ trứng.