Không đánh đổi môi trường lấy nhiệt điện

ThienNhien.Net – Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại hội thảo: “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Hội thảo do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý các chuyên gia năng lượng và nhiệt học.

Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường đang được các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý.
Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường đang được các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý.

Trong khi dư luận báo chí và trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến nghi vấn cho rằng nhiệt điện than chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần phải xem xét các khía cạnh phát triển nhiệt điện, nhưng phải đảm bảo xử lý được môi trường, không đánh đổi nhiệt điện bằng mọi giá. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định, công nghệ của các nhà máy nhiệt điện chính là “chìa khóa” mở nút thắt: đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường.

Giải bài toán an ninh năng lượng và môi trường

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện chỉ còn 3 nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ là nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình và Phả Lại, tuy nhiên các nhà máy này đều đã lắp đặt hệ thống khử bụi tĩnh điện, đang có kế hoạch đầu tư khử lưu huỳnh. Các nhà máy nhiệt điện lớn được xây dựng trong tổng sơ đồ điện V, VI như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, mỗi nhà máy có quy mô công suất lớn (1.200 MW).. đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, thông số hơi siêu tới hạn nên không gây tác động đến môi trường.

Đến năm 2015, trong cơ cấu sản xuất điện của VN, nhiệt điện than đã chiếm tỉ trọng 30,4%, chỉ đứng sau thủy điện (38%) và được dự báo sẽ là nguồn năng lượng chiếm ưu thế phát triển để cân đối cung cầu năng lượng, do các lợi thế về chi phí đầu tư, vận hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu (than) trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, và phải nhập khẩu.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa- Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam thông tin: So với các nước phát triển cao  đã bão hòa về nhu cầu điện, VN cùng với các quốc gia đang phát triển, đang ở giai đoạn 2 với tốc độ phát triển điện năng đang ở mức rất cao. Trong khi Trung Quốc là nước sản xuất nhiều điện nhất thế giới (chiếm ¼ tổng sản lượng điện toàn thế giới), nhưng nếu xét trên đầu người thì lượng điện sử dụng trên đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 so với Mỹ. Sản lượng điện tính trên đầu người của VN hiện bằng ½ bình quân toàn thế giới, cho thấy tốc độ phát triển nhu cầu điện còn rất lớn.

So với các dạng năng lượng truyền thống, VN phát triển mạnh nhất nguồn thủy năng (thủy điện) do nguồn năng lượng này có ưu điểm là giá thành rẻ, đáp ứng đa mục tiêu và suất đầu tư chỉ nhỉnh hơn nhiệt điện than. Tiếp đến là nhiệt điện khí do hiệu suất cao nhất trong các loại nhà máy  nhiệt điện, thời gian khởi động nhanh, thích hợp để phát điện phủ đỉnh biểu đồ phụ tải, nhưng nhược điểm là nhiên liệu khí đắt. Theo tính toán từ năm 2023 trở đi, VN phải nhập khẩu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Khi dự án điện hạt nhân được Chính phủ yêu cầu tạm dừng, thủy điện đã gần như khai thác hết các sông suối, nhiệt điện khí quá đắt đỏ thì nhiệt điện than được xem là giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” – PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định. Tuy nhiên, theo ông vấn đề là phải xử lý được các nhược điểm của loại hình nhiệt điện này là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là chất thải rắn và khí, xử lý triệt để vấn đề xỉ than chính là lời giải cho bài toán phát triển nhiệt điện và môi trường.

Công nghệ nhiệt điện xử lý được vấn đề môi trường

Đi tìm lời giải cho bài toán này, theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, xỉ than và tro bay là 2 tác nhân gây ô nhiễm môi trường cần được khống chế để giảm thiểu tác hại. Với các nhà máy nhiệt điện đốt than, tro bay cỡ hạt bé (nhỏ hơn 100micro mét), chiếm khoảng 85% tổng lượng tro của than được thu hồi qua lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất >> 99,75%, chỉ còn << 0,25% tro bay bay theo khói thải ra môi trường không khí. Xỉ và tro bay thu hồi qua khử bụi tĩnh điện sẽ được tập trung và thải ra bãi chứa tro xỉ. Theo thống kê ước tính, lượng than cám 5 (Quảng Ninh) có độ tro khoảng 30% thì với 30 triệu tấn than nguyên liệu sẽ thải ra môi trường khoảng 10 triệu tấn tro than cần xử lý.

Ông Nguyễn Tài Anh – Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết, đối với 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc sở hữu hoặc có vốn góp của EVN, một số nhà máy đã đi vào vận hành và dự kiến vận hành từ nay đến 2020 – hiện đã áp dụng công nghệ xử lý môi trường theo tiêu chuẩn thế giới. Cụ thể về xử lý khí thải, các nhà máy nhiệt điện như Uông Bí mở rộng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1… đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện (ESP) hiệu suất cao là quy trình xử lý bụi và khí thải phổ biến của các nhà máy nhiệt điện đốt than trên thế giới. Có 8/11 nhà máy đã lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải, 9/11 nhà máy áp dụng công nghệ vòi đốt Low-Nox để giảm thiểu phát thải khí nitơ trong khói…

Đối với giải pháp xử lý và tái sử dụng tro, xỉ, theo ông Tài Anh, hiện các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía  Bắc (như Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1) đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro, xỉ… Tại miền Nam, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Cty Cổ phần đầu tư Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy trong toàn đời dự án để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bêtông lấn biển… và xuất thành phẩm qua cảng Vĩnh Tân. UBND tỉnh Bình Thuận hiện đã cấp đất, dự kiến Cty sẽ nhận tro xỉ từ ngày 1.1.2017. Với nhiệt điện Duyên Hải 1, Cty đã ký hợp đồng mua bán tro xỉ với 3 DN là Liên danh Cty CP Dịch vụ kỹ thuật và thương mại Hoàng Quý với Cty CP Việt Long và Cty TNHH Hoàng Sơn… tiêu thụ tro xỉ của Nhà máy với số lượng 1,62 triệu tấn/năm.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, để có thể tái sử dụng toàn bộ tro xỉ, thach cao của các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật với tro xỉ than của nhà máy nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng tro xỉ để gia cố, san nền móng các công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật, như đường giao thông. Tuy nhiên, ông Vượng cũng cho biết, giai đoạn đầu nhà nước cần hỗ trợ các DN sản xuất về vốn, công nghệ, đất đai và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện khó khăn lớn nhất trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm tro xỉ là thói quen sử dụng của khách hàng, một khi chưa có đầu ra ổn định thì tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện vẫn chưa được xử lý triệt để.

Nguồn: