"Giặc khói" giữa lòng thủ đô

Giữa lòng thủ đô vẫn còn tồn tại cả một xêri "nhà máy" với công nghệ không hơn mấy cái lò gạch cũ, đua nhau nhả ra những cụm khói đặc kịt, làm không khí ô nhiễm nặng nề. Đó là quang cảnh khi đến khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội)

“Vương quốc lò”

“Tiếng là đất đồng, đất ruộng, nhưng khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Long Biên này đã trở thành “thổ thủ đô” kể từ khi được ghi danh vào bản đồ quy hoạch thành phố, như là đại bản doanh của những khu du lịch sinh thái, những dự án cơ sở hạ tầng tô điểm cho kiến trúc thành phố ngày càng mở rộng về hướng bắc. Trên thực tế, nó chỉ cách Bờ Hồ chưa đầy 2km đường chim bay.

Vậy mà cho đến bây giờ, ở đây vẫn lô nhô những lò gạch gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường!…” – ông Hoàng Văn Lựu – Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi cụm Thạch Cầu, phường Long Biên – mở đầu câu chuyện như vậy. Rồi ông bật mí thêm: “Tính sơ sơ, có đến trên dưới 50 cái lò gạch bủa vây, lấn lướt khu vực bãi sông Hồng thuộc 2 địa bàn tổ 2, tổ 3 của phường Long Biên, trong đó có khu dân cư cụm Thạch Cầu.

Nghề sản xuất gạch ở đây khá quy mô với sức tiêu thụ rất cao. Riêng ở cụm Thạch Cầu, cả khu dân cư hầu như không có thời gian nào là yên tĩnh. Các xe chở gạch đi tiêu thụ chạy suốt ngày lẫn đêm. Do lợi nhuận cao, người đầu tư xây dựng lò gạch ngày càng đông, có người làm chủ từ 2 đến 5 lò gạch.

Ông Lựu nói không sai.  Khảo sát dọc đoạn đường nội bộ gần bờ sông Hồng của Cty nước sạch Hà Nội xuất phát từ khu vực đầu cầu Chương Dương đến công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy, “vương quốc lò gạch” chiếm giữ.

Hầu hết các lò gạch ở đây phân bố theo từng cụm từ 3-5 cái, mỗi cụm lại được chia ra các khu vực sản xuất khác nhau như khu lò, khu khai thác đất, khu ép gạch, khu sân phơi, khu lán ở dành cho người làm công… Tay “thổ địa” người địa phương tỏ vẻ khá am hiểu về nghề làm gạch: “Để đầu tư một lò gạch, các chủ lò tốn ít nhất trên dưới 100 triệu đồng.

Trung bình một lò có thể xuất 5-7 vạn gạch mỗi lần đốt, tiêu thụ ngót nghét chục tấn than, cho lãi từ 4-5 triệu đồng, thậm chí từ 10-15 triệu đồng/lò mỗi lần đốt. Các lò gạch đều được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như máy xúc, máy ép gạch cỡ lớn, thậm chí có ông chủ còn tự trang bị cả một giàn ôtô chuyên chở gạch đi phân phối tại các công trường, đại lý vật liệu xây dựng…”.

Gạch đi, “ổ khủng long” ở lại

Ông Hoàng Văn Bồng – cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, một trong những “già làng” của khu dân cư Thạch Bàn – kể về “sự tích” ra đời của “vương quốc lò gạch” ở khu vực bãi sông Hồng phường Long Biên, đại ý: Thực ra, nghề làm gạch đã tồn tại ở đây khá lâu, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, lẻ mang tính gia đình. Cuối năm 1999, do nhu cầu xây dựng bùng phát, một số người bắt đầu mở rộng sản xuất. Chỉ sau một thời gian ngắn, do “trúng” đậm, có vốn lớn, hầu hết số chủ lò trở thành những ông chủ thực thụ, họ không còn trực tiếp sản xuất nữa mà cho thuê lại quyền sử dụng lò cho người khác với giá khá cao.

Phần lớn người thuê đều là dân Hải Dương, Hưng Yên, những nơi có truyền thống làm gạch. Khi làm gạch đã trở thành “ngành nghề” hẳn hoi chứ không tự phát như trước, UBND xã Long Biên (nay là phường Long Biên) bắt đầu “ngó” đến khu lò này. Tuy nhiên, thay vì phải thực hiện chức năng quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh, sản xuất của các chủ lò gạch, họ lại “bật đèn xanh” để cán bộ thôn Thạch Cầu “bán” quyền khai thác mặt bằng khu đất bãi ven bờ đê sông Hồng cho các chủ lò gạch để lấy tiền thực hiện… “hiện đại hoá” cơ sở hạ tầng của thôn.

Từ các hợp đồng do cán bộ thôn ký, mỗi năm địa phương thu về được một ít gạch sản phẩm để xây dựng nhà trẻ của thôn, tu bổ đình làng… Ngoài ra, thôn còn cho một số hộ khó khăn hưởng “lộc lò” với tiêu chuẩn 1.000 viên/hộ để xây dựng giếng nước. Do đã có “cơ sở pháp lý”, các lò gạch mọc lên mỗi ngày một nhiều với quy mô lớn hơn. Đặc biệt, mấy năm gần đây, do không được các cơ quan chức năng để mắt tới nên các chủ lò gạch mạnh ai nấy làm, khai thác đất vô tội vạ dẫn đến diện tích đất bãi ngày càng bị thu hẹp.

Đó là chưa kể đến việc một số lò còn lợi dụng việc làm gạch để khoét đất bán cho các chủ thầu chuyên san lấp mặt bằng xây dựng, khiến rất nhiều diện tích trở thành những ao, đầm có độ sâu từ 3-4m, rộng tới hàng trăm mét như những “ổ khủng long”, không thể canh tác được gì…

Khổ vì “giặc khói”

“300.000 đồng một năm, các ông có tin được không?” – anh Hoàng Văn Thụ – nhà ở tổ 2, cụm Thạch Cầu – như muốn trút cả sự uất ức về thu nhập của gần 2.000m2 đất ruộng màu mỡ ngoài bãi nhà mình.

Anh Thụ bức xúc là phải, bởi đoạn bờ sông dài chỉ già cây số, nhưng có từng ấy cái lò gạch đua nhau nhả khói thì rau cỏ, ngô khoai nào ngóc đầu lên được, cho dù chúng có “được” mọc ở ven con sông Hồng “đỏ nặng phù sa”?… Do ngày đêm phải hứng chịu sức nóng và khói từ những lò gạch nên cây ăn quả, rau màu trên diện tích canh tác rất lớn của người dân phường Long Biên bị “ngạt thở”, có trồng mà không có thu.

Tớimảnh ruộng nằm sát 4 cái lò gạch, anh Thụ chua xót nói: “Khi chưa có các lò gạch, khu ruộng này là chỗ dựa cho cả gia đình tôi. Những năm 2003, 2004, cụm lò gạch của ông Khiêm, ông Học chưa bành trướng gần khu ruộng, chỉ riêng tiền thu được từ rau bí đã lên tới 20 triệu đồng/năm.

Thế mà bây giờ, dù đã chuyển sang cây ngô để đối phó với “giặc khói” từ các lò gạch, song nguồn lợi thu được đã xuống tới con số âm khó tưởng tượng…”. Nói rồi, anh Thụ với tay vơ mấy bắp ngô lép kẹp, xám xịt, đồng thời trần tình: “Vụ vừa rồi, cả thửa ruộng nhà tôi cho thu hoạch 80kg ngô, bán được 300.000 đồng.

Riêng giống đã phải đầu tư 120.000 đồng. Tính cả phân đạm, lân thì con số âm phải gần bằng tổng doanh thu từ hoa lợi. Mà đâu phải riêng nhà tôi! Những thửa ruộng khác của nhà bà Tánh, anh Chiến, ông Ngãi, chị Phú… ở tổ 2 cũng cùng chung số phận do bị khói lò gạch “đánh” cho xơ xác… Không cần phải tìm hiểu nguyên nhân nhiều, cứ vào khu ruộng ở giáp khu Thạch Cầu thì sẽ thấy tác hại của những lò gạch: Hàng trăm bụi chuối, hàng chục hécta rau màu đã bị khói táp tả tơi, vàng úa, dù chưa đến thời gian cao điểm các lò gạch hoạt động…”.

Không như anh Thụ, ông Hoàng Văn Lựu lại có nỗi bức xúc riêng: Dù cách khu lò gạch đến mấy trăm mét, cứ mỗi khi có gió, nhà cửa, sân sướng ở đây đều ngập chìm trong bụi khói. Kể từ khi các lò gạch hoạt động, cả ngày lẫn đêm, khói bụi cùng với sức nóng hầm hập toả ra không khí với nồng độ  CO2 rất cao, đem theo mùi cực kỳ khó chịu. Đấy là chưa kể đến việc những bãi xỉ than do chủ lò đổ bừa bãi “tấn công” vào khu dân cư mỗi khi gió từ bờ sông thổi vào.

Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ người mắc các chứng bệnh liên quan đến phổi gia tăng đột biến trong thời gian qua ở Thạch Cầu. Chẳng hạn như bà Lạp, chị Tính, anh Nhụ đang khoẻ mạnh bình thường, bỗng nhiên bị viêm phổi nặng, trong đó, bà Lạp đang phải điều trị, còn chị Tính và anh Nhụ thì đã lìa đời ở tuổi còn rất trẻ…

Nhiều người dân ở Thạch Cầu cho biết, nguồn thu nhập từ các lò gạch ở ngoài bãi sông Hồng trên địa bàn phường Long Biên thực tế là rất lớn, nhưng những khoản thuế đóng góp theo quy định của Nhà nước, dân không hề được công khai.

Và đã rất nhiều lần, dân ở đây thắc mắc, “kêu” lên phường, lên quận, đề nghị trên có phương án giải quyết nỗi khổ “sống chung với lò gạch”, nhưng chẳng hiểu tại sao, sự việc vẫn rơi vào im lặng khó hiểu kiểu “sống chết mặc bay”. Sở dĩ phải dùng hai từ “khó hiểu” ở đây là vì theo nguồn tin do một số người dân ở phường Long Biên cung cấp cho chúng tôi thì mặc dù thời gian hợp đồng giữa cán bộ thôn Thạch Cầu với các chủ lò gạch (ở đây tạm chưa bàn đến tính hợp pháp của các hợp đồng này) đã hết hiệu lực cách đây gần 2 năm, nhưng không rõ có “sức mạnh” nào mà những “chúa tể” ở “vương quốc gạch” vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp sự đấu tranh của họ?

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Những hoạt động xâm hại nghiêm trọng môi trường, tài nguyên đất đai và sức khoẻ người dân của các lò gạch ở phường Long Biên, phải chăng có sự dung túng, thậm chí “bảo kê” từ phía một số người có trách nhiệm của phường, của quận thì “giặc khói” mới có thể lộng hành đến thế?