Điểm dừng cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở Dĩ An?

Theo chủ trương của tỉnh Bình Dương, đến ngày 31/12/2005, các cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn huyện Dĩ An phải chấm dứt hoạt động. Gần 2 năm trôi qua, 18 cơ sở hiện vẫn còn hoạt động cho dù các chủ cơ sở này đã năm lần bảy lượt đặt bút ký cam kết thực hiện…

Trong số 18 cơ sở đang hoạt động thì tập trung nhiều nhất là ở xã Bình Thắng 14 cơ sở, xã Bình An 3 cơ sở và xã Tân Đông Hiệp 1 cơ sở. Điều đáng nói là các cơ sở này thuộc hạng “đại gia” trong nghề, chỉ tuyên truyền, vận động chấm dứt hoạt động theo chủ trương của tỉnh thì chẳng khác nào như “nước đổ lá khoai”.
 
Hẹn đến… 2 năm
 
“Chúng tôi đồng tình với chủ trương của tỉnh nhưng xin gia hạn vài tháng để giải quyết xong vật tư, chất đốt, chế độ chính sách cho người lao động… rồi sẽ chuyển sang làm nghề khác” – một số chủ cơ sở sản xuất gạch ở xã Bình Thắng cho biết cách đây hơn 1 năm. Mới đây, các chủ cơ sở này tiếp tục điệp khúc “hẹn” nhưng lý do trễ hẹn lần này mới nghe qua rất dễ mủi lòng: Nợ ngân hàng, xin thêm thời gian để vớt vát chút vốn liếng…
 
Hẹn một lần, rồi đến lần hai, lần ba… mỗi lần kéo thêm vài tháng và đến nay cộng lại đã… gần 2 năm. Còn nhớ, lần gia hạn đầu tiên là đến hết tháng 01/2006, lần thứ hai đến hết tháng 10/2006 và lần gần đây nhất là ngày 30/06/2007. Thời gian thì đã qua nhưng 18 lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động.
 
Lãi to dại gì đóng cửa…
 
Có một thực tế là chẳng cơ sở nào làm đúng theo cam kết. Xe ben, xe ba gác vẫn ra vào các cơ sở này tới tấp, vật tư trong khuôn viên lò chẳng những không vơi đi mà ngày một đầy thêm. “Nếu họ nói cần thời gian thanh lý hết vật tư thì tại sao đất để làm gạch lại nhiều và mới toanh đến thế, gỗ đốt thì ngổn ngang, còn lò gạch ngày đêm hoạt động hết công suất” – ông N.V.T ở ấp Ngãi Thắng bức xúc nói. Ông T. cho biết thêm, với cái lý do ấy mà họ đã “lừa” được cả cơ quan chức năng. Nếu mà cương quyết xử lý từ đầu thì họ đã chấm dứt hoạt động từ lâu, còn người dân đâu có phải… lãnh khói, bụi hàng ngày như thế này.
 
Khi được hỏi về thời gian chấm dứt hoạt động, một nhân viên làm việc cho lò gạch, bà X. quả quyết: “Thời buổi gạch đang có giá, lãi cao như thế này có ai “dở hơi” lại đi đóng cửa lò gạch bao giờ”. Một số người khác thì nói, những cơ sở chịu đóng cửa là do vốn ít, quy mô nhỏ nên khó cạnh tranh được chứ đâu có dễ gì họ buông tay như vậy được.
 
Sẽ cưỡng chế…
 
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, ngay khi có chủ trương của tỉnh, các cơ quan chức năng của huyện đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con tự giải tỏa, di dời hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác cho phù hợp. Nhiều hộ thực hiện nghiêm túc và đến nay đều có cuộc sống ổn định. Số hộ chưa chịu thực hiện, huyện cũng đã làm việc, tuy nhiên đến nay đâu cũng vào đó.
 
“Tuyên truyền, vận động nhiều lần lắm rồi, nên phải cưỡng chế thôi” – ông Trần Công Trung, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dĩ An cho biết. Ông Trung còn nói: “Mới đầu nghe họ trình bày thì cũng thấy có lý có tình nên mới cho gia hạn thêm hai, ba lần để họ hiểu và tự giải tỏa. Trái lại, họ ỷ lại và dây dưa kéo dài hoạt động. Cực chẳng đã chúng tôi mới tham mưu cho UBND huyện thực hiện biện pháp cưỡng chế số cơ sở này trong thời gian tới. Hiện nay Phòng Tư pháp huyện đang thẩm tra lại các thủ tục hồ sơ theo quy định và trình UBND huyện quyết định và sẽ cương quyết thực hiện trong thời gian sớm nhất”.
 
Ông Trần Công Trung, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dĩ An: Không còn lý do gì để kéo dài nữa. Gần 2 năm rồi mà giải quyết chưa xong chủ trương của tỉnh thì huyện cũng mang tiếng là làm không cương quyết. Cũng vì quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của các chủ cơ sở nên mới tạo điều kiện cho các chủ cơ sở được gia hạn thêm lần này lần nọ… Giải quyết như vậy là đã hết tình hết nghĩa rồi, không còn lý do gì để kéo dài hoạt động nữa. Vả lại, nếu không kiên quyết xử lý thì làm sao ăn nói với 67 chủ cơ sở đã thực hiện tốt chủ trương của tỉnh?