Nhiên liệu sinh học chưa phải là “giải pháp tối ưu” cho thế giới

Nhiên liệu sinh học – nguồn năng lượng được nhiều nước trên thế giới coi là “giải pháp xanh” có thể bù đắp cho sự thiếu hụt dầu mỏ trong tương lai và đặc biệt giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – chưa chắc là một giải pháp tối ưu. Các chuyên gia môi trường cảnh báo như vậy tại Hội nghị quốc tế về nước đang diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển).

Quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây cối tiêu tốn một lượng cực lớn nguồn tài nguyên nước đang thiếu trầm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng nhiên liệu sinh học có thể là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới các nguồn nước vốn đang rất cần cho mùa màng.
Ông Johan Kuylenstierna, điều khiển hội nghị, cho biết việc sản xuất lương thực trong tương lai sẽ gia tăng, tiêu thụ nước cho khu vực nông nghiệp cũng sẽ tăng mạnh, và cùng với sự phát triển này việc sản xuất nhiên liệu sinh học cũng tăng theo.
Trong khi đó, triển vọng về nguồn nước lại hạn chế, nguy cơ thiếu nước sạch đã hiện hữu lâu nay vì tại một số nơi trên thế giới, nắng nóng kéo dài đã gây khô hạn nặng, trong khi tốc độ sa mạc hóa không hề giảm. Ông Johan ảnh báo rằng thế giới sẽ không thể khai thác đủ nước để phục vụ việc canh tác mùa màng nếu một lượng nước lớn được chuyển sang mục đích trồng cây để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Nhiên liệu sinh học sẽ không phải “giải pháp xanh” mà chỉ là một trong những giải pháp. Bà Surita Narain, Giám đốc Trung Tâm Khoa học và Môi trường của Ấn Độ, tham dự hội nghị khẳng định ưu tiên chính hiện nay không phải là tìm cách phát triển nhiên liệu sinh học mà là giảm mức tiêu thụ nhiêu liệu đang gia tăng trên thế giới.
Theo dự báo của Viện Nước sạch Quốc tế Stockholm (SIWI), đến năm 2050, lượng nước bổ sung cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ tương đương với lượng nước cần thiết cho khu vực sản xuất nông nghiệp của toàn thế giới.