Gây nuôi động vật hoang dã: Vấn đề vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi

ThienNhien.Net – Gần đây, gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam đang trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết dưới đây sẽ đi vào tìm hiểu vấn đề này.

Một số người cho rằng gây nuôi ĐVHD sẽ góp phần bảo tồn lâu dài nguồn tài nguyên ĐVHD, đồng thời đem lại lợi nhuận kinh tế cho người dân. Trái lại, một số khác lại cho rằng gây nuôi ĐVHD có thể sẽ khiến một số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Mặt khác, gây nuôi ĐVHD gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thực thi luật bảo vệ ĐVHD vì khó có thể phân biệt giữa các vụ buôn bán ĐVHD hợp pháp và trái phép.

Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để cân bằng giữa các lợi ích kinh tế trong các hoạt động gây nuôi với việc cần thiết phải bảo vệ các quần thể ĐVHD trong tự nhiên? Bởi lẽ khi các hoạt động buôn bán vẫn tiếp diễn thì chắc chắn số lượng các loài này sẽ dần bị suy giảm trong tự nhiên.

Một số người cho rằng giới bảo tồn phản đối mọi hình thức gây nuôi và buôn bán Động vật hoang dã (ĐVHD) bởi họ muốn bảo vệ “tất cả các loài ĐVHD” .

Thực tế không phải như vậy. Các tổ chức bảo tồn phản đối mọi hình thức buôn bán ĐVHD trái phép và ủng hộ những nỗ lực nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắt và buôn bán ĐVHD một cách không bền vững cũng như các mối đe doạ làm mất môi trường sống.

Nhiều nhà bảo tồn cũng thừa nhận rằng một số loài Động vật hoang dã (ĐVHD) có thể được gây nuôi thành công trong các trang trại mà không gây tác hại nghiêm trọng đến quần thể ĐVHD trong tự nhiên.

Đứng trên quan điểm của những người gây nuôi Động vật hoang dã (ĐVHD), các loài động vật được ưu tiên gây nuôi là các loài có thể sinh sản và sống sót tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có thời gian tăng trưởng hợp lý và có giá trị kinh tế cao. Điều này có nghĩa là thị trường có nhu cầu tiêu thụ đối với các loài đó và các chủ trang trại gây nuôi có khả năng thu hồi vốn nhanh.


Ví dụ về các loài ĐVHD được gây nuôi thành công
Ba ba trơn (tên khoa học Pelodiscus sinensis) là một minh chứng điển hình của việc gây nuôi thành công các loài ĐVHD, phản ánh yêu cầu cần xem xét các đặc điểm sinh thái của loài khi quyết định gây nuôi.

Ba ba trơn sinh trưởng và phát triển khá nhanh, khả năng sống sót trong điều kiện nuôi nhốt cao. Chúng sinh sản nhiều, các cá thể con có khả năng sống sót cao. Loài ba ba trơn được bán với giá khá cao trên thị trường, vì vậy các chủ trang trại gây nuôi ba ba có thể thu lãi khá cao. Mặt khác, việc gây nuôi hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, đồng thời tăng nguồn cung cấp giống giúp mở rộng ngành công nghiệp gây nuôi ba ba. Ví dụ về loài ba ba cho thấy nếu xem xét các đặc điểm sinh thái của các loài trước khi gây nuôi, chúng ta có thể khai thác vì mục đích thương mại.

Nếu xem xét các loài đang bị buôn bán hiện nay, chúng ta thấy rằng số lượng các loài ĐVHD có thể gây nuôi thành công là rất ít. Ví dụ, tê tê khó có thể sống sót trong điều kiện nuôi nhốt; chi phí đầu tư cho việc gây nuôi các loài rùa mai cứng cao hơn so với giá trị thực tế của chúng trên thị trường. Theo một số chủ trang trại gây nuôi rắn sinh sản, các cá thể rắn hổ mang gây nuôi thế hệ F1 tại các trang trại không thể sinh ra các cá thế thuộc thế hệ F2. Tuy nhiên, cá sấu và ba ba trơn lại có thể được gây nuôi sinh sản với số lượng lớn và thu được lợi nhuận khá cao.

Đứng trên quan điểm luật pháp và bảo tồn, chúng ta cần xem xét tác động của việc gây nuôi đối với các quần thể ĐVHD trong tự nhiên.

Một số người ủng hộ các hoạt động nhân nuôi tin rằng gây nuôi ĐVHD có thể giảm thiểu áp lực lên các quần thể ĐVHD thông qua việc tạo ra một nguồn thay thế hợp pháp cho các loài có nguồn gốc từ tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trang trại gây nuôi chạy theo lợi nhuận sẽ không ngần ngại bổ sung thêm các cá thể ĐVHD từ tự nhiên vào số lượng động vật gây nuôi. Hơn nữa, nếu việc gây nuôi thu lãi lớn sẽ khuyến khích những người khác làm theo. Từ đây sẽ hình thành ngành công nghiệp gây nuôi ĐVHD và kết quả là số lượng quần thể ĐVHD trong tự nhiên càng bị gây áp lực lớn.

Một số loài ĐVHD có thể được gây nuôi dựa trên các đặc tính sinh sản và khả năng sống sót trong điều kiện nuôi nhốt. Tuy nhiên, chỉ một số lượng nhỏ các loài ĐVHD phù hợp cho các hoạt động gây nuôi thương mại.

Những chú ý với việc gây nuôi ĐVHD

– Nên cho phép gây nuôi các loài thông thường nếu việc gây nuôi (bao gồm cả việc bổ sung các cá thể động vật có nguồn gốc từ tự nhiên) không gây ra bất cứ tác động nào dựa trên đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

– Các loài ĐVHD nguy cấp cần được BẢO VỆ TUYỆT ĐỐI, đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, buôn bán các loài này để tránh sự lẫn lộn giữa các cá thể và sản phẩm ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp và bất hợp pháp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng hoàn thành tốt công việc của mình.

– Việc quản lý các trang trại gây nuôi hợp pháp cần được cải thiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các chủ trang trại tuân thủ các quy định của pháp luật.

– Phải áp dụng khung hình phạt thích đáng cho các đối tượng vi phạm nhằm hạn chế các vụ vi phạm khác trong tương lai.