Rau quả “ngậm” thuốc cấm

ThienNhien.Net – Không chỉ trái cây Trung Quốc, nhiều loại rau quả Việt Nam cũng “ngậm” các loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc. Sức khỏe của người tiêu dùng tiếp tục bị đe dọa.

Trưa, trời nắng gay gắt. Anh P.V.S. ở xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) mang bình xịt ra phun ruộng hành lá sắp thu hoạch. “Phải xịt phòng ngừa cho chắc ăn. Lỡ hai, ba bữa nữa sâu tấn công thì có nước húp cháo” – anh S. giải thích. Trong túi nilông đựng thuốc trừ sâu anh S. mang ra ruộng có một chai thuốc dung tích 50ml viết toàn chữ Trung Quốc. Anh S. nói, bây giờ thuốc trừ sâu của Viêt Nam bị nhờn hết rồi, phải sử dụng thuốc của Trung Quốc pha với một loại thuốc của VN mới diệt được sâu xanh da láng. Chai thuốc này giá 4.000 đồng, được bán ở một đại lý thuốc BVTV gần nhà, “nhưng phải quen mới mua được vì đây là… thuốc cấm mà!”.

“Hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”

Tại vùng chuyên canh rau xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (Tiền Giang), nhiều nông dân nói thuốc Trung Quốc đang có mặt ở nhiều gia đình. Hiện nay loại thuốc này đáp ứng yêu cầu “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” các loại sâu trên rau. Ông Năm T. nói ông đã từng trồng cải ngọt, cải xanh… Cải trồng 25 – 40 ngày thì thu hoạch nhưng do thường có 2 – 3 loại sâu tấn công nên ông phải phun thuốc trừ sâu mỗi tuần một lần. “Có khi mới xịt chừng năm ngày, sâu đã xuất hiện trở lại. Tiền thuốc, tiền phân rất nhiều nên người trồng rau lãi ít lắm!” – ông Năm T. tâm sự.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Thanh ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo cũng nói bây giờ trồng rau rất vất vả vì sâu rầy bị lờn thuốc. Nếu không sử dụng thuốc của Trung Quốc thì sâu sẽ ăn hết rau, không còn gì để bán. Ông Năm T. và nhiều nông dân trồng rau ở xã Thân Cửu Nghĩa cho biết thêm: trong qui trình trồng rau, ngoài chuyện trừ sâu còn phải có “thủ thuật” làm lá to, đẹp để tăng thêm trọng lượng và dễ bán. “Đám rau mồng tơi hôm nay chú thấy mơn mởn là do bốn ngày trước tôi phun thuốc kích thích. Phun thuốc này còn làm trọng lượng của rau tăng thêm đáng kể, bán được nhiều tiền hơn”. Hỏi thuốc gì mà hiệu quả như vậy, ông bảo ra cửa hàng thuốc BVTV thì bao nhiêu cũng có.

Kỹ sư Lê Quốc Điền, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, khẳng định: “Tôi từng chứng kiến thương lái mua thuốc trừ cỏ về “xử lý” chuối cho trái to hay mua thuốc của Trung Quốc về ngâm xoài, đu đủ… để làm trái chậm chín, bán được lâu hơn!”.

Ăn rau quả: hên xui!

“Phần lớn các loại rau ăn lá trên thị trường đều có dư lượng thuốc trừ sâu. Vấn đề là chúng ta không thể biết được lô hàng nào có dư lượng vượt mức cho phép, lô nào tương đối an toàn mà thôi” – ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, nói. Chi cục BVTV tỉnh Tiền Giang lấy mẫu rau kiểm nghiệm mỗi tháng một lần, hầu như lần nào cũng phát hiện có mẫu rau “ngậm” thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.

Thạc sĩ Hồ Văn Chiến cho biết tình trạng nông dân sử dụng thuốc cấm có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện khá phổ biến. Ông Chiến nói: “Trước đây trồng cây ngò gai mất sáu tháng mới cho thu hoạch, còn bây giờ chỉ cần hai tháng mà lá ngò dài tới 30cm, gấp ba lần bình thường. Rau dấp cá, húng cay, mồng tơi… ở ngoài chợ mập mạp nhìn thấy mát mắt nhưng có khi “ngậm” thuốc kích thích. Thậm chí nông dân còn tìm mua thuốc kích thích của Trung Quốc để phun trước khi thu hoạch. Họ sử dụng thuốc gì thì chúng tôi không biết được”.

Còn theo thông báo của Chi cục BVTV TP.HCM, trong số 23 mẫu rau quả được lấy tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn ngày 5/2 thì hai mẫu ngò gai và húng cay có nguồn gốc từ Tiền Giang có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Tiếp đó, ngày 13/2, Chi cục BVTV TP.HCM lại gửi thông báo mẫu cải ngọt của Tiền Giang và củ hành tím của Lâm Đồng được bán ở chợ nông sản Bình Điền có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.

Thạc sĩ Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (Bộ NN&PTNT), bức xúc: “Người dân tự ý mua thuốc về phun chứ ít tuân thủ qui trình của ngành nông nghiệp. Các loại thuốc của Trung Quốc hầu hết là thuốc độc hại, bị cấm nhưng vẫn bán lén lút”. Cũng theo ông Chiến, có không ít thương lái đã đặt điều kiện với nông dân là trước khi thu hoạch rau phải phun thuốc Giberin (là thuốc kích thích ra hoa) để rau to, dài và đẹp hơn thì mới chịu mua(?).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nói một số nước ở châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan… có qui trình kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau quả rất chặt chẽ. Tại các chợ đầu mối đều có phòng thí nghiệm, phân tích và cho kết quả rất nhanh. Nếu lô hàng nào có dư lượng thuốc BVTV cao sẽ bị trả về tiêu hủy chứ không cho vào chợ. Nếu nông dân hoặc thương lái vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm hành nghề. Còn ở Việt Nam, việc quản lý, xử lý rau quả có dư lượng thuốc BVTV cao rất lỏng lẻo. “Khi mua rau thì tốt nhất tới cửa hàng rau an toàn, ăn rau mầm hoặc lựa rau có vết sâu ăn, còi cọc…!” – TS Châu nói.

Hiện nay nhiều địa phương đã triển khai các dự án trồng rau quả an toàn, nhưng diện tích còn ít so với nhu cầu.