Rắc rối ở dự án khai thác nước ngầm Phụng Châu

ThienNhien.Net – Dự án khai thác nước ngầm ở xã Phụng Châu để phục vụ Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) sau mấy năm triển khai, đến giai đoạn lắp đường ống thì buộc phải tạm ngừng, do gặp sự phản ứng quyết liệt từ phía người dân.

Hầu hết người dân xã Phụng Châu vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt
Hầu hết người dân xã Phụng Châu vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt

Ông Ðỗ Trọng Phú, Giám đốc Ban Dự án Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty Phú Mỹ – đơn vị được giao thực hiện dự án cung cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Phú Nghĩa), trình bày: Khu công nghiệp Phú Nghĩa hiện có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động với khoảng chín nghìn người lao động, có nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, sinh hoạt khoảng 6.000 m3/ngày, đêm. Hiện tại, một trạm cấp nước tại chỗ trong khu công nghiệp chỉ đáp ứng được vỏn vẹn 500 m3/ngày, đêm. Ðứng trước khó khăn về thiếu nước sạch ở khu công nghiệp, năm 2008, công ty được giao khảo sát, thăm dò nguồn nước ngầm tại xã Phụng Châu. Quy trình về thủ tục giấy tờ, các bước thử nghiệm, hồ sơ quan trắc thủy văn, công ty đã thực hiện khá đầy đủ. Các hạng mục công trình được triển khai xây dựng gấp rút. Gần đây, công ty tiến hành lắp đặt được hơn năm km đường ống dẫn, chỉ còn chờ hơn hai km đường ống nối với sáu giếng khoan đặt tại xã Phụng Châu là công trình có thể đi vào vận hành. Thế nhưng, mọi việc bị ách lại, nguyên nhân bởi người dân địa phương ngăn cản không cho lắp nốt đường ống.

Ðồng chí Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hoàng Văn Bảy khẳng định: Về trình tự, thủ tục ban hành giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất cấp cho Công ty Phú Mỹ thực hiện đúng quy định. Về nguồn nước dưới đất, căn cứ tài liệu, điều tra đánh giá cũng như kết quả thăm dò tại công trình này cho thấy đáp ứng được yêu cầu khai thác với lưu lượng 6.000 m3/ngày, đêm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, dự án khai thác nước dưới đất tại xã Phụng Châu đã được Công ty Phú Mỹ chuẩn bị và từng bước triển khai thực hiện các quy trình từ năm 2009 đến nay. Trong thời gian đầu, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Công ty được chính quyền địa phương và người dân tạo điều kiện cho khảo sát, thăm dò, khoan giếng. Vậy mà, đến giai đoạn hoàn tất công đoạn lắp đặt đường ống thì xảy ra sự cố. Trong các ngày 10 và 16-9 vừa qua, hàng trăm người dân kéo đến trụ sở UBND xã gây ồn ào, phản đối việc thực hiện dự án nước sạch này. Người dân gửi đơn khắp nơi, từ xã, huyện, tỉnh lên tới Trung ương. Trước tình hình phức tạp như vậy, cơ quan có thẩm quyền buộc phải tạm ngừng triển khai thực hiện dự án, chờ triển khai công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Lê Bá Ðồng cho biết: Xã có năm thôn, 11 nghìn nhân khẩu, một trường đại học, một trung tâm giáo dục quốc phòng. Nhu cầu sử dụng nước của cả xã khoảng 7.000 m3/ngày, đêm; phụ thuộc toàn bộ vào nguồn nước giếng khoan. Nếu công trình nước sạch do Công ty Phú Mỹ hoàn tất thì lượng nước khai thác tăng gần gấp đôi. Theo quy hoạch, sắp tới, xã đón nhận thêm một trường đại học, một khu đô thị sinh thái, như vậy, nguồn nước ngầm lại phải san sẻ.

Khi nhóm phóng viên tiếp xúc với người dân xã Phụng Châu thì nhiều người “kể tội” Công ty Phú Mỹ và chính quyền các cấp có những biểu hiện thiếu minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện dự án nước sạch tại đây. Ông Hoàng Văn Tại, ở cụm 7, thôn Phượng Nghĩa, thắc mắc: “Khu công nghiệp Phú Nghĩa nằm ở cách xã Phụng Châu sáu, bảy cây số, tại sao không lấy nước tại chỗ mà lại bơm hút nước ở địa bàn chúng tôi?”. Anh Nguyễn Kim Lệ, một người dân nói: “Khi Công ty Phú Mỹ tiến hành thau rửa, vận hành thử nghiệm các giếng hút đã làm gần 100 giếng khoan của dân bị cạn kiệt, không thể bơm được nước”. Vợ chồng anh Lê Văn Thoan, chị Nguyễn Thị Cánh thì lo lắng: “Gia đình tôi có bảy nhân khẩu, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, tưới tắm đều dựa vào giếng khoan, nay công ty mà bơm hút hết nước, chúng tôi lấy gì mà dùng?”. Bà Lý Thị Sâm, 72 tuổi, cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây lâu rồi, nền đất tại khu vực này rất yếu, dễ sụt lún, giờ mà công ty hút nhiều nước như thế rất dễ gây nứt, đổ nhà dân”.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình triển khai thực hiện dự án khai thác nước ngầm tại xã Phụng Châu, quan điểm của đơn vị được phép triển khai thực hiện dự án và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Theo các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ, cũng như Công ty Phú Mỹ, việc cấp phép và triển khai thực hiện dự án này là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật; khẳng định trữ lượng đủ nhu cầu khai thác với tổng lượng, thời gian, tần suất như nêu trong Giấy phép số 1626. Ðại diện Công ty Phú Mỹ còn xác nhận chắc chắn rằng quá trình thăm dò, thau rửa, thử nghiệm các giếng khoan thăm dò tại tầng sâu (khoảng 70-90m) không gây ảnh hưởng giếng khoan của người dân (ở độ sâu nông hơn, chỉ trung bình khoảng 20m).

Tuy nhiên, có những băn khoăn, thắc mắc chung quanh quá trình triển khai thực hiện dự án này đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Ðó là, phía công ty cho rằng đã công khai việc thực hiện dự án tại địa phương, nhưng người dân lại bảo lúc triển khai thăm dò, khảo sát, công ty cứ “úp úp, mở mở” không nói rõ với đông đảo người dân. Và tại sao phía công ty cho biết trong quá trình thử nghiệm thau rửa, bơm hút, nhiều giếng khoan của người dân không bị ảnh hưởng; trong khi đó, phía người dân thì lại phàn nàn là hàng loạt giếng khoan của họ bị ngừng hoạt động? Một nỗi lo khác, theo Quyết định số 161, ngày 9-1-2012, của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nghiệm thu Ðề án “Ðiều tra, đánh giá khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hà Nội” có nhắc đến địa bàn huyện Chương Mỹ là vùng hạn chế khai thác, chỉ nên xây dựng các trạm cấp nước dưới 5.000 m3/ngày và là vùng chú ý hiện tượng sụt lún. Theo chúng tôi, các ý kiến trái chiều giữa các cơ quan chức năng, công ty và người dân cần được xác minh, làm rõ thêm.

Vấn đề nan giải nữa đặt ra là cho đến nay, toàn bộ dân cư sinh sống trên địa bàn xã Phụng Châu chưa có mạng lưới cấp nước sinh hoạt tập trung, tất cả đều dựa vào nguồn nước ngầm tự nhiên. Về lâu dài, việc để người dân tự khoan giếng, khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, không kiểm soát như vậy dẫn tới sự lãng phí tài nguyên nước. Hơn nữa, với tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ dân số tăng, ai dám bảo đảm nguồn nước ngầm mãi vẫn giữ được chất lượng tốt như hiện nay, nếu không muốn nói là tình trạng khai thác tự phát, tràn lan cũng là một nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm nhanh hơn.

Chúng tôi cho rằng, về chủ trương chung, bài toán giải quyết nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Khu công nghiệp Phú Nghĩa là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án, cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan cần cân nhắc hài hòa lợi ích của địa phương, của doanh nghiệp và người dân. Không nên quá coi trọng việc đáp ứng nước phục vụ khu công nghiệp mà xem nhẹ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Theo chúng tôi, cần khẩn trương hoàn thiện giải pháp xây dựng mạng lưới cấp nước sạch tập trung cho người dân trên địa bàn. Ðồng thời, để tránh những rắc rối, phức tạp xảy ra, chính quyền, các cơ quan chức năng của huyện Chương Mỹ và thành phố Hà Nội nên chăng tiến hành rà soát, kiểm tra, cân nhắc, đánh giá lại đầy đủ, thuyết phục về quy trình thử nghiệm trước khi chính thức tiếp tục phương án thực hiện dự án cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Phú Nghĩa.