Muôn nẻo trầm hương (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, dư luận nóng lên về vấn đề trồng cây dó bầu tại Hà Tĩnh, cũng như nhiều tỉnh trong cả nước. Trên thực tế, giá trị trầm hương như thế nào? Khả năng tạo trầm của cây dó bầu ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về vấn đề đang gây nhiều chú ý, bàn cãi này.

Trồng trầm – vấn đề thời sự !

Sự quý giá cùng những lời đồn thổi về giá trị của trầm hương làm dấy lên phong trào trồng trầm trong cả nước. Phong trào này bắt đầu bằng con đường tự phát của người dân huyện Tiên Phước, Núi Thành (Quảng Nam) và Hương Khê (Hà Tĩnh), sớm nhất ở Tiên Phước từ năm 1991, sau đó lan rộng ra các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, An Giang… Người Quảng Nam nổi tiếng có kinh nghiệm đi lấy trầm hương tự nhiên. Họ giữ lại những cây dó tự nhiên trong các vườn rừng và vườn hộ gia đình, sau đó tự lấy giống. Mùa quả chín, dân lấy quả, tách hạt và giâm trong cát ẩm hoặc cát pha đất. Sau khi hạt mầm xuất hiện 1 lá thì cấy vào bầu. Khi cây con lớn khoảng 4-5 tháng tuổi có thể đem trồng.

Diện tích dó bầu không ngừng tăng lên. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội trầm hương Việt Nam cho biết, hiện nay trong cả nước đã có 23 tỉnh trồng khoảng gần 8.000 ha cây dó bầu. Khánh Hoà là một tỉnh tiêu biểu về phong trào trồng dó bầu. Năm 2002, toàn tỉnh Khánh Hoà có 125 ha dó bầu. Đến 2005, diện tích dó bầu tăng lên đến 400 ha. Công ty Fong San đã đầu tư trồng mới thêm 50 ha tại Khánh Sơn, 100 ha tại Lâm trường Vạn Ninh.

Trầm hương trở thành một đề tài nóng hổi, thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều tầng lớp dư luận. Nhiều đề tài nghiên cứu về việc trồng dó bầu, tạo trầm. Tiêu biểu là đề tài của Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, mang tên : “Nghiên cứu sử dụng một số tác nhân kích thích để tạo trầm cho cây dó”. Việc đi vào thực hiện đề tài này hiện nay vẫn là một câu chuyện chưa có lời kết.

Nhiều nơi công bố đã tạo ra trầm từ cây dó bầu. Công ty TNHH Lâm Viên là một trong những nơi đã tung ra chế phẩm sinh học tạo trầm. ông Thoan – Giám đốc Công ty cho biết: “Tại vườn thực nghiệm của công ty Lâm Viên, chỉ nửa tháng sau khi cấy chế phẩm của công ty, đã xuất hiện trầm tóc dọc than cây”. Cùng với Lâm Viên, công ty Secoin cũng khẳng định, tuy mới đầu tư vào lĩnh vực này hai năm, nhưng đã có kết quả ban đầu. “Chúng tôi đã nhận dạng loài nào cho trầm; phát hiện đặc trưng của những loại dó bầu cho trầm và đa dạng hóa các sản phẩm từ trầm hương” Từ đây, Secoin thành lập công ty Nông lâm nghiệp kỹ thuật cao Hà Tĩnh, với diện tích 18 ha. Công ty này chuyên trồng dó, chưng cất tinh dầu và sản xuất các chế phẩm từ trầm như trà, rượu, hương, nến…

Cây dó bầu thực sự trở thành một vấn đề thời sự khi người dân Hà Tĩnh đồng loạt trồng dó bầu. Dó bầu được trồng nhiều nhất tại xã Phúc Trạch. Nơi đây nổi tiếng cả nước với giống bưởi thơm ngon. Một quả bưởi Phúc Trạch có giá từ năm mươi, sáu mươi nghìn. Nhưng nhiều người vẫn quyết định chặt bưởi, trồng cây dó bầu, với hi vọng lấy trầm, đổi đời.

Ở xã Phúc Trạch, hầu như gia đình nào cũng có vài chục, thậm chí đến hàng nghìn cây dó, mới trồng có, đến tuổi thu hoạch có. Giá một cây dó bầu 6 – 7 tuổi có khả năng cho trầm giá từ 7 – 10 triệu đồng. Nhiều gia đình ở đây coi dó bầu là “của để dành”, càng nhiều tuổi cây càng có giá. Anh Lê Văn Ba ở xã Phúc Trạch cho biết gia đình anh có 50 cây trên 10 tuổi, nhiều người hỏi mua nhưng anh đợi khi nào hai con vào đại học mới chịu bán.

Ông Phạm Văn Dũng, chủ tịch UBND xã Phúc Trạch khẳng định: “Nhờ cây gió trầm mà trong khoảng 10 năm nay, tỉ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm rất nhanh”. Hiện nay, ở Phúc Trạch có 12.000/15.000 hộ dân chọn hướng ươm giống bán và trồng cây trầm làm mũi đột phá trong phát triển kinh tế.

Trong đó có 400 hộ ươm giống gió trầm thu về từ 20 triệu đến 300 triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ Hoàng Phúc xóm 8, Võ Tá Anh xóm 11 thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hộ ông Lê Thọ ở xóm 8 thu nhập hằng năm từ việc ươm gió trầm lên tới 300 triệu đồng.

Theo con số thống kê năm 2005 của Viện Điều tra quy hoạch rừng – Bộ NN&PTNT cho thấy, tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về trồng gió trầm (2.700 ha/8.830 ha). Trong đó, lâm trường Hà Tĩnh đang trồng tập trung tại 5 xã tổng số 2.300 ha. Số cây dó bầu độ tuổi 10 – 15 năm chiếm khoảng 400 ha. UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt dự án và cho đầu tư xây dựng một xưởng chiết xuất tinh dầu gió trầm tại Hương Khê do Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu làm chủ đầu tư..

Thực hư trầm hương !

“Một lít tinh dầu trầm hương có giá đến 50.000 đô la Mỹ, nếu có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được mua với giá cao hơn nữa, xấp xỉ 1 tỉ đồng Việt Nam, bởi trầm hương Việt Nam có chất lượng cao hơn tiêu chuẩn quốc tế” – ông Hoàng Văn Được – Tổng thư ký Hiệp hội Tinh dầu – Hương liệu – Mỹ phẩm Việt Nam khẳng định như vậy trong một hội nghị về cây trầm hương dưới sự bảo trợ của Tổ chức Dự án rừng mưa nhiệt đới (TRP – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Lan).

Sự thực của vấn đề này như thế nào? Có phải trầm hương sẽ giúp nhân dân đổi đời, biến những người nông dân nghèo thành tỉ phú ?

Trên thực tế, có hai giống dó me và dó bầu. Trong đó chỉ có dó bầu mới có khả năng tạo trầm. Việc phân biệt hai giống dó này không đơn giản. Rất nhiều hộ gia đình nhầm lẫn giữa dó me và dó bầu. Hơn nữa, dó bầu có tạo trầm được hay không còn là một vấn đề. Sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích do sâu bọ đục lỗ hoặc do con người gây ra như khoan lỗ, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc các loài ký sinh trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó… Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó hình thành trầm hương trong điều kiện tự nhiên, nên không phải cây dó nào cũng cho trầm, kỳ. Hàng ngàn cây mới có một cây cho trầm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện chưa có thông tin khẳng định chính thức về công nghệ này. Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Chúng tôi biết dân đang trồng rất nhiều. Nhưng chính xác là bao nhiêu thì không biết. Chúng tôi chỉ nắm được quy trình kỹ thuật trồng, còn khả năng tạo trầm từ cây dó bầu, đến nay chúng tôi hoàn toàn chưa có thông tin chính thức”.

Trên các phương tiện truyền thông, qua lời đồn đại, dân trồng trầm lưu truyền thông tin về những bí quyết tạo trầm. Nhiều “đại gia” về trầm hương với gia sản cây dó bầu khổng lồ, tiêu biểu như ông Nguyễn Quang Thân (Đà Nẵng) đều khẳng định bí quyết tạo trầm riêng của mình. Chỉ cần cấy vào cây 3 -4 tuổi, sau 18 tháng sẽ có trầm gần như 100%. Thuốc này ông không chuyển giao cho người ngoài, chỉ những cây do công ty cung ứng thì mới ký hợp đồng cấy thuốc. Bí quyết về thuốc được ông giữ kín nhưng theo kinh nghiệm của ông, cách tốt nhất là lấy cành cây dó để trám lại vết thương.

Tuy nhiên, những cái được gọi là trầm đó, có đích thực là trầm hay chỉ giống trầm là vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào xác minh.

Trầm hương là một hương liệu quý, song không phải là một báu vật. Phó giáo sư (PGS) Đinh Xuân Bá – người nghiên cứu rất kỹ về trầm hương – cho biết, trầm hương ko giá trị như mọi người vẫn tưởng. Những lời đồn thổi, những thông tin giật gân mà báo chí nêu với giá trị vài trăm triệu đến tiền tỉ 1 kg là thiếu chính xác, đưa lại cái nhìn thiếu chính xác cho người nông dân. Thông tin những người ở làng Mỹ Hảo (Quảng Nam) trúng đậm cả tạ kỳ nam, bán được tới 50 tỉ đồng, ông Võ Hiệp ở thôn Hòa Hiệp (Đông Hòa, Phú Yên) trúng mấy chục kilôgam kỳ nam, bán được với giá 900 triệu/kg là chuyện thật hay chỉ là lời đồn thổi? Phải chăng do một số kẻ dựng lên để lừa đảo kiếm lời?

Báo chí đã góp phần “hô hào” giúp bọn lừa đảo và chúng cũng đã kiếm được một món hời lớn. Thậm chí, các nhà khoa học, những người nghiên cứu về trầm, kỳ không đến nơi đến chốn cũng phát ngôn về giá trị của trầm, kỳ dựa trên những trang web mua bán trên thế giới và qua… lời đồn, đã khiến thị trường trầm, kỳ ở Việt Nam rất hỗn loạn và toàn là giá ảo.

Thực tế, trên thế giới chỉ có 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar là có loài Aquirilla Crassna có thể tạo kỳ nam, tuy nhiên, ở Việt Nam dường như loài này đã bị tuyệt chủng. Theo một báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, suốt từ năm 1991 đến 1998 chỉ có 100 kg kỳ nam xuất ra từ Việt Nam và từ đó đến nay không thấy xuất hiện nữa. Như vậy, kỳ nam là thứ cực hiếm, khó có thể xuất hiện liên tục như báo chí nêu và dân tìm trầm rêu rao.

Lời kết

Hàng nghìn ha dó bầu đã được trồng. Hàng nghìn tỉ đồng đã được bỏ vào các dự án liên quan đến trầm hương. Không chỉ thế, công sức, tiền của và tâm huyết của bà con nông dân cũng được gửi gắm vào đó. Việc chế xuất thành công trầm từ dó bầu hay không còn là một câu hỏi chưa có lời đáp trọn vẹn. Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm liên quan nên có những biện pháp tích cực để người dân không chịu những thiệt hại không đáng có.