Nhu cầu xử lý e-waste

Tuần này, luật về chất thải đồ điện và điện tử của EU bắt đầu có hiệu lực tại Anh. Theo qui định của Luật, chất thải điện tử (e-waste) buộc phải tái chế ít nhất 4kg/đầu người.

Luật về chất thải đồ điện và điện tử (WEEE) là tin mừng cho môi trường. Tuy vậy, cần phải mất nhiều thời gian cho đến khi nó được thực hiện rộng khắp.

Luật có từ năm 2002. Nhưng lúc đó, ở Anh chưa có phương tiện để xử lý chất CFC gây hiệu ứng nhà kính có trong tủ lạnh.

Năm năm qua, cơ sở hạ tầng đã được nhanh chóng xây dựng. Cùng với điều đó, các núi tủ lạnh phế thải cũng cao ngất ngưởng.

E-waste là chất thải gia tăng nhanh nhất trong EU. 1,2 triệu tấn khối được thải ra mỗi năm riêng tại Anh. Phần lớn vẫn còn nằm ngoài trời, tại các bãi rác.
Nhu cầu cao
Vậy còn PC và TV thì sao? Ông Myles Pilkington, giám đốc truyền thông của Sims Group, nói chắc chắn đó là nhu cầu lớn cần giải quyết.
Sims Group, công ty tái chế e-waste lớn nhất thế giới, đã hiện diện tại hầu hết các nước trong EU từ hai năm nay với những trang thiết bị chuyên dụng.
Một trong những nhà máy lớn nhất ở Âu châu là ở Eindhoven, bản doanh của đại công ty điện tử Hà Lan, Philips.
Nhà máy này có khả năng xử lý 100 ngàn tấn e-waste một năm. Đây là hoạt động công nghiệp, người ta tháo rã các dụng cụ điện tử bằng máy.
”Lợi ích của việc làm tự động là có thể xử lý một lượng lớn hơn và an toàn hơn,” ông Pilkington giải thích.
”Dĩ nhiên nếu lựa bằng tay, ta có thể sàng lọc kỹ hơn các bộ phận, nhưng tính trên giá thành thì làm bằng máy kinh tế hơn.”
Ông Pilkington hy vọng với tiến bộ của kỹ thuật, một ngày gần đây phân loại bằng máy phế liệu điện tử, nhiều khi nhỏ li ti, cũng sẽ có kết quả chính xác như làm bằng tay vậy.
Bài toán nhựa
Tập đoàn Sims có từ cả trăm năm nay nhưng trước đây chủ yếu xử lý kim loại.
Bộ phận giải pháp cho tái chế của Sims phụ trách xử lý e-waste chịu trách nhiệm luôn cả việc nghiên cứu và đề ra chiến lược.
”Điều làm cho chúng tôi sửng sốt khi có WEEE là nhu cầu tái chế các loại nhựa,” ông Pilkington nói, ”Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới trước đây nhưng bây giờ vật liệu chúng tôi tái chế ngày càng nhiều là nhựa.”
”Nó chiếm một lượng đáng kể trong những gì chúng tôi xử lý hàng ngày.” Và thách thức làm sao tái chế nhựa có trong e-waste vì chúng không cùng chủng loại với nhau.
Ông Pilkington dè dặt tiết lộ, “Chúng tôi phải áp dụng hai phương pháp cùng lúc để phân loại chúng theo ý muốn.”

Kỹ thuật thứ nhất, gọi là phân loại theo trọng lượng, tức cho những hạt nhựa chạy qua nhiều dung dịch khác nhau, một số sẽ chìm xuống và một số sẽ nổi lên.
Còn kỹ thuật thứ hai? Họ phải tìm hiểu vật liệu có trong tay và dùng súng hơi để bắn cho những gì bằng nhựa văng ra.
Cấp độ chất liệu
Tuy đối với WEEE, tại chế nhựa là phần quan trọng nhưng chỉ được xem là vật liệu cấp thấp – có nghĩa khi bán lại thường không đủ trang trải phí tổn tái chế.
”Những chất có giá hơn chủ yếu là kim loại, cho dù là khung sườn của máy hay bên trong đồ điện tử, luôn có khả năng có những kim loại quí bán được giá hơn,” ông Pilkington giải thích.
Cũng như nhựa, người ta cũng phải cán nhỏ kim loại ra, loại bỏ những chất liệu nguy hiểm, rồi phân loại theo nhóm.
Một trong những cách phổ thông là dùng nam châm để hút các chất sắt, và điện dòng để hút các kim loại khác như đồng.
Sims xử lý 320 ngàn tấn e-waste theo WEEE trong năm 2006. Hai phần ba số này – tương đương với 12,7 triệu PC – được thực hiện tại Eindhoven. Nhà máy này cũng tái chế mực máy in và ống hình CRT.
Nhưng vậy cũng chưa thấm gì so với sản lượng e-waste ở Âu châu, ước đoán phải tới 6,4 triệu tấn hàng năm.