Quảng Nam: Phát hiện chim lạ (kền kền Bengan)

Chiều hôm qua 15/08, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam – ông Diệp Thanh Phong, cho biết đã có thông tin ban đầu xác định được nguồn gốc con chim lạ phát hiện tại huyện Tiên Phước trước đó 1 ngày (14/08) – đấy là chim kền kền Bengan.

Được biết, con chim được Hạt Kiểm lâm Tiên Phước tiếp nhận vào ngày 14/08 từ Ban Lâm nghiệp xã Tiên An và người phát hiện ra nó tại rẫy sắn của mình là ông Ca Văn Nở (trú tại thôn 3, Tiên An).
 
Theo biên bản tiếp nhận, chim (không rõ trống – mái) có lông màu đen, đầu to, mỏ quặp, cổ chỉ có lông mao. Chiều dài sải cánh của chim đến 1,25 mét, từ mút lông đuôi đến mỏ dài 70 cm, chân màu đen dài 24 cm, khoảng cách sải bàn chân 15 cm, trọng lượng 2,9kg (khi chết). Khi phát hiện, trên mình chim có gắn một số thiết bị điện tử bao gồm: Tại 2 cánh có đính 2 thẻ nhựa vàng đánh số 8; trên lưng có 1 máy kích thước 36mm x 29mm x 75 mm, trên máy có ghi chữ và số: MAGNET, GEOTRAK cùng các số: Co74, 29567; máy có gắn với một cần anten dài 20cm; ngoài ra 2 chân chim có đeo 2 vòng nhôm.
 
Khi mới được phát hiện, chim còn sống nhưng có vẻ suy kiệt, đầu gục xuống. Trạm Thú y huyện Tiên Phước đã cử cán bộ đến chăm sóc, tiêm thuốc trợ lực. Chim tỉnh lại nhưng sau đó yếu nhanh và chết. Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo giữ lại tiêu bản chim để nghiên cứu nhưng thú y huyện không đồng ý vì nghi chim chết do bệnh và có ý kiến tiêu huỷ ngay. Hạt Kiểm lâm Tiên Phước đã cho tiêu huỷ đồng thời chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị trên mình chim cho Công an huyện.
 
Loài chim này chưa từng xuất hiện ở Quảng Nam, vì thế Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phải gửi email đưa thông tin và hình ảnh về chim lạ đến nhiều cơ quan chuyên ngành trong nước để hỏi nguồn gốc.
 
Đến chiều ngày 15/08, một nhà nghiên cứu của Tổ chức BirdLiffe (Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế), chi nhánh Hà Nội, liên hệ với ông Diệp Thanh Phong và muốn xin lại những máy móc thiết bị gắn trên mình con chim lạ vừa tìm thấy ở Quảng Nam. Người này khẳng định, con chim lạ thuộc họ chim kền kền Bengan, một loại động vật được Sách Đỏ động vật thế giới đưa vào nhóm tối nguy cấp. Nó đã được các nhà nghiên cứu BirdLife gắn các thiết bị thu phát tín hiệu radio trên mình để nghiên cứu về quy luật sinh hoạt, vùng phân bố…và thả tại Campuchia từ nhiều năm trước. Tuy nhiên đến năm 2006, các nhà nghiên cứu hoàn toàn mất thông tin về con chim này.
 Người nói chuyện với ông Diệp Thanh Phong muốn xin lại những thiết bị gắn trên mình chim để chắp nối những thông tin mà cơ quan này bị đứt đoạn với chim từ năm 2006. Ông Diệp Thanh Phong đề nghị cán bộ BirdLife phải vào Quảng Nam và ông sẵn sàng giới thiệu để làm việc với Công an huyện Tiên Phước xin lại các thiết bị nói trên.