Lối ra nào cho thủy sản đồng bằng sông Hồng?

Các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (ÐBSH) là khu vực thuận lợi trong giao thương, có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa. Với vùng duyên hải trải dài hàng trăm km, nhiều khu trũng thấp nhiễm mặn và đồng muối sản xuất kém hiệu quả đang chuyển mạnh sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ðịa phương không có biển thì cải tạo những ruộng lúa trũng thành ao, đầm NTTS nước ngọt.

Tôm, cá “lên ngôi”
 
Hơn bốn năm về trước, gia đình anh Ðỗ Thanh Dân, thôn Thượng Sơn, xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) là một trong những hộ đầu tiên dời nhà ra ở lều trên vùng ruộng trũng của nhà và đấu thầu của xã. Anh Dân mạnh dạn vay ngân hàng, bà con làng xóm hàng chục triệu đồng để đào ao nuôi cá. Hiện nay, bốn ao với hai mẫu mặt nước anh thả cá tra, rô phi đơn tính, chép lai. Cùng với nguồn thu từ chăn nuôi lợn, gà, hằng năm gia đình anh Dân cũng được hơn 80 triệu đồng lãi.
 
Nước da ngăm đen vì mưa nắng, tần tảo nơi ao đầm không làm phai lạt nụ cười thoải mái với khách của anh. Chúng tôi đang chuyện trò rôm rả thì chuông điện thoại di động reo lên. Anh nghe điện xong liền giải thích: Năm đầu, chỉ thả mấy con trắm, con chép thì đâu cần điện với đóm, chỉ bán trong xã là xong. Từ ngày nuôi mấy “anh” đặc sản và cung ứng giống cho bà con thì phải sắm cái di động cho nó tiện. Nhỡ một cái là mất ngay mối hàng trong huyện, ngoài tỉnh. 
 
– Anh nuôi cá tra có khó không, đến vụ thu hoạch thì bán cho ai? – Tôi hỏi.
 
– Tôi nuôi cá tra ba năm rồi, đó là giống phàm ăn, mật độ thả dày, nuôi không khó, năng suất lại cao. Ngặt nỗi, lượng tiêu thụ không được nhiều, năm ngoái tôi bán hơn sáu tấn với giá 12.000 đồng/kg cho doanh nghiệp ở Hải Phòng, trừ chi phí giống, thức ăn cũng lãi được 30 triệu đồng.
 
Ðược biết, HTX thủy sản Tái Sơn có 20 xã viên cũng khai thác khá hiệu quả những vùng đất trũng, bãi triều mà trước đây khi chia ruộng không ai muốn nhận.
 
Tạm chia tay với những nông dân cần cù, sáng tạo ở Hải Dương, chúng tôi về vùng duyên hải với những địa danh gắn liền với sông, với biển.  Ðồng chí Ðặng Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách NTTS (Sở Thủy sản Nam Ðịnh) vừa bước đi trên sân phơi muối còn sót lại ở cánh đồng muối xã Giao Long, Giao Yến của huyện Giao Thủy, vừa kể: Cách đây gần chục năm, những cánh đồng muối trắng đã nuôi sống nhiều gia đình. Nhưng “sứ mệnh lịch sử” của nó đã hết, nhường chỗ cho con tôm sú và các loại thủy sản khác đầy tiềm năng.
 
Gặp vợ anh Lương Ngọc Am bên bờ ao nuôi tôm công nghiệp, chị cho biết:  Lúc đầu làm ao, cả nhà ai cũng lo, không biết bỏ tiền ra có thu được gì không. Thế mà đã sang năm thứ bảy rồi. Nhờ giời, năm ngoái thu được hai tấn rưỡi tôm, xuất được giá 75.000 đồng/kg, có lúc lên đến 90.000 đồng.
 
Anh em trong đoàn đều mừng cho chị. Và, chúng tôi biết được sau kết quả ấy, là sự lo toan, vất vả. So với làm muối thì nuôi tôm sú thu lãi gấp 20 đến 30 lần, nhưng rủi ro luôn thường trực. Ðể làm 2.000 m2 ao đầu tiên nhà chị phải đào đắp thủ công với chi phí  hơn 30 triệu đồng, đến năm 2006 được 5.000 m2. Năm nay, nhờ có máy nên chi phí có giảm và nhanh hơn. Với 8.000 m2 mặt nước, nhà chị thả 160 nghìn con tôm giống. Vụ nuôi bắt đầu từ giữa tháng 3 và kéo dài bốn tháng. Sau khi thu hoạch nhà chị Am dành thời gian vệ sinh ao đầm, một số hộ khác thì tranh thủ nuôi cua, tôm rát, tôm he chân trắng. 
 
Phó Giám đốc Sở Thủy sản Nam Ðịnh- Nguyễn Quang Trực khẳng định:  Nam Ðịnh có các vùng nuôi ở cả ba loại mặt nước (mặn, lợ, ngọt). Diện tích NTTS toàn tỉnh đến năm 2006 là 14.200 ha. Ðến nay, con tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng  nước lợ. Tổng diện tích nuôi tôm sú đã lên 4.500 ha. Những năm qua, con cua chỉ xếp sau tôm sú, chủ yếu là nuôi luân canh, xen canh với các đối tượng khác. Với diện tích khoảng một nghìn ha bãi triều, các hộ nuôi ngao ở hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng đã đạt sản lượng hơn mười nghìn tấn, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, có diện tích đạt 40 đến 80 tấn/ha. Các con nuôi khác như tôm rảo, cá bớp, cá song, cá vược, rong câu, chỉ vàng… cũng cho năng suất và sản lượng khá. Từ năm 2003 đến nay, Nam Ðịnh xác định cá rô phi đơn tính là con nuôi chủ lực cùng với tôm càng xanh của vùng nội đồng. Diện tích nuôi được mở rộng do việc chuyển đổi những vùng lúa năng suất thấp sang nuôi cá rô phi. Tỉnh đã hình thành được các vùng nuôi tập trung tại khu vực nội đồng như xã Hải Ðông, Hải Châu (Hải Hậu); Nam Vân, Lộc An  (TP Nam Ðịnh). Năm 2006, năng suất đạt hơn 150 tấn và toàn tỉnh đã có hơn 3.000 lao động tham gia NTTS, có mười doanh nghiệp và ba hợp tác xã NTTS.
 
Khó khăn và giải pháp tháo gỡ
 
Hiệu quả của NTTS so với trồng lúa và làm muối là quá rõ. Song, các cán bộ ngành thủy sản và hộ nuôi mà chúng tôi gặp không khỏi băn khoăn về những khó khăn, thách thức đang và sẽ đặt ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trước mắt là việc tiêu thụ sản phẩm. Nhà máy chế biến chưa có, sản phẩm chủ yếu là bán cho tư nhân và thường bị ép giá. Anh Dân bộc bạch: Mật độ thả cá tra ở ao của tôi vẫn còn thưa nhưng không dám đầu tư thả thêm con giống. Chỉ sợ nuôi nhiều quá lại không bán được hoặc giá thấp. Nếu hợp đồng được với doanh nghiệp thu mua ở Hải Phòng thì họ có thể ứng trước tiền giống, thức ăn. Thế mới yên tâm mà làm, gia đình tôi và một số hộ khác có thể đầu tư tăng mật độ hoặc mở rộng ao nuôi để bảo đảm cung cấp khoảng 50 tấn cá tra thương phẩm.
 
Chị vợ anh Am cũng bày tỏ, nuôi được con tôm đã khó nhưng bán được giá còn khó hơn. Vì không bán được cho nhà máy chế biến nên chỉ bán cho tư thương, mà tư thương sức mua cũng không nhiều. Họ chỉ lấy tôm bơi, mỗi lần chỉ bán được mấy tạ, khó xuất một đến hai tấn một lần, và sau nhiều ngày mới lấy được tiền. Cũng may là hiện nay bán có vất vả nhưng chưa đến mức ế.
 
Ngành thủy sản Nam Ðịnh đang quy hoạch chuyển dần các vùng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS tập trung hoặc kết hợp nuôi cá và trồng lúa. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo Chương trình 224/CP, 112/CP, tập trung đầu tư các dự án NTTS. Quy hoạch bảo vệ và khai thác bền vững các bãi giống ngao, cua, tôm tự nhiên tại Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Vận động, tuyên truyền nông dân, ngư dân làm tốt công tác cải tạo ao, đầm, bảo vệ và xử lý môi trường ở các vùng nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh. Tăng cường kiểm soát việc lưu thông và sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh và chế phẩm sinh học trong NTTS  nhằm  bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản từ ao nuôi tới bàn ăn theo các tiêu chuẩn tiên tiến.
 
Tạo điều kiện cho Tập đoàn Shell- fish Hà Lan sớm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất khác sang NTTS, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ… Thực hiện cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho nhân dân  NTTS (kể cả bãi triều, mặt nước ven biển, ven sông) theo quy định của Luật Ðất đai. Ðào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ đạo thực tiễn, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật cho cán bộ thủy sản từ tỉnh đến cơ sở. Bố trí lãnh đạo phụ trách và một cán bộ theo dõi có chuyên môn thủy sản, biên chế trong phòng NN& PTNT. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ khuyến ngư cho các trạm khuyến nông. Bố trí cán bộ khuyến ngư chuyên trách ở các xã ven biển, các xã có dự án và diện tích NTTS.
 
Về hướng phát triển NTTS của Hải Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Dương cho biết: Các huyện có nhiều ruộng trũng, cấy lúa năng suất thấp, đã xây dựng kế hoạch và được UBND tỉnh Hải Dương cho phép tiến hành lập quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, hướng tới xuất khẩu. Tỉnh có chính sách hỗ trợ 25 đến 30% chi phí xây dựng  cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản tập trung, hỗ trợ 50% về giống cho hộ nuôi  thủy sản giống mới. Ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, Kinh Môn, Ninh Giang… tập trung nuôi cá rô phi đơn tính cho năng suất 12 đến 15 tấn/ha, doanh thu 150 đến 200 triệu đồng/ha. Trong hai năm qua, Sở NN&PTNT tỉnh đã thẩm định mười dự án vùng nuôi thủy sản tập trung thuộc bảy huyện, đã phê duyệt quy hoạch hơn 1.400 ha. Tuy vậy, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trông chờ tư thương, chưa có đơn vị đứng ra tiêu thụ cá thương phẩm cho hộ nuôi.
 
Trước những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với việc phát triển NTTS, ngành thủy sản cần cảnh báo cho hộ nuôi khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bão hòa, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản không gây ô nhiễm môi trường, cách phòng, chống dịch bệnh. Ðồng thời, tư vấn về khoa học – công nghệ, giống, thức ăn, hậu cần dịch vụ, bảo đảm cho việc NTTS ở ÐBSH phát triển bền vững.