Ô nhiễm nguồn nước sông Cầu: SOS

Lượng nước thải hầu hết chưa được xử lý thải ra từ khoảng 200 làng nghề nằm dọc hai bên bờ sông Cầu. Cùng với việc sử dụng hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật vào canh tác nông nghiệp và khai thác cát sỏi với khối lượng lớn đã làm tăng thêm ô nhiễm, sạt lở và biến đổi dòng chảy của dòng sông này.

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ môi trường, hiện có hàng trăm cơ sở chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và tuyển quặng xả nước thải ra lưu vực sông Cầu. Ngoài ra, lượng nước thải hầu hết chưa được xử lý thải ra từ khoảng 200 làng nghề nằm dọc hai bên bờ sông Cầu, việc sử dụng hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật vào canh tác nông nghiệp và khai thác cát sỏi với khối lượng lớn đã làm tăng thêm ô nhiễm, sạt lở và biến đổi dòng chảy của dòng sông này.
 
Lưu vực sông Cầu tiếp nhận nước thải của 6 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và một phần nước thải của Hà Nội. Theo thống kê của Cục Bảo vệ môi trường, đến năm 2004, toàn bộ lưu vực sông Cầu có hơn 2.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các ngành nghề như luyện kim, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng, sản xuất phương tiện vận tải… Nước thải của nhiều doanh nghiệp trong số đó được thải trực tiếp ra sông Cầu trong khi đa số các mỏ khai thác ở lưu vực sông đều không có hệ thống xử lý nước thải. Các cơ sở luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc tập trung ở Thái Nguyên với tổng lượng nước thải hơn 16.000 m3/ngày cũng là một trong những “thủ phạm” khiến nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm. Riêng KCN gang thép Thái Nguyên mỗi năm có hơn 1,3 triệu m3 nước thải được dẫn đổ ra sông Cầu. Điều đáng nói là nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép có chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và xianua… Tuy nhiên đến nay, KCN đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm.
 
KCN lớn thứ hai của Thái Nguyên: KCN Sông Công với các nhà máy sản xuất cơ khí, chế tạo máy động lực mặc dù đã hoạt động từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các nhà máy trong KCN cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc chỉ có hệ thống xử lý lắng cặn sơ bộ rồi thải thẳng ra sông Công đem theo rất nhiều dầu mỡ, kim loại nặng độc hại. Trước khi đầu tư một hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm, Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ cũng đã kịp đổ ra sông Cầu nhiều chất ô nhiễm vô cơ, COD, xơ sợi khó lắng, nước có màu đen, độ kiềm cao và bốc mùi… Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã thông báo cho các cơ sở gây ô nhiễm sông Cầu đến hết năm 2007 phải khắc phục ô nhiễm môi trường. Nếu đến hết năm 2007 không khắc phục được sẽ đình chỉ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này.
 
Ô nhiễm từ làng nghề: vấn đề nan giải
 
Hoạt động sản xuất của các làng nghề cũng thải ra sông Cầu một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu. Theo thống kê của Cục Bảo vệ môi trường, trên lưu vực sông Cầu có hơn 200 làng nghề như làng nghề sản xuất giấy, nấu rượu, mạ kim loại, tái chế phế thải, sản xuất đồ gốm… Các làng nghề này tập trung chủ yếu ở Bắc Ninh và một số ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Lưu lượng nước thải làng nghề lớn, mức độ ô nhiễm cao, không được xử lý và thải trực tiếp xuống các nguồn nước mặt. Tại một số làng nghề đã có các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hoạt động không hiệu quả.
 
Bắc Ninh là tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất với hơn 60 làng nghề tập trung chủ yếu ở dọc bờ sông Cầu, do đó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước mặt trong lưu vực. Các làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh với nhiều ngành nghề sản xuất phong phú, đa dạng nhưng phần lớn hệ thống thiết bị của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề đều cũ kĩ, lạc hậu, quy mô gia đình, khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải hạn chế.
 
Và nguy cơ ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp
 
Sản xuất nông nghiệp vẫn là một ngành quan trọng được quan tâm phát triển tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu. Tuy nhiên, điều đáng nói là để tăng năng suất cây trồng, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học ngày càng nhiều. Người dân phun thuốc trừ sâu từ 3 – 5 lần trong một vụ lúa hoặc chè. Lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại các tỉnh trong lưu vực rất lớn, trong đó thuốc trừ sâu chiếm tỷ lệ tới 68,3%. Theo báo cáo hiện trạng môi trường Thái Nguyên năm 2005, một vụ lúa, ngô hoặc chè trung bình người nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật từ 3-3,5 kg/ha đất nông nghiệp. Đặc biệt là cây chè, người dân phun thuốc diệt sâu từ 3 đến 5 lần và phun tổng hợp rất nhiều loại thuốc khác nhau để đề phòng sâu bệnh kháng thuốc. Lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng trong 1 vụ lúa lên tới hàng trăm tấn và một phần trong số đó được thẩm thấu vào nước sông Cầu.
 
Hiện tại tất cả các vùng sản xuất nông nghiệp trong lưu vực sông Cầu đều sử dụng rộng rãi các loại phân hoá học khoảng 500.000 tấn/năm, lượng dư thừa đổ vào lưu vực khoảng 33%. Tại các vùng thâm canh rau, tỷ lệ lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học được sử dụng cao gấp 3 – 5 lần các vùng trồng lúa. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang khuyến khích và dần dần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thực hiện canh tác, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp. Mặc dù hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm của các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu tăng đều qua các năm nhưng các biện pháp xử lý chất thải rắn, nước thải từ các chuồng trại chăn nuôi còn rất hạn chế. Do đó, hầu hết các chất thải này, đặc biệt là nước thải đều được đổ xuống các nguồn nước mặt gây ô nhiễm nghiêm trọng cho sông Cầu.