Tích hợp các loại quy hoạch: Cần phân tích và chỉ rõ loại quy hoạch

ThienNhien.Net – Theo Hội KTS TP.HCM, việc lập tích hợp các loại quy hoạch trong một bản quy hoạch như đề xuất của Dự thảo Luật Quy hoạch có thể là phương án hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ nhưng lại rất khó triển khai ở Việt Nam. Cần phân tích, chỉ rõ các loại quy hoạch tích hợp, ngành tích hợp, nội dung tích hợp.

Tránh quy hoạch không dùng được

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM đưa ra 4 lý do: Thứ nhất,mỗi loại quy hoạch có yêu cầu về thông số, các chỉ tiêu kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau, phương pháp luận, yêu cầu về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt khác nhau, dẫn đến yêu cầu về sản phẩm quy hoạch khác nhau, yêu cầu quản lý khác nhau. Do đó, không thể dễ dàng có thể tích hợp nghiên cứu đồng thời các quy hoạch.

Thứ hai, yêu cầu về điều kiện năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân tham gia quá trình lập, thẩm định đối với từng loại quy hoạch rất khác nhau nên việc tổ chức lập quy hoạch theo hướng tích hợp sẽ không có cơ quan nào đủ năng lực thực hiện, cũng như không đáp ứng được yêu cầu giải quyết những bất cập nảy sinh trong các hoạt động quy hoạch.

Thứ ba, với nội dung quy hoạch tích hợp, đòi hỏi thời gian tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt cần kéo dài nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và sự đồng thuận cao của các chuyên ngành và các bên liên quan, do đó không đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nhất là trong các trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Thứ tư, trên thực tế một hồ sơ (một bản) quy hoạch phải do một cơ quan thẩm định và chịu trách nhiệm trực tiếp trong suốt quá trình triển khai thực hiện sau khi quy hoạch được phê duyệt. Với mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước hiện nay, không cơ quan nào đủ năng lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chuyên sâu các quy hoạch nếu được lập theo hướng tích hợp.

Theo ông Nguyễn Trường Lưu, dự thảo Luật Quy hoạch cần phân tích, chỉ rõ các loại quy hoạch tích hợp, ngành tích hợp, nội dung tích hợp.

Ảnh minh họa

Bà Đỗ Tú Lan, chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn cho rằng, xã hội cần một khung thể chế đối với quy hoạch nhằm định hướng cho các quy hoạch ngành và quy hoạch các cấp có một khung thống nhất trình tự và liên kết, chứ không phải là một loại quy hoạch thay thế toàn bộ các quy hoạch hiện hành liên quan đến pháp luật hiện hành. Việc đưa ra một quy hoạch tích hợp cũng có thể là hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ. Tuy nhiên, việc ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một bản vẽ là không thể, hoặc chỉ có thể có rất sơ sài, sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được.

Thử nghiệm trước khi vào thực tế

Theo bà Đỗ Tú Lan, hầu hết các quốc gia đang phát triển đều cần có ít nhất 2 hệ thống công cụ: Một là định hướng chiến lược tổng thể và ngành: Có thể là Nghị quyết, cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển… được thể hiện bằng văn bản hoặc một loại hình quy hoạch; Hai là quy hoạch vật thể không gian, là hệ thống quy hoạch các cấp để thể hiện các cơ sở vật chất đáp ứng các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Tuy nhiên, việc các quốc gia đã phát triển có thể tích hợp các công cụ gọn hơn là do các quốc gia này đã thực hiện cơ bản được những hệ thống khung quốc gia và các vùng ổn định và phát triển. Việt Nam cần học tập các nước để có cách làm khoa học và từng bước phát triển, nhưng cũng cần phải xác định rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam cũng chỉ mới được tập trung xây dựng hơn 10 năm nay, việc quy hoạch vùng lãnh thổ và đô thị, nông thôn cũng mới được tập trung lập gần đây, thậm chí chưa phủ kín được các khu vực, trong khi các quốc gia đã phát triển họ đã trải qua các bối cảnh này hàng trăm năm, và họ cũng phải xây dựng những công cụ quy hoạch làm cơ sở phát triển.

Ông Nguyễn Trường Lưu cho biết, trên thế giới có những nước lập quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng có rất nhiều nước không thực hiện loại hình quy hoạch này.Một số nước lập quy hoạch này cơ quan chủ trì lập quy hoạch là cơ quan quản lý những điều kiện, tài nguyên trọng yếu của đất nước. Ví dụ như Nhật Bản hiện nay cơ quan đầu mối lập quy hoạch tổng thể quốc gia là Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch (MLIT).

Tại Việt Nam, theo Dự thảo lần thứ 8 Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ đất liền, các đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời theo quy định của pháp luật về biên giới quốc gia, hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.Nói cách khác, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ liên quan đến tất cả các ngành, các lĩnh vực trọng yếu của đất nước.

Như vậy, cơ quan nào, người nào sẽ có đủ năng lực để tổ chức lập và làm chủ nhiệm, chủ trì đồ án? Hội KTS TP HCM cho rằng, nên chăng chúng ta phải tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước khác, từ đó nghiên cứu, thử nghiệm và rút ra bài học sau đó mới đưa vào Luật.Nếu triển khai sẽ phải là một Phó Thủ tướng hoặc chính Thủ tướng Chính phủ chủ trì nghiên cứu thử nghiệm để tập hợp được tất cả các nguồn lực của đất nước.