Toàn cầu hoá đe doạ quỹ gen vật nuôi và an ninh lương thực

ThienNhien.Net – Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo: khoảng 20% giống vật nuôi đang có nguy cơ tuyệt chủng, khi mỗi tháng lại có một loài biến mất do quá trình toàn cầu hoá của thị trường vật nuôi ưu tiên các giống năng suất cao hơn là sử dụng nguồn quỹ gen đa dạng (quỹ gen này có thể đóng vai trò quyết định tới an ninh lương thực trong tương lai).

Thư kí Ủy ban Nguồn gen cho Lương thực và Nông nghiệp của FAO, José Esquinas-Alcázar, cho rằng: “Việc duy trì nguồn gen động vật phong phú sẽ cho phép những thế hệ sau lựa chọn nòi giống hoặc phát triển các giống mới đủ sức ứng phó với những vấn đề cấp bách như thay đổi khí hậu, bệnh tật và sự thay đổi của các yếu tố xã hội – kinh tế”.

Một báo cáo sơ bộ của uỷ ban này – dựa trên dữ liệu từ 160 quốc gia – đã được trình bày trước hơn 150 đại diện đến từ hơn 90 nước tại trụ sở chính của FAO ở Rome vào tháng 12/2006. Theo đó, có khoảng 60 giống gia súc, dê, lợn, ngựa và gia cầm đã mất đi trong vòng 5 năm qua. Trong hơn 7.600 giống có tên trong dữ liệu thống kê toàn cầu của FAO về nguồn gen động vật, thì 190 giống đã tuyệt chủng trong vòng 15 năm qua và hơn 1.500 loài đang trong nguy cơ tuyệt chủng. Bản báo cáo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra ở hội thảo quốc tế vào tháng 9/2007 tại Interlaken – Thuỵ Điển nhằm đề ra kế hoạch hành động toàn cầu ngăn chặn thiệt hại.

Các giống vật nuôi góp phần đảm bảo cuộc sống cho 1 tỉ người trên thế giới, và khoảng 70% dân nghèo nông thôn phụ thuộc vào chúng như một phần hết sức quan trọng trong thu nhập của họ. FAO cho rằng việc toàn cầu hoá thị trường giống vật nuôi là nhân tố lớn nhất ảnh hưởng tới tính phong phú của nguồn gen.

Hệ thống sản xuất truyền thống đòi hỏi sử dụng các giống động vật phục vụ đồng thời nhiều mục đích, có thể cung cấp hàng loạt mặt hàng và dịch vụ khác nhau. Ngược lại, nền nông nghiệp hiện đại đã phát triển các giống chuyên biệt, tối ưu hoá các quá trình sản xuất cụ thể, và chỉ có 14 trong hơn 30 giống chim, thú nuôi cung cấp 90% nguồn thực phẩm từ động vật cho con người.

Theo Irene Hoffman – người quản lý Chương trình về giống vật nuôi của FAO – thì 5 giống gồm bò, cừu, dê, lợn và gà cung cấp chủ yếu nguồn thực phẩm cho con người. “Việc lựa chọn các giống năng suất cao được tập trung vào phục vụ sản xuất và có xu hướng coi nhẹ những đặc điểm mang tính chức năng và thích ứng. Quá trình này sẽ dẫn tới nguồn gen hạn hẹp trong các giống kinh doanh thành công và các giống khác. Trên thực tế, các loài động vật bị thải loại tuỳ thuộc vào các tác động của thị trường”.

Tuy nhiên, chính nguồn gen hiện tại là một nguồn tài nguyên quý giá cho an ninh lương thực và sự phát triển của nền nông nghiệp trong tương lai, đặc biệt trong những môi trường rất khắc nghiệt.