CITES kêu gọi châu Phi vượt qua khoảng cách về vấn đề buôn bán ngà voi

ThienNhien.Net – Cơ quan CITES, đại diện của Liên hợp quốc quản lý về vấn đề buôn bán những loài có nguy cơ tuyệt chủng, vừa qua đã cố gắng kêu gọi các nước Châu Phi vượt qua sự chia rẽ sâu sắc về lệnh cấm buôn bán ngà voi và bảo vệ loài voi.

Ông David Morgan, người đứng đầu của Ban hỗ trợ khoa học CITES cho biết: “Chúng tôi cần lập trường của châu Phi trong vấn đề này”. Theo ông, khi châu Phi bị chia rẽ thì những cơ hội thành công đạt được sẽ không thể cao.

CITES tiết lộ rằng phần lớn các quốc gia Đông và Nam châu Phi trong vùng có voi sinh sống, và cả đất nước Mali, đã đệ trình những đề xuất có tính xung đột nhau lên hội nghị được tổ chức định kỳ ba năm một lần của tổ chức này sẽ bắt đầu vào ngày 3 tháng 6.

Những đề xuất này bao gồm từ những yêu cầu của Tanzania trong việc giảm kiểm soát ở mức độ địa phương cho đến những đề xuất chung của Mali và Kenya nhằm duy trì một lệnh cấm buôn bán ngà voi hoàn toàn trong vòng 20 năm tới.

“Điều này cho thấy những chia rẽ đó vẫn tồn tại giữa những quốc gia châu Phi trong vấn đề bảo tồn loài voi Châu Phi. Khoảng cách đó chính là điều mà chúng ta với cương vị ban thư ký cần phải là chiếc cầu nối”, ông Morgan nói. “Chúng tôi hi vọng sẽ tổ chức được một cuộc gặp mặt đối thoại giữa các nước có loài voi châu Phi sinh sống trước hội nghị diễn ra để họ có thể tìm ra được sự thoả thuận nào đó”.

Hội nghị cho phép các nước sửa đổi những điều luật nhằm mục đích xác định và bảo vệ những loài động vật và thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, bao gồm lệnh cấm buôn bán ngà voi năm 1989 và một vài vụ buôn bán được đặc cách sau đó.

CITES cho biết: Kenya và Mali đã đề xuất một lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán các sản phẩm từ ngà voi trong 2 thập kỷ tới để xem xét ở hội nghị dự kiến sẽ diễn ra ở Hague.

Các quốc gia miền Tây và miền Đông châu Phi đã chỉ ra rằng việc cho phép buôn bán ngà voi sẽ làm gia tăng nạn săn bắt trộm voi.

Trong khi đó, Tanzania lại đề nghị đưa quần thể voi trong nước của họ từ danh mục bảo vệ cấm hoàn toàn việc buôn bán vì mục đích thương mại (phụ lục 1) xuống phụ lục 2 – có tính giới hạn hơn.

Theo CITES, mặc dù Tazania không đề xuất một hạn ngạch nào truớc mắt nhưng họ cho rằng việc buôn bán ngà voi sẽ là một công cụ bảo tồn voi có giá trị và bền vững.

Botswana và Namibia đã đệ trình một đề xuất chung nhằm duy trì việc buôn bán có hạn chế ở khu vực Nam Phi trong khi nới lỏng các điều kiện về buôn bán ngà voi trong tương lai. Botswana cũng độc lập xin phép một chương trình mua bán 40 tấn ngà voi.

Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 15 tháng 6 cũng sẽ xem xét lại hệ thống giám sát việc đánh giá tác động của nạn săn trộm voi mà Botswana, Namibia và Nam Phi đã dự kiến sẽ thiết lập để được phép thực hiện thương vụ 60 tấn ngà voi.

CITES nhận thấy rằng vào cuối tháng 10/2006 những dữ liệu vẫn không hoàn toàn đầy đủ và CITES đã duy trì các trở ngại đối với các thương vụ đã được chấp thuận theo nguyên tắc 5 năm trước đây.