Hà Tĩnh: Ào ào đốt rừng lấy đất

Tháng trước, nhân cơ hội Cty Cổ phần Nông lâm sản Hà Tĩnh cho tiến hành tỉa thưa keo, thông trên địa bàn xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), hàng trăm người kéo vào rừng để đốt và chặt thông lấy đất… trồng cây. Từ đó, rừng thỉnh thoảng lại cháy.

Đốt cây sống, trồng cây chết!

Trưa 12/5, ông Nguyễn Văn Thuyết (58 tuổi ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, đã có hơn 14 năm trong nghề trồng rừng) đưa chúng tôi vào núi Động Dẻ và núi Lầy, hai địa điểm mà thời gian qua người dân nơi đây thường gọi đùa là “núi lửa”.

Mới đến đầu cửa rừng, một người đàn ông phóng xe máy đuổi theo chặn đoàn lại. Khi biết mục đích của chuyến đi, người này nói như ra lệnh với ông Thuyết: “Để họ đi một mình, bác phải về xã có việc gấp”. Ông Thuyết cương quyết không đồng ý. Ông bảo: “Họ ngăn cản mặc họ. Tôi vào sinh ra tử khắp các chiến trường còn chả sợ, sợ gì mấy đứa chuột nhắt!”.

Đứng từ trên cao nhìn theo hướng ông Thuyết chỉ, mới thấy hàng ngàn gốc thông đường kính 10 – 20 cm (tuổi đời từ 10 đến 25 năm) trơ khấc dưới nắng. Nhiều gốc bị lăn xuống hố sâu, số còn lại nằm ngổn ngang.

Ông Thuyết bảo, lá và cành thông là chất dẫn cháy “tuyệt cú mèo” để lâm tặc… đốt rừng. Hàng chục hecta thông và keo đã cháy trụi sau những trận hoả hoạn. Những cây còn sót lại, thân đã ngả sang màu đen của than. Toàn bộ lá đã vàng úa đang nằm chờ chết.

“Năm 1994, sau khi rời quân ngũ về nhìn thấy quê toàn đất trống đồi trọc, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện trồng rừng nhưng đi vận động mãi mà chẳng có ai theo. Cả xã chỉ có 8 hộ tham gia với diện tích trồng là 16 ha. Sang năm 1999, khi Chính phủ có dự án 661 về việc trồng 5 triệu hecta rừng, người dân Kỳ Khang vẫn không mấy mặn mà vì lúc đó rừng không có giá trị. Công ty Nông lâm sản Hà Tĩnh đã vận động được 21 hộ tham gia trồng và bảo vệ 34 ha rừng thông và keo trên địa bàn xã” – ông Thuyết vừa chỉ vào cánh rừng nham nhở trước mặt, vừa kể.

“Tuy nhiên, từ năm 2001 đến năm 2005, cảng Vũng Áng có ba nhà máy băm dăm đi vào hoạt động. Lúc này rừng bỗng nhiên có giá trị, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ rừng. Người dân Kỳ Khang mới thẫn thờ vì tiếc và bắt đầu đổ xô đi tìm đất để trồng rừng. Nhưng, đất rừng lúc này đã hết. Người dân bức xúc và nghĩ cách làm liều…” – ông Thuyết tiếp lời.

Cơ hội đã đến khi vào tháng 4/2007, Công ty Cổ phần Nông lâm sản Hà Tĩnh là đơn vị chủ quản cho tiến hành tỉa thưa 34 trong số 117ha keo, thông trên địa bàn xã Kỳ Khang. Lợi dụng cơ hội này, hàng trăm người kéo nhau vào rừng để đốt và chặt thông để lấy đất… trồng cây.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng từ 3/4 đến 28/4/2007, trên địa bàn Kỳ Khang đã liên tiếp xảy ra ba vụ cháy lớn và hàng loạt vụ cháy nhỏ. Những kẻ phá rừng chờ lúc đêm xuống đem lửa vào rừng để đốt. Khi lực lượng kiểm lâm và bảo vệ xuất hiện thì họ lại biến mất nhưng rồi sau đó lại xuất hiện và rừng lại cháy.

Sau khi chặt tỉa, Công ty Nông lâm sản bàn giao cho các hộ gia đình tiếp tục chăm sóc số cây còn lại. Tuy nhiên, nhiều hộ sau khi nhận hợp đồng, lên xem rừng thì rừng đã trụi từ lâu! Nhiều người lo sốt vó vì sợ phải bồi thường.

Đi cả buổi chiều, chân mỏi nhừ nhưng vẫn không thể đi xem hết diện tích rừng bị phá.

Có một điều khá lạ lùng là ngay bên cạnh các gốc thông vừa mới bị chặt vẫn còn thơm mùi nhựa thì hàng loạt cây tràm, bạch đàn… được trồng lên vội vã, nhiều cây đã bị chết do không được chăm sóc cẩn thận.

Khi chúng tôi hỏi chủ nhân của các cây mới này là của ai, ông Thuyết chỉ cười: “Các chú cứ đến hỏi chính quyền thì biết”.

Chủ rừng và chính quyền lúng túng, kiểm lâm bó tay!

Ông Bùi Xuân Dương – Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Hà Tĩnh bức xúc cho biết: “Diện tích rừng của công ty trên địa bàn các xã tại Kỳ Anh đang bị đe doạ nghiêm trọng. Ở xã Kỳ Trinh cây con vừa mới lớn bị nhổ trộm; cây ở Kỳ Văn bị chặt còn ở Kỳ Nam và Kỳ Khang thì bị đốt!”.

“Cứ vào mùa nóng thì anh em trong công ty thường xuyên phải nghỉ việc để đi…chữa cháy. Diện tích lớn lại nằm trên nhiều địa bàn, chính quyền xã còn ngại thậm chí nhiều khi không chịu phối hợp nên công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn”.

“Từ đầu năm đến nay đã có hai bảo vệ rừng của công ty bị bọn lâm tặc chém vỡ đầu phải nằm bệnh viện cả tháng trời; một trường hợp khác thì bị chặt nát xe máy” – ông Dương nói.

Ông Hồ Minh Kiên – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh thì nói: “Bọn lâm tặc hành động rất liều lĩnh và manh động. Khi đốt rừng bọn chúng thường dùng dây cháy chậm nên khi kiểm lâm đến thì chỉ thấy lửa chứ người thì đã biến mất từ lâu. Dọc các con đường nhỏ trong rừng, các bẫy bàn đinh được đặt dày đặc, chỉ cần sơ ý là sập ngay. Khi chặn bắt thì bọn chúng chống đối rất quyết liệt. Năm 2006, bọn lâm tặc đã cho xe công nông lao thẳng vào nhà hạt phó gây hư hại nặng nề”.

“Hiện nay chúng tôi vẫn chưa có quyết định cuối cùng về số cây mới được trồng ở xã Kỳ Khang vì khi lực lượng kiểm lâm bắt được kẻ đang trồng cây thì họ khai là người làm thuê”.

“Nếu theo Chỉ thị 08 của Chính phủ thì số diện tích cây rừng trồng trái phép này sẽ bị huỷ nhưng hiện nay chúng tôi chưa tiến hành vì… sợ đây sẽ trở thành một “điểm nóng” – Hạt trưởng Kiểm lâm Kỳ Anh giải thích.

Ngày 8/5, đã có một cuộc họp giữa kiểm lâm, công ty nông sản và chính quyền xã Kỳ Khang để giải quyết vấn đề. Trong cuộc họp này chính quyền xã bị phê bình nhiều nhất vì đã chậm trễ trong phối hợp với các cấp và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết các trường hợp vi phạm.

Theo ông Hồ Xuân Thi – Chủ tịch xã Kỳ Khang thì: “Đến thời điểm này chúng tôi đã xác định được 12 kẻ tham gia đốt rừng, 4 người đã bị phạt hành chính 900 ngàn đồng, số còn lại chưa “xử” được vì thời điểm này xã đang rất… bận”.

Khi được hỏi “Ông có biết đã có bao nhiên diện tích rừng bị phá trên địa bàn không”, ông Thi lúng túng: “Hình như là…1.000m2 thì phải”. Con số này khác xa với thực tế.

Chiến lược trồng 5 triệu hecta rừng của Chính phủ tuy chưa thất bại, nhưng khó mà nói là đã thành công. Và nguyên nhân có xuất phát từ những địa điểm cụ thể như thế này chăng?