Liên Hợp Quốc: Lợi bất cập hại của nhiên liệu sinh học

Sự phát triển nhanh của ngành nhiên liệu sinh học (NLSH) toàn cầu ngoài việc mang lại nhiều lợi ích cũng ẩn chứa không ít nguy cơ tác động xấu đến kinh tế – xã hội và môi trường ở các nước. Báo cáo của LHQ vừa công bố nhấn mạnh phát triển và sử dụng NLSH giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm “nhiệt” trên thị trường dầu mỏ, song song với giảm đói nghèo và góp phần phát triển khu vực nông thôn.

NLSH có thể góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng của 1,6 tỉ người trên toàn thế giới chưa có điện sinh hoạt, và 2,4 tỉ người còn lệ thuộc vào rơm, phân động vật và nhiên liệu biomass truyền thống làm năng lượng.

Tuy nhiên, báo cáo nhan đề “Năng lượng bền vững: Khuôn khổ cho các nhà hoạch định chính sách” khuyến cáo trừ phi có chính sách định hướng phát triển nhiên liệu sinh học theo hướng bền vững, và bảo vệ các khu rừng sinh thái, những tác hại của việc sử dụng NLSH sẽ nhiều hơn mặt lợi. Ngành NLSH tăng trưởng nhanh sẽ làm tăng giá các loại nông sản thiết yếu, qua đó tác động tiêu cực tới kinh tế và đời sống, đặc biệt của tầng lớp nghèo.

Theo LHQ, hiện tại giá của hai loại nông sản chính là bắp và đường đã bắt đầu tăng vọt, và nhu cầu dầu cọ tăng mạnh đang làm thu hẹp diện tích rừng nguyên sinh ở Đông Nam Á để lập đồn điền chuyên canh cây cọ dầu. Ngoài ra, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) thoát ra từ những cánh rừng bị tàn phá thậm chí có thể cao hơn lượng khí thải do nhiên liệu hóa thạch tạo ra. Báo cáo kết luận NLSH chỉ mang lại hiệu quả cao hơn nhiên liệu hóa thạch khi dùng để sưởi và phát điện, chứ không nên dùng trong giao thông vận tải.