Biến dầu ăn phế thải thành dầu diesel

Toàn TP HCM, lượng dầu ăn thải ra tính sơ sơ lên tới 4-5 tấn/ngày, nhiều khi được tái chế đến cháy đen và vón cục. Các chuyên gia ĐH Bách khoa TP đã biến chúng thành diesel sinh học, vừa kinh tế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Dầu ăn và con đường… vón cục
Một nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh thải ra 20-30kg dầu ăn /ngày, sau đó đem bán lại cho tiểu thương chiên xào tiếp. Dầu ăn được dùng để chiên nhiều đến mức từ vàng sang đen, rồi vón cục. Lúc này, chu kỳ “tận dụng” của nó mới chấm dứt, và thường được đổ thẳng xuống cống rãnh, làm thành những mảng bám ở đây.
“Vấn đề kinh tế chưa nói tới, nhưng sức khỏe người dân đã bị đe dọa thấy rõ” – các chuyên gia đã nhận định như vậy về việc xử lý dầu ăn phế thải hiện nay. Nếu tái sử dụng trên một lần để chế biến thực phẩm thì dầu ăn sẽ trở thành chất độc hại. Dầu ăn khi đun ở nhiệt độ cao sẽ bị ôxy hóa và polymer hóa nên mất dinh dưỡng, đặc biệt khi thức ăn bị cháy đen trong môi trường dầu sẽ trở thành chất cacbon – đây là nguyên nhân gây ung thư.
Trước thực tế đó, dự án sản xuất thử nghiệm biodiesel từ dầu ăn phế thải với công suất 2 tấn/ngày của các kỹ sư hóa thuộc Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa TP HCM) đã được Sở KHCN thành phố cấp kinh phí nghiên cứu.
Biodiesel thay thế diesel truyền thống làm nhiên liệu để chạy xe bus, xe tải trọng nặng, tàu thủy…
2 tấn dầu phế thải = 1,8 tấn biodiesel
“Trước đây, tại các địa phương thuộc miền Tây Nam bộ, người ta đã sản xuất biodiesel từ mỡ cá basa để làm nhiên liệu thay thế diesel, ở các nước phương Tây, biodiesel được sản xuất từ dầu cọ, hoa hướng dương, dầu dừa… nhưng TP HCM thì không có những điều kiện trên, nếu nhập nguyên liệu thì không đủ sức vì chi phí sản xuất ảnh hưởng giá thành… Do vậy, giải pháp trước mắt là tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là dầu ăn phế thải”, TS Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.
Chỉ cần dầu ăn phế thải và methanol là có thể sản xuất biodiesel, vài chục ngàn tấn dầu ăn/năm sẽ là nguồn nguyên liệu rẻ tiền, dồi dào, giảm ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế.
Từ những tính toán này, một hệ thống thu gom dầu đã được thực hiện tại các nhà máy tinh luyện dầu ăn (Nhà Bè: 50 tấn/tháng, Tân Bình: 50 tấn/tháng), các nhà máy chế biến thực phẩm có sử dụng dầu ăn và một số nhà hàng, quán ăn, cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ với khối lượng 4-5 tấn/ngày. Số dầu này sau khi thu mua được tập trung về xưởng sản xuất tại phường Linh Trung (Thủ Đức). Hiện Trung tâm Công nghệ lọc hoá dầu đã sản xuất thử nghiệm với năng suất 1,8 tấn biodiesel/mẻ/ngày từ 2 tấn nguyên liệu dầu ăn phế thải.
Anh Trọng, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: các công đoạn bao gồm: tách, rửa glyceryn – sấy – ra biodiesel thành phẩm. Từ lượng dầu đen phế thải đậm đặc, nặng mùi chua giờ đã trở thành dầu vàng như màu nguyên thủy, thoang thoảng mùi cồn nhẹ, mùi chua đã biến mất.
Tại xưởng sản xuất rộng khoảng vài trăm mét vuông, anh Trọng tiết lộ, đây là hệ thống bán tự động do nhóm nghiên cứu tự thiết kế và xây dựng, tuy không thẩm mỹ lắm nhưng công suất rất ổn định. Hiện mỗi ngày, xưởng bán biodiesel cho các xe bồn đến mua, cung cấp cho các cơ sở làm khí đốt, giúp tiết kiệm dầu công nghiệp và điện năng.
Theo ông Lương, trở ngại chính đối với việc ứng dụng rộng rãi biodiesel ở nước ta là giá thành. Giá sản xuất biodiesel vẫn còn cao gấp hai lần giá nhiên liệu diesel chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. 
Tuy nhiên, sử dụng dầu ăn phế thải chỉ là một bước đi tạm thời. Về lâu dài, nhiên liệu biodiesel được sản xuất từ nguồn dầu thực vật (dầu hướng dương, đậu phộng…) mới có thể đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường năng lượng.