“Cần xác định cá nào sạch, để chúng tôi còn buôn bán“

ThienNhien.Net – “Trong kho đông lạnh của tôi có gần 100 tấn cá. Trong đó khoảng 40 tấn được thu mua sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hơn chục ngày. Bây giờ cần xác định cá nào sạch, để chúng tôi còn yên tâm mà buôn bán” – anh Trần Văn Sơn, chủ vựa cá Sơn Thủy ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đề nghị. Trước đó vào chiều 10.6, cơ quan chức năng có văn bản xác định mẫu cá đại diện cho 30 tấn cá nục ở vựa cá Dũng Thuộc bị nhiễm chất cực độc.

Cảng cá thị trấn Cửa Tùng sáng 11.6 không bóng người (Ảnh: Hưng Thơ)
Cảng cá thị trấn Cửa Tùng sáng 11.6 không bóng người (Ảnh: Hưng Thơ)

Cảng cá, chợ cá không bóng người

Một ngày sau khi cơ quan chức năng có văn bản, xác nhận phát hiện trong 30 tấn cá nục ở kho cấp đông của vựa cá Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) có hàm lượng Phenol là 0,037mg/kg – là chất cực độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm, từ cảng cá cho đến chợ đò ở địa phương này vắng bóng cá biển. Doanh nghiệp nhìn đống cá cả trăm tấn bị dồn ứ trong kho đông lạnh thở dài, tiểu thương thất thểu từ bến cá trở về vì không mua bán được.

Từ sáng sớm đến trưa 11.6, tại cảng cá Cửa Tùng chỉ có một chiếc tàu cập bến, với 3 tạ mực xô của ngư dân Quảng Bình được chuyển lên bờ. Còn lại, tuyệt nhiên không có một ghe, tàu nào chở cá ghé vào đây để buôn bán.

Suốt một buổi sáng, tiểu thương Nguyễn Thị Bình (trú tại An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) không bán được cân cá nào, phải đưa về gửi ở cơ sở cấp đông (Ảnh: Hưng Thơ)
Suốt một buổi sáng, tiểu thương Nguyễn Thị Bình (trú tại An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) không bán được cân cá nào, phải đưa về gửi ở cơ sở cấp đông (Ảnh: Hưng Thơ)

Mệ Lê Thị Hoa (60 tuổi, khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng) cho biết, giữa tháng 4 cá chết, cảng buồn thiu. Dần dà vớt vát lại, mới sáng hôm qua còn bán được, sáng nay thì được mỗi một chiếc vào. “Dân tui mới mở mắt bán buôn được mấy ngày, chừ đui luôn rồi. Sau khi cá chết, bầy tui mới buôn bán được mươi ngày đây thôi, nhưng chiều hôm qua nghe vựa cá Dũng Thuộc có phát hiện 30 tấn bị độc, rứa là sáng ni không ai ăn cá, không ai mua cá” – bà Hoa than.

Ở tại cảng cá này, tất cả các tiểu thương đều không mua bán được cân cá nào trong sáng 11.6, nên tụ tập lại ở cạnh đó để “an ủi lẫn nhau”. Bà Hoàng Thị Liên (trú tại thị trấn Cửa Tùng) làm nghề buôn cá, nhưng sáng nay thấy tình hình ở cảng không ổn, dự định đi tìm nghề khác nhưng chưa biết làm gì. Trong lúc đó, chồng bà có chiếc tàu 90CV ra khơi vào lộng không ổn định, mất nhiều hơn được, nên rất khó khăn.

7 cơ sở còn tồn cá đông lạnh chưa được xét nghiệm

Tại cơ sở đông lạnh Sơn Thủy (An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng), anh Trần Văn Sơn đứng ngồi không yên với số cá còn tồn động tại vựa cá khoảng 80 đến 100 tấn. Trong số cá này, có khoảng 40 tấn anh Sơn thu mua sau khi xảy ra hiện tượng cá chết khoảng 15 ngày. “Trong kho đông lạnh của tôi có gần 100 tấn cá. Trong đó khoảng 40 tấn được thu mua sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hơn chục ngày. Bây giờ cần xác định cá nào sạch, để chúng tôi còn yên tâm mà buôn bán” – anh Trần Văn Sơn, chủ vựa cá Sơn Thủy ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đề nghị.

Vựa cá Sơn Thủy dồn ứ gần 100 tấn cá hoang mang vì không biết lúc nào mới tiêu thụ được (Ảnh: Hưng Thơ)
Vựa cá Sơn Thủy dồn ứ gần 100 tấn cá hoang mang vì không biết lúc nào mới tiêu thụ được (Ảnh: Hưng Thơ)

Hỏi về quy trình cấp đông cá, ông Sơn nói rằng ở cơ sở của ông hay những nơi khác, sau khi mua cá từ tàu vào, chỉ rửa sạch qua bằng nước rồi đưa vào phòng cấp đông. “Cá trữ lại trong phòng cấp đông giống như mình bỏ cá vào tủ lạnh thôi. Chỉ rửa bằng nước chứ không cần ngâm tẩm thêm gì cả” – ông Sơn nói.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng ngoài cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc và Sơn Thủy, còn có 6 cơ sở thu mua hải sản có kho trữ đông và hơn 50 hộ tiểu thương sử dụng tủ cấp đông để dự trữ hải sản phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán. Đến thời điểm hiện tại, số hải sản chưa tiêu thụ được khoảng 200 tấn. Anh Nguyễn An Tư – cán bộ phụ trách ngư nghiệp thị trấn Cửa Tùng – nói rằng, tình hình hiện tại rất khó khăn cho ngư dân, tiểu thương và người dân. “Đơn cử như chợ cá Cửa Tùng, bữa giờ ít người ăn cá nên chỉ còn mấy tiểu thương túm tụm ở một góc chợ. Nay có thêm thông tin phát hiện cá nhiễm độc nữa, nên dân không dám mua cá về ăn” – anh Tư cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Long – Trưởng cảng cá Cửa Tùng – cho biết, đúng là trong sáng hôm nay hoạt động mua bán tại cảng vắng lặng. Về việc cấp giấy chứng nhận hải sản sạch sau sự cố cá chết (bắt đầu xuất giấy chứng nhận ngày 3.5.2016), đến nay cảng cá cùng cơ quan chức năng đã xác nhận cho khoảng 100 tàu thuyền, với số lượng 3.700 tấn, trong đó chủ yếu là cá nục.

Hiện tại, chỉ tính riêng ở thị trấn Cửa Tùng còn 7 cơ sở cấp đông và một số tiểu thương sử dụng tủ cấp đông trữ hải sản còn tồn cá với số lượng lớn. Họ mong muốn sớm được kiểm nghiệm để yên tâm buôn bán.