Nghệ An: Ồ ạt tàn sát pơ mu

Sau mỗi chuyến tuần tra, kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát lại phát hiện hàng loạt cây pơ mu cổ thụ bị đốn ngã và chỉ trơ lại gốc. Loài cây pơ mu ở rừng quốc gia, thuộc miền Tây Nam xứ Nghệ này, đang ngày đêm bị đe dọa và có nguy cơ xóa sổ.

Săn loài gỗ quý
 
Đêm Tương Dương tối như mực. Anh bạn người bản Quang Phúc, xã Tam Đình rủ tôi cùng đi chứng kiến đám người vừa săn gỗ pơ mu ở rừng ra.
 
Đứng chốt ở một khe nhỏ, chẳng phải đợi lâu, chúng tôi thấy một tốp khoảng dăm bảy người mang gùi sau lưng, một hồi sau lại những đám khác.
 
Những chiếc gùi đó đựng toàn gỗ pơ mu. Đám người này mới chặt trộm gỗ ở rừng Pù Mát ra, trong số họ có cả người thân của anh bạn. Họ đi vào rừng từ hai đêm trước, “săn” được gỗ pơ mu, bây giờ mới lần lượt gùi ra vùng ngoài để bán.
 
Một người tên là Thư cho biết: Hiện nay gỗ pơ mu còn nhiều ở khu vực vườn quốc gia Pù Mát và hai đỉnh vùng đệm đó là Pù Lòn (ngọn núi cao nhất của Tương Dương) và ngọn Khe Thơi (Con Cuông). Để đi vào lãnh địa rừng cấm và lên được đỉnh Pù Lòn rất vất vả;  phải rình xem cán bộ kiểm lâm hôm đó làm gì, ở đâu.
 
Sau đó khoảng 2 giờ sáng, bắt đầu vào rừng. Vật dụng mang theo chẳng gì khác ngoài chiếc cưa xăng, chiếc rìu, dao và lương thực. Khi đi thường phải theo đường nhỏ để tránh bảo vệ rừng.
 
Lên được đỉnh Pù Lòn có khi phải mất mấy ngày trời. Trên đường đi toàn những sên, vắt. Cả đại ngàn mênh mông và hun hút những cây cối vây kín không thấy được mặt trời.
Trên các đỉnh núi này bốn mùa có sương mù phủ kín nên tìm ra được cây pơ mu cũng không phải dễ. Tìm được rồi, họ dùng cưa xăng hạ cây ngay.
 
Trước đây, khu vực này gỗ Pơ mu rất nhiều. Có một “nậu” trùm buôn gỗ ở Tương Dương đã khai thác và gom mua pơ mu rất nhiều khiến trữ lượng giảm đi.
 
Mấy năm gần đây, rừng bị nghiêm cấm khai thác “rát” quá, “nậu” này đã chuyển sang làm ăn ở tận bên Lào. Anh bạn đồng nghiệp sinh ra và lớn lên ở vùng núi này kể lại: Khi mới tốt nghiệp ra trường chưa có công ăn việc làm đã về Tương Dương theo dân bản đi khai thác gỗ thuê cho “nậu” đó. Nói là khai thác nhưng thực chất là đi chặt phá rừng!
 
Nhiều cây Pơ mu to lớn chính tay anh và một số bà con dân bản đã đốn ngã. Xong, lại vận chuyển xuống dọc theo khe Thơi ra ngoài. Khi ra đến vùng trung tâm là “nậu” cho quân đến đón lên xe vận chuyển về xưởng ngay trên địa bàn Tương Dương.
 
Bao nhiêu gỗ vừa ra khỏi rừng “nậu” lấy hết. Hoạt động của “nậu” chẳng khác nào tổ chức xã hội đen, họ xem rừng như của riêng mình.
 
Sau khi pơ mu trong vùng đệm rừng Quốc gia Pù Mát dần trở nên cạn kiệt, các “nậu” cũng dần vắng bóng. Cuộc sống của bà con các xã Tam Quang, Tam Hợp, Tam Thái và Tam Đình vẫn luôn nghèo đói.
 
Thói quen của đồng bào là bám vào rừng để sống, cho nên đến nay họ vẫn tìm cách chặt phá rừng, trong đó pơ mu là cây bị săn lùng khốc liệt nhất.
 
Có đêm tại bản Quang Phúc thuộc xã Tam Đình có tới hàng chục tốp vào rừng. Rồi không chỉ riêng người Tương Dương mà người tứ xứ đổ về đây để vào rừng tìm gỗ pơ mu.
 
Khi vùng đệm cạn dần gỗ pơ mu, họ bắt đầu tấn công sang cả rừng quốc gia Pù Mát. Bao nhiêu cây gỗ quý của vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt nhiều năm, nay lần lượt bị tỉa trộm.
Để tránh kiểm tra của kiểm lâm, người ta xẻ nhỏ gỗ ra để gùi cho dễ. Tuy cưa ngắn lại nhưng vẫn đủ để đóng giường, tủ, bàn ghế, cửa hoặc lát trần, ốp tường…
 
Hiện nay gỗ pơ mu trên thị trường giá rất đắt, trên 5 triệu đồng/m3, thế nhưng những người đi khai thác trộm mang gỗ ra khỏi rừng bán đổ bán tháo rất rẻ mạt…
 
Cuộc chiến chưa có hồi kết
 
Diện tích rừng lớn, cán bộ của ngành lâm nghiệp mỏng nên dù luôn có đội tuần tra ngày đêm ăn ngủ với rừng nhưng canh được chỗ này thì rừng chỗ kia lại bị chặt phá.
 
Ông Quang Trung Phức Ngõ (người dân tộc Thái), kiểm lâm viên của xã Tam Đình cho biết:
Trước đây, rừng nguyên sinh ở khu vực này còn bạt ngàn gỗ quý, nhất là Pơ mu, nhưng mấy năm gần đây cây Pơ mu bị chặt phá quá nhiều.
 
Có một trạm bảo vệ rừng được chốt chặt tại bản Quang Phúc, Tam Đình, nhưng cũng chỉ được 6 chiến sỹ. Lực lượng mỏng thế này cũng chẳng làm được gì khi người dân ùn ùn vào rừng chặt trộm gỗ.
 
Trong quá trình đi tuần tra, nhiều lần cán bộ kiểm lâm bắt được các đối tượng đi chặt phá rừng rồi xử phạt hành chính nhưng họ không có tiền để nộp.
 
Rừng quốc gia Pù Mát có trên 94.000 ha, trong đó cán bộ bảo vệ chỉ được 86 người. Địa bàn rộng, hoạt động của dân trộm gỗ ngày càng tinh vi.
 
Và cứ thế đêm đêm trên các cánh rừng của Con Cuông và Tương Dương, kể cả vườn quốc gia Pù Mát, cây Pơ mu cứ lần lượt trơ lại gốc.
 
Một lẽ nữa, hiện nay đồ dùng từ loại gỗ này đang rất được các gia đình khá giả ưa chuộng. Trong chuyến công tác về vùng miền tây xứ Nghệ, tôi đã chứng kiến nhiều đại gia không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tậu đồ gỗ Pơ mu.
 
Nào là trần nhà, tủ, bàn, ốp tường, cửa… đều làm bằng gỗ pơ mu. Đó là chưa kể những ngôi nhà sàn to đẹp ngốn hết bạc tỷ cũng làm bằng gỗ Pơ mu. Thế nên, những cánh rừng Pơ mu nơi đây đang cạn kiệt dần…