Hóa chất bảo vệ thực vật và sức khỏe con người (Kỳ II)

ThienNhien.Net – Tại các nước đang phát triển, việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) trong sản xuất nông nghiệp hiện là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn người nông dân tại các nước này chưa nhận biết đầy đủ về các loại hoá chất này cũng như nguy cơ do chúng gây ra.

Hóa chất bảo vệ thực vật và sức khoẻ con người (Kỳ I)


Các con đường nhiễm độc HCBVTV

Các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến HCBVTV là kết quả của quá trình tiếp xúc, chủ yếu thông qua một hoặc một số con đường sau:

• Hệ tiêu hoá
• Hệ hô hấp
• Da

Các con đường nhiễm độc rất khác nhau đối với từng loại hoá chất. Ví dụ, dichlorvos (DDVP) dễ bay hơi và dễ nhiễm qua đường hô hấp; endosulfan gây độc khi nhiễm qua da hơn là qua đường hô hấp, còn chlorpyrisfos lại dễ gây nhiễm qua đường tiêu hoá hay đường hô hấp hơn là qua da.

Nhiễm độc thuốc trừ sâu do nghề nghiệp

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO)khuyến cáo các nước đang phát triển không nên sử dụng các HCBVTV loại Ia, Ib, và II trong danh sách phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Công nhân làm việc tại nông trại và các nhà máy sản xuất HCBVTV đặc biệt chịu rủi ro nhiễm độc do tiếp xúc với các loại hóa chất này. Những rủi ro như vậy thường xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi mà những nguy cơ ít được hiểu rõ và các quy định về an toàn và sức khoẻ không nghiêm ngặt hoặc là ít có hiệu lực.

Việc nhiễm độc HCBVTV qua đường tiêu hoá có thể xảy ra ngẫu nhiên khi người nông dân ăn, uống hay hút thuốc khi đang phun HCBVTV hoặc sau khi phun thuốc một thời gian ngắn mà không rửa tay. Nhiễm độc HCBVTV qua đường hô hấp dễ xảy ra khi phun thuốc không có mặt nạ bảo vệ. Đồng thời, HCBVTV có thể hấp thụ qua da nếu người phun để da và quần áo ẩm ướt trong khi phun thuốc, trộn các loại HCBVTV bằng tay không hay đi chân trần trên những cánh đồng khi đang phun thuốc.

Mặc dù nhiễm độc HCBVTV qua đường tiêu hoá nguy hiểm nhất nhưng hai hình thức nhiễm còn lại phổ biến hơn đối với những trường hợp nhiễm độc do nghề nghiệp của người nông dân ở các nước đang phát triển bởi họ không nhận thức được những rủi ro đặc biệt này.

Nhiễm độc cấp tính và mãn tính

 thuốc trừ sâu
 Người dân không có dụng cụ bảo hộ 
trong khi sử dụng HCBVTV


Các loại HCBVT có thể có ảnh hưởng cấp tính và mãn tính đến sức khoẻ con người, tuỳ thuộc vào phạm vi ảnh hưởng của thuốc. Nhiễm độc cấp tính là do nhiễm một lượng hoá chất cao trong thời gian ngắn. Những triệu chứng nhiễm độc tăng tỉ lệ với việc tiếp xúc và trong một số trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Ngược lại, nhiễm độc mãn tính xảy ra khi một người nhiễm nhiều lần độc tố trong thời gian dài nhưng chỉ nhiễm liều lượng nhỏ vào cơ thể mỗi lần. Thông thường, không có triệu chứng nào xuất hiện ngay trong mỗi lần nhiễm (mặc dù điều đó có thể xảy ra). Thay vào đó, bệnh nhân sẽ mệt mỏi từ từ một thời gian trong nhiều tháng hay nhiều năm. Điều này xảy ra khi độc tố tích tụ trong tế bào cơ thể và gây ra những tổn hại nhỏ vĩnh viễn qua mỗi lần nhiễm. Sau một thời gian dài, một lượng chất độc lớn tích tụ trong cơ thể (hoặc các tổn hại trở nên đáng kể) sẽ gây ra các triệu chứng lâm sàng.

Các triệu chứng nhiễm độc cấp tính phụ thuộc vào cả độc tính của sản phẩm và lượng độc hấp thụ. Ví dụ, ảnh hưởng của HCBVTV bị cấm cholinesterase nhiễm qua đường hô hấp gồm: tê liệt, ngứa, thiếu khả năng điều phối các cơ quan trong cơ thể, đau đầu, chóng mặt, rùng mình, buồn nôn, chuột rút ở vùng bụng, đổ mồ hôi, giảm khả năng thị lực, khó thở hay suy hô hấp và tim đập chậm. Lượng thuốc cao có thể gây ra bất tỉnh, co giật và chết. Nhiễm độc cấp tính có thể kéo dài trong vòng 4 tuần và gồm các triệu chứng chuột rút ở 2 chi dưới, dẫn đến thiếu khả năng điều phối và chứng liệt. Tình trạng sức khoẻ có thể được cải thiện sau vài tháng hay vài năm nhưng một số di chứng có thể kéo dài.

Nhiễm độc mãn tính do tiếp xúc với HCBVTV trong thời gian dài gồm: suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung, mất phương hướng, suy nhược nghiêm trọng, dễ bị kích động, rối loạn, đau đầu, nói khó, phản ứng chậm, hay gặp ác mộng, mộng du, thờ thẫn và/hoặc mất ngủ.

Các nhà khoa học cũng đã ghi nhận các triệu chứng giống bệnh cúm như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn và khó ở. Những thí nghiệm trên động vật cho thấy sự nhiễm độc loại hoá chất bị cấm cholinesterase có thể gây ra những tổn hại cho gan, thận và não.

Dù tác động đến người lớn hay trẻ nhỏ, hậu quả của việc nhiễm độc HCBVTV có thể chỉ xuất hiện rất muộn sau nhiều năm, hay thậm chí tới tận thế hệ sau, gây ra những khó khăn trong học tập, điều khiển hành vi ứng xử và khả năng sinh sản (ví dụ sớm dậy thì, mau lão hoá) và tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có một số tác động lâu dài khác như gây quái thai (cơ thể bị dị tật từ trong phôi thai) và đột biến gen (gây ra đột biến gen hoặc đột biến nhiễm sắc thể).

Bảng phân loại độc tính thuốc trừ sâu

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phân loại TTS theo độc tính cấp tính, sử dụng mức chuẩn LD50 (liều gây chết người 50%). LD50 biểu thị liều lượng một hoá chất cần để làm chết 50% số chuột thí nghiệm bị nhiễm hoá chất đó. Có hai phương pháp cho mỗi sản phẩm là LD50 qua miệng (sản phẩm được đưa vào qua đường tiêu hoá) và LD50 qua da (sản phẩm được đưa vào qua da).

Đơn vị tính: Số mg/1 kg cân nặng cơ thể cần có để giết chết 50% số chuột thí nghiệm

  LD50 qua miệng   LD50 qua da  
 Xếp loại của WHO  Rắn  Lỏng Rắn  Lỏng
 Ia Cực kỳ nguy hiểm ≤5 ≤20 ≤10 ≤40
 Ib Nguy hiểm
 cao
5-50 20-200 10-100 40-400
 II Nguy hiểm
 vừa
50-500 200-2000 100-1000 400-4000
 III Ít nguy hiểm
>500 >2000 >1000 >4000

Chú thích: Thuật ngữ “rắn” và “lỏng” chỉ tình trạng vật chất của các thành phần hoạt động được phân loại.

Hỗn hợp các hoá chất

trộn thuốc trừ sâu
 Pha trộn HCBVTV

Khi các hoá chất được trộn một cách thiếu kiểm soát, tác động sẽ rất khó lường. Các hoá chất có cùng hoạt tính (ví dụ các loại HCBVTV cholinesterase bị cấm) sẽ làm tăng độc tính do được cộng dồn lại, mặc dù nếu tách riêng từng loại, chúng chưa bị coi là nguy hiểm. Tệ hại hơn là trường hợp hai hay nhiều hoá chất cộng hưởng độc tính, khi đó tác động sẽ lớn gấp bội phần so với những độc tính do cộng dồn đơn thuần. Một ví dụ kinh điển là sự kết hợp giữa khói thuốc lá và amiăng. Những người hút thuốc có nguy cơ chết do bệnh ung thư phổi cao gấp 10 lần những người không hút thuốc lá. Tương tự những người nhiễm amiăng có nguy cơ chết do ung thư phổi cao gấp 5 lần so với người không nhiễm. Tuy nhiên, người mắc cả hai loại khói thuốc lá và amiăng sẽ có rủi ro gấp 80 lần so với người không nhiễm, chứ không phải là 15 lần.

Kiểu tác động này có thể xảy ra trong trường hợp một hoá chất làm giảm sức đề kháng của cơ thể con người đối với một loại hoá chất khác, chẳng hạn như cho phép các chất này xâm nhập vào máu não, hoặc ngăn cản các cơ chế giải độc của cơ thể. Những nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng khi 2 hay nhiều loại HCBVTV nhóm lân hữu cơ được hấp thụ đồng thời, các enzyme thúc đẩy quá trình phân rã một loại HCBVTV này có thể bị ngăn cản hoạt động bởi loại HCBVTV khác. Chẳng hạn, HCBVTV malathion ít độc hại bởi chúng nhanh chóng bị phân rã bởi emzyme carboxylesterase. Tuy nhiên, EPN (ethyl p-nitrophenolbenzenethiophosphonate), một hợp chất lân hữu cơ khác, có thể làm tăng độc tính của malathion do ngăn cản loại enzyme này hoạt động.

Hiện nay vẫn thiếu những nghiên cứu về hiệu ứng “coctail” bởi việc nghiên cứu này khá khó khăn do các hỗn hợp HCBVTV thường được pha trộn từ nhiều loại khác nhau. Người ta cũng đã phát hiện ra rằng trình tự tiếp xúc với các loại HCBVTV khác nhau cũng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Một nghiên cứu tại Inđônêxia cho thấy có mối quan hệ về hiệu ứng liều lượng giữa các dấu hiệu thần kinh, các triệu chứng và việc sử dụng các loại HCBVTV nhóm lân hữu cơ. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi HCBVTV được trộn lẫn, độc tính của hỗn hợp có thể tăng gấp 10 lần so với khi chúng tồn tại độc lập.

Các chất trơ và chất gây ô nhiễm

Các chất trơ là các hoá chất được sử dụng làm tăng hiệu quả của HCBVTV và khiến chúng dễ sử dụng hơn, bao gồm các chất dung môi, chất hoạt tính bề mặt, chất kích nổ, và dẫn xuất. Hơn 1/4 các chất trơ trong HCBVTV được sử dụng ở Mỹ được các cơ quan quản lý cấp quốc gia, cấp bang và các tổ chức quốc tế đánh giá là độc hại. Những chất này bao gồm các loại hoá chất có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến sinh sản, hệ thần kinh và gây hại cho môi trường. Đối với một số loại khác, ảnh hưởng tiêu cực có thể chưa được biết đến bởi yêu cầu thử nghiệm các thành phần này ít nghiêm ngặt hơn là đối với các thành phần hoạt tính của HCBVTV. Ngoài ra, các thành phần này không bị bắt buộc phải ghi trên nhãn mác sản phẩm. Một thí nghiệm đã cho thấy độc tính của chlorpyrifos tăng lên khi có thêm chất dung môi.

Thành phần gây hại nhất trong HCBVTV là dioxin TCDD, một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ 2,4,5-T (có trong chất độc màu da cam, từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam). TCDD đã được Tổ chức quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) chính thức công nhận là “chất gây ung thư ở người”.

Việc tiếp xúc với HCBVTV liều cao trong thời gian ngắn cũng có thể làm hại da, chẳng hạn như chất chloracne gây bệnh nám da và làm thay đổi chức năng gan. Việc tiếp xúc HCBVTV lâu dài có liên quan đến sự giảm sút hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thần kinh, tuyến nội tiết và chức năng sinh sản. Một số ví dụ: các chất trơ độc hại o-cresol có thể phá huỷ gen, ethoxylated p-nonylphenol phá các hoóc môn, ethyl benzene tác động đến hệ thần kinh, naphthalene gây các bệnh thiếu máu, vàng da, o-phenylphenol, toluen hydrocacbon muối natri làm tăng độc tính của xylene đối với hệ thần kinh…
 
Nguy cơ đối với trẻ em

 play with pesticide
 Trẻ em chơi đùa với vỏ chai TTS

Trong giai đoạn phát triển, cơ thể nhạy cảm hơn đối với các phản ứng do hoá chất phá vỡ tuyến nội tiết bởi vì một loạt các mô tách biệt dễ tổn thương trước sự thay đổi mức độ hoóc môn. Do đó, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh do nhiễm độc cao hơn so với người lớn.

Trẻ em cũng có những nguy cơ bị nhiễm HCBVTV. Chẳng hạn, trứng hoặc tinh trùng của thế hệ bố, mẹ bị nhiễm HCBVTV có thể truyền sang con. Cũng như vậy, những bào thai đang phát triển có thể bị nhiễm HCBVTV từ máu mẹ do truyền qua nhau thai, và trẻ em có thể bị nhiễm qua sữa mẹ khi sữa mẹ chứa lượng HCBVTV vượt mức cho phép. Mặc dù nhiễm độc qua sữa mẹ nhiều hơn so với thời kỳ phát triển trong tử cung song nhiễm độc trước khi sinh gây ra tổn hại cao hơn đến não và hệ thần kinh trung ương của bào thai vào giai đoạn đầu phát triển.

Trẻ em có tỉ lệ bề mặt tiếp xúc với môi trường cao hơn ở người lớn. Tính trung bình trên mỗi kg cơ thể, trẻ em uống nhiều nước hơn, ăn nhiều hơn và thở nhiều hơn. Khi trẻ chơi gần mặt đất, chúng có thể bị nhiễm độc HCBVTV từ đất. Đồng thời, một số HCBVTV dạng hơi tạo thành một lớp khí tồn tại gần mặt đất. Trẻ em thích tò mò khám phá và thường cho tay vào miệng nên duờng như dễ tiếp xúc trực tiếp và hấp thụ dư lượng HCBVTV vào cơ thể và đối tượng này cũng dễ bị tổn thương trước các tai nạn do HCBVTV không được cất giữ cẩn thận (chẳng hạn để vương vãi ở nơi chứa đồ ăn).

Ở nhiều quốc gia, trẻ em nông thôn có nguy cơ nhiễm độc HCBVTV cao, bởi chúng phải trực tiếp tham gia công việc đồng áng, liên quan đến việc trộn và phun các hoá chất. Trong 1 cuộc điều tra năm 2000, 48% nông dân Campuchia cho biết họ cho con cái mình được tiếp xúc với HCBVTV. Một nghiên cứu ở trẻ em nông thôn Nicaragua cho thấy 40% trẻ bị giảm sút cholinesterase (loại enzyme quan trọng giúp duy trì hoạt động của hệ thần kinh – ThienNhien.Net), một triệu chứng do nhiễm độc HCBVTV. Hiện tượng này cũng đã quan sát được ở trẻ sống gần khu vực canh tác có phun HCBVTV ở Colombia, Honduras, Bolivia và Costa Rica.

Trong vài trường hợp nhiễm độc do HCBVTV nhóm lân hữu cơ ở người, tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao hơn người lớn. Những nhân tố quan trọng là khả năng chống chịu và thải chất độc của cơ thể cũng như sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ khác rất nhiều so với người lớn. Ví dụ, một thí nghiệm ở động vật đã cho thấy tính nhạy cảm cao hơn đối với HCBVTV nhóm lân hữu cơ. Cũng tương tự, thận của trẻ dưới 1 tuổi chưa hoàn thiện và không thể thải chất độc nhanh như ở người lớn.

Ở Philippin, người ta đã nghiên cứu thấy 1/8 ca nhiễm độc là trẻ em, và trong nghiên cứu của Tổ chức Sức khoẻ Hoa Kỳ – Pan, số trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi nhiễm độc HCBVTV do nghề nghiệp chiếm khoảng 10-20%. Sự nhiễm độc đối với các bào thai đang phát triển có mối liên quan đến việc sinh khó và sảy thai và đã có bằng chứng về mối liên hệ giữa bào thai nhiễm độc HCBVTV, trẻ em tiếp xúc HCBVTV với các bệnh u não bạch cầu, u limphô không phải dạng Hodgkin, u mô mềm, và u Wilm ở trẻ.




Nguồn:
Trích báo cáo “What’s Your Poison? Health Threats Posed by Pesticides in Developing Countries”, 2003 của Quỹ Công lý Môi trường (EJF) tóm tắt các nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với thuốc trừ sâu, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Thông tin trong bản báo cáo được tổng hợp từ trên 50 quốc gia và các phát hiện chủ yếu ở các nước châu Á, châu Mỹ La Tinh và châu Phi, Trung Đông, nơi thuốc trừ sâu đang gây ra những mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.