Nhật Bản đầu tư bảo vệ môi trường

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định phương hướng thực hiện kế hoạch phát triển kỹ thuật nhằm giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.

Theo đó, tổng số tiền dự tính được đầu tư vào các hạng mục trọng điểm ở mức từ 100-1.000 tỷ yên ( 8 – 80 tỷ USD) trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, kế hoạch trên cũng sẽ được Chính phủ Nhật Bản xác định triển khai cùng các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) tại Hokkaido (Nhật Bản) vào mùa hè năm tới.
 
Các công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng trong kế hoạch trên bao gồm : kỹ thuật chế biến thép mới có thể cắt giảm lượng khí thải CO2 bằng việc sử dụng khí hyđrô thay cho than đá trong quá trình sản xuất; kỹ thuật sử dụng năng lượng điện mặt trời thay cho nhiệt điện với hiệu quả cao; phát triển các lò phản ứng hạt nhân loại vừa và nhỏ hiện được các nước đang phát triển ưa chuộng.
 
Trong dự toán tài khóa năm 2008, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành khoảng 60 tỷ yên cho kế hoạch phát triển kỹ thuật trên. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, với việc xây dựng cơ chế phân chia lĩnh vực đảm nhiệm cho các nước đang phát triển sở hữu những công nghệ tiên tiến, hiệu quả của việc phát triển kỹ thuật mới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là rất cao. Ngay trong tháng 8 này, Nhật Bản sẽ đề xuất với Mỹ đề án xây dựng khung đối thoại quốc tế, sau đó sẽ mở rộng ra các nước thuộc EU.
 
Sau khi hoàn thành ý tưởng cơ bản của khung đối thoại quốc tế, Nhật Bản sẽ chính thức đề xuất kế hoạch này tại Hội nghị các nước tham gia điều ước ngăn chặn sự biến đổi khí hậu tại Bali (Indonesia) vào tháng 12 tới.
 
Mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đệ trình tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Đức tháng 6 vừa qua. Các nước tham gia nhất trí sẽ thảo luận một cách thận trọng mục tiêu đến năm 2050 giảm ít nhất một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.