Ô nhiễm không khí, mỗi ngày Hà Nội mất một tỷ đồng

“Hà Nội tổn thất một tỷ đồng mỗi ngày do ô nhiễm không khí”. Đó là số liệu được công bố ngày 6-3-2007 tại hội thảo “Chương trình kiểm soát khí thải xe máy tại các đô thị lớn-kinh nghiệm quốc tế và điều kiện Việt Nam” do Cục Đăng kiểm Việt Nam, chương trình Không khí sạch Việt Nam-Thụy Sĩ và Hội đồng quốc tế về Giao thông sạch phối hợp tổ chức.

Theo các chuyên gia của Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội, lượng bụi trong đô thị chỉ được phép dao động khoảng 0,2 mg/m3, nhưng một nghiên cứu gần đây của cơ quan chức năng cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao hơn gấp nhiều lần. Những chỉ số thành phần bụi/m3 không khí đo được ở một số quận được coi là tốt nhất gồm: Hoàn Kiếm 0,52 mg/m3, Tây Hồ 0,78mg/m3. Một số tuyến phố chính như: Ngã Tư Sở, Trần Khát Chân, Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu… là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Những khu vực có các công trình trọng điểm, khu công nghiệp cũ, các tuyến phố có mật độ phương tiện giao thông lớn cũng là những điểm nóng nhất về bụi. Thủ phạm gây bụi là các phương tiện chở vật liệu không phủ bạt hoặc phủ qua loa lấy lệ làm rơi vãi vật liệu trên đường. Mặc dù đã có quy định, các đơn vị thi công khi ký hợp đồng phải trích 1% tổng giá trị công trình để chi vào việc đảm bảo vệ sinh môi trường, thế nhưng các chủ công trình coi như không biết hoặc cố tình trốn tránh trách nhiệm. Tại những cuộc hội thảo gần đây, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật xung quanh việc hoàn thiện hệ thống che chắn theo từng loại xe để khi vận chuyển, vật liệu, chất thải không bị vương vãi ra ngoài. Bên cạnh đó còn có những quy định như: rửa sạch xe trước khi lưu hành trong thành phố; xử phạt 500.000 -1.000.000 đồng đối với phương tiện vi phạm kỹ thuật chống rơi vãi trong vận chuyển; tịch thu phương tiện cố tình vi phạm lần thứ ba trở lên… nhưng xem ra các biện pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Không chỉ có bụi, Hà Nội còn phải đối mặt với khí thải công nghiệp. Theo số liệu của Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất, trên địa bàn thành phố vẫn còn hơn 150 cơ sở, xí nghiệp, nhà máy có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay chưa có con số thống kê đầy đủ về lượng nhiên liệu do các cơ sở công nghiệp tiêu thụ thải vào không khí nhưng ước tính mỗi năm, các nhà máy của Hà Nội thải ra khoảng hơn 80.000 tấn bụi khói, 10.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO. Ông Michael Walsh, chuyên viên Hội đồng quốc tế về Giao thông sạch Mỹ đưa ra thông tin, mức độ ô nhiễm bụi khói tại một số điểm ở Hà Nội qua đo thực tế đã gần bằng mức độ ô nhiễm khói lẫn trong sương mù năm 1952 ở Luân Đôn làm hàng nghìn người tử vong. Nguyên nhân chính là do lượng phát thải từ mô tô, xe máy hiện đang bị thả nổi không kiểm soát được. Mức thiệt hại về kinh tế do khí thải xe máy được các nhà nghiên cứu đưa ra là hơn 20 triệu USD/năm tại Hà Nội. Đáng ngại là mức thiệt hại ngày càng tăng, chiếm từ 0,3-0,6% GDP của thành phố.

Trên thực tế, các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan… cũng là những nước có nhiều xe mô tô. Các nước này đều phải thực hiện việc kiểm soát khí thải xe máy. Mặc dù mỗi quốc gia có những biện pháp khác nhau nhưng theo ông Micheal Walsh thì các biện pháp đều nằm trong những hình thức chung là: thứ nhất, kiểm soát công nghệ sản xuất mô tô xe máy, áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 – 4. Thứ hai, sử dụng nhiên liệu sạch, kiên quyết tách các chất độc hại như chì, lưu huỳnh ra khỏi xăng. Thứ ba, quy hoạch giao thông hợp lý giảm thiểu tắc nghẽn giao thông vì khi các phương tiện bị tắc nghẽn nồng độ khí thải độc hại tăng đột biến. Và cuối cùng là có chế độ bảo dưỡng thích hợp với xe máy, có lộ trình loại bỏ xe máy cũ. Nên chăng chúng ta cũng tham khảo những phương pháp này để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội.