Châu Âu khắc phục thiếu nước

Châu Âu, nơi mà thường được cho rằng có một nguồn tài nguyên nước hết sức dồi dào thì thực tế lại đang đối mặt với tình trạng khô hạn, khan hiếm nước ngày càng diễn ra nghiêm trọng và phổ biến.

Khoảng 30 năm trở lại đây, tình trạng khô hạn tại châu lục này có xu thế gia tăng, gây tổn thất về mặt kinh tế ít nhất là 100 tỷ euro. Riêng đợt hạn hán nghiêm trọng diễn ra trong năm 2003 đã làm ảnh hưởng đến 100 triệu người dân và 1/3 diện tích của châu lục này, thiệt hại về kinh tế lên đến 8,7 tỷ euro.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 18/7, Uỷ ban Châu Âu đã ra thông cáo, nêu ra ba biện pháp nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước và khô hạn ở châu lục này. Trong đó nhấn mạnh phải đưa ra một chính sách về thuế và giá nước hợp lý, tuân thủ nguyên tắc “ai dùng nước người đó phải trả tiền” và trên cơ sở đó, nỗ lực triển khai các phương án đo lường tính toán lượng nước sinh hoạt tiêu thụ. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc tiết kiệm và sử dụng nước hợp lý. Uỷ ban Châu Âu kiến nghị thay đổi phương thức cung cấp và tiêu thụ nước, ví dụ có thể lắp các thiết bị tiết kiệm nước ở đầu các vòi cấp và sử dụng nước, vòi hoa sen… Theo thống kê mới nhất thì 40% lượng nước của Châu Âu đang bị sử dụng lãng phí nên việc tiết kiệm chắc chắn sẽ thu được hiệu quả rõ rệt. Theo Uỷ ban Châu Âu, một biện pháp quan trọng nữa là họ sẽ cân đối để phân phối hợp lý nguồn tài nguyên nước, ưu tiên phát triển cho các lĩnh vực kinh tế, ngành công nghiệp có khả năng sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế những ngành kinh tế, dự án phải tiêu hao nhiều nước không hợp lý.

Uỷ ban Châu Âu cho rằng, nếu không khẩn trương áp dụng những biễn pháp đối ứng trên, tình trạng khô hạn và thiếu nước ở Châu Âu sẽ ngày càng trầm trọng.Ông Su-ta-fu-Los, uỷ viên phụ trách về vấn đề môi trường của Châu Âu nói: “Bảo vệ nguồn nước, đối với đời sống của các cá nhân, đối với các hoạt động xã hội hay các hoạt động kinh tế đều vô cùng quan trọng, việc Liên minh Châu Âu bàn thảo đi đến thống nhất để áp dụng biện pháp đối ứng sử dụng nguồn nước một cách hợp lý là điều cần thiết ” .