Mỗi năm, hàng chục ngàn loài động, thực vật bị tuyệt chủng

Mỗi năm lại có thêm 18.000 – 55.000 loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng. Nguyên nhân là do các hoạt động của con người. Đây là báo động từ Ban Thư ký Công ước về Đa dạng sinh học.

Mức độ tuyệt chủng đang nhân lên theo con số gấp 1.000 lần tỷ lệ tuyệt chủng cơ sở: cứ mỗi giờ có 3 loài biến mất; mỗi ngày có 150 loài bị mất đi; mỗi năm 18.000 – 55.000 loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng.

Các số liệu trên do ông Ahmed Djoghlaf, Thư ký điều hành Ban Thư ký Công ước về đa dạng sinh học đưa ra nhân dịp Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5). Chủ đề của Ngày Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2007 là ’’Sự biến đổ khí hậu và đa dạng sinh học’’.

Theo ông Ahmed Djoghlaf, mới đây, trong báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu do 2.500 chuyên gia của 130 nước đã chỉ ra sự tích tụ khí CO2 trong bầu khí quyển đang ở mức chưa bao giờ từng có trong vòng 650.000 năm qua. Nguyên nhân là do các hoạt động của con người.

Ông Ahmed Djoghlaf cũng cho biết, 1.395 nhà khoa học của 95 nước cũng vừa chứng minh tác động tiêu cực gây ra bởi những hoạt động của con người lên tự nhiên. Theo đó, loài người đang chứng kiến một làn sóng tuyệt chủng lớn nhất kể từ khi loài khủng long biến mất trên trái đất.

Ban Thư ký Công ước về ĐDSH cũng đưa ra lời cảnh báo, vào cuối thế kỷ này, nhiều loài và hệ sinh thái sẽ phải vật lộn để thích nghi với những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa và tỷ lệ tuyệt chủng tăng lên. Minh chứng là sự biến mất của loài gấu vùng cực biến mất do lượng băng giảm đi; hay biến đổi khí hậu làm mực nước hồ Victoria ở châu Phi giảm khoảng 30%, dẫn tới khoảng 25-40 số loài đặc hữu của châu Phi có thể sẽ biến mất trong năm 2085.

Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm ĐDSH. Đồng thời, sự suy giảm ĐDSH và sự xuống cấp của các sinh cảnh tự nhiên cũng góp phần biến đổi khí hậu.

Ông Ahmed Djoghlaf cho rằng, những người hoạch định chính sách trên toàn thế giới ngày nay phải đặc biệt chú trọng tới vai trò của sự ĐDSH – một yếu tố thường bị bỏ qua trong các chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó, có thể giúp người nghèo nhất thích nghi được với sự thay đổi của thời tiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Theo đó, nếu cùng kết hợp giải quyết các hiểm họa dẫn tới sự suy yếu của ĐDSH và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thì con người có triển vọng tăng cường khả năng thích nghi đối với những thách thức mới trong thập kỷ tới. Đồng thời, đảm bảo cuộc sống cho những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ.