Chi trả dịch vụ hệ sinh thái và một số vấn đề quản trị lâm nghiệp trong bối cảnh hội nhập

ThienNhien.Net – Hội nhập kinh tế và tự do thương mại là xu thế tất yếu trong toàn cầu hóa hiện nay. Các quốc gia tham gia vào tiến trình này bằng các hiệp định song phương hoặc đa phương với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại để giành lợi thế cho hàng hóa của họ. Trong bối cảnh đó, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những cơ hội và thách thức từ các chương trình và hiệp định quan trọng như: VPA/FLEGT, REDD+, và TPP. Các chương trình, hiệp định này không chỉ mang lại cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường mà còn đặt ra các ràng buộc (và cũng là cơ hội) quan trọng, bao gồm cả việc thay đổi hệ thống quản trị để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ, đảm bảo quyền và lợi ích của các cộng đồng và người lao động liên quan, thực thi các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội. Đặc biệt, khi nói đến câu chuyện hội nhập ngành Lâm nghiệp không thể không đề cập tới giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng (PFES). Chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng đã được thực hiện đăc biệt từ khi Nghị Định 99/2010/NĐ-CP[1] ra đời.  Tuy vậy, việc áp dụng PFES hiện nay vẫn còn một số giới hạn và vướng mắc. Xem xét phát triển PFES trong bối cảnh tổng hòa các mối quan hệ kinh tế-xã hội và môi trường có thể sẽ là giải pháp then chốt trong quản trị rừng bền vững trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 124/QĐ-TTg[2] của Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 16,2-16,5 triệu ha, bao gồm 8,132 triệu harừng sản xuất, 5,842 triệu ha rừng phòng hộ và 2,271 triệu ha rừng đặc dụng. Trong đó, rừng sản xuất được sử dụng với mục tiêu chính là trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Hơn 8 triệu ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được quản lý bảo vệ phục vụ mục tiêu phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Nhận thức rõ việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên này sẽ giúp chúng ta hội nhập và phát triển bền vững bao gồm cả việc xem xét lại chính sách phát triển ngành công nghiệp gỗ trong tương quan với việc thẩm định giá trị và quản lý ổn định ba loại rừng.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng liên tục và đạt mức 26% mỗi năm. Dự đoán đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ có thể đạt 7 tỷ USD/năm và xuất khẩu các lâm sản ngoài gỗ đạt 800 triệu USD/năm. Dựa trên năng lực sản xuất hiện nay, với quỹ đất được quy hoạch là rừng sản xuất lên đến trên 8 triệu ha cùng với các sản phẩm tận thu, tận dụng, tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng trồng thuộc rừng phòng hộ (5,8 triệu ha), nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng phần lớn cho ngành chế biến gỗ, giảm nhập khẩu nguyên liệu, và như vậy gia tăng giá trị kinh tế của ngành lâm nghiệp. Thậm chí, các con số này còn có thể đạt mức cao hơn khi ngành công nghiệp gỗ đáp ứng được các yêu cầu của VPA/FLEGT và TTP.

Mặc dù tiềm năng lớn nhưng nếu các quyết định của ngành lâm nghiệp chỉ nghiêng về lợi ích của ngành công nghiệp chế biến gỗ là chưa thỏa đáng. Khi tính chuỗi giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, chúng ta vẫn chưa tính đủ giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái rừng. Các hệ sinh thái cung cấp một dòng vô tận các sản phẩm, các chức năng và các dịch vụ để chúng ta có thể sinh tồn và thụ hưởng. Đó là thành quả của cả ngành lâm nghiệp từ khâu tạo rừng cho đến việc quản lý, bảo vệ để duy trì ổn định lâm phận quốc gia.

VQG Bidoup Núi Bà (Ảnh: Lê Văn Hương)
VQG Bidoup Núi Bà (Ảnh: Lê Văn Hương)

Theo kết quả nghiên cứu điển hình tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng – đơn vị được giao quản lý 70.038 ha rừng và đất lâm nghiệp, tổng giá trị kinh tế của Vườn bao gồm các giá trị như: thực vật, lâm sản ngoài gỗ, lưu trữ các bon, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn rửa trôi và giá trị phi sử dụng lên đến 25.748 tỉ đồng, tương đượng 1,287 tỉ USD. Như vậy, đến năm 2020, nếu tỷ lệ đất có rừng đạt mức 47% diện tích toàn quốc thì giá trị dịch vụ hệ sinh thái của rừng là rất lớn.

Thật vậy, dịch vụ hệ sinh thái của rừng cần được xem xét như là hướng đi chủ đạo trong thời gian tới. Tại hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc tại Paris (COP21), tất cả 196 quốc gia tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã thông qua một thỏa thuận bắt buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính. Điều này cũng có nghĩa là trong xu thế hội nhập sau năm 2020, dịch vụ hệ sinh thái nhiều khả năng sẽ là lựa chọn then chốt. Khi đó, giá trị kinh tế của ngành lâm nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng lớn không chỉ tính trên khả năng hấp thụ các – bon của các hệ sinh thái rừng.

Tuy vậy, để gia tăng hiệu quả của ngành lâm nghiệp, thời gian tới cần xem xét thay đổi một số quy định và cơ chế quản lý cho phù hợp để giải quyết các thách thức tồn tại. Mặc dù toàn quốc có 8,132 triệu ha được quy hoạch là rừng sản xuất nhưng trong đó 4,3 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên không được khai thác do chính sách đóng cửa rừng; diện tích còn lại gần 4 triệu ha có một phần không nhỏ bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Ở nhiều nơi, giá trị kinh tế của rừng không cao do năng suất rừng trồng kém và cây trồng chủ yếu là loại mọc nhanh, giá trị thấp. Diện tích rừng trồng hình thành từ chính sách giao đất giao rừng cho hộ gia đình nhỏ lẻ, phân tán nên làm gia tăng chi phí khai thác vận chuyển đến nhà máy chế biến. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng lâm nghiệp một thời gian dài không được đầu tư dẫn đến thu nhập bình quân trên một ha rừng trồng của các hộ gia đình thấp.

Chính sách ưu tiên cho phát triển rừng sản xuất cũng chưa đủ để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Ở nhiều địa phương, nguồn cung nguyên liệu và năng lực chế biến không được cân đối và phối hợp dẫn đến nơi thừa nơi thiếu và cạnh tranh không lành mạnh. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy năng lực chế biến gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Đa phần các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng nhỏ lẻ và lạc hậu. Ở nhiều địa phương, người trồng rừng và khai thác gỗ vẫn còn thiếu các loại giấy tờ theo quy định để đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp.

Bên cạnh năng lực đáp ứng các quy định còn yếu của các hộ trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ, phần lớn rừng trồng của các công ty lâm nghiệp cũng chưa được cấp chứng chỉ rừng. Điều này làm cho gỗ và sản phẩm gỗ của họ khó vượt qua được hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu gỗ trong tiến trình hội nhập. Những trở ngại và thách thức nêu trên đã làm cho đóng góp của ngành lâm nghiệp thấp[3] trong nền kinh tế quốc dân trong khi diện tích đất được quy hoạch cho mục đính lâm nghiệp là rất lớn.

Đối với dịch vụ hệ sinh thái, mặc dù chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đựợc thực thi trong những năm gần đây nhưng “dịch vụ” cũng chỉ bao gồm một phần nhỏ giá trị chống xói mòn rửa trôi, cung cấp nước và chỉ chiếm 1 đến 2 % doanh thu của các công ty sử dụng rừng vào mục đích du lịch. Các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái chưa được tính đầy đủ vào giá trị kinh tế của ngành lâm nghiệp. Một số dịch vụ hệ sinh thái chưa được định giá và chưa có cơ chế chính sách để thực hiện.

Cho đến nay, các dịch vụ hệ sinh thái vẫn được các bên liên quan xem như hàng hóa công (public goods) tiếp cận tự do dẫn tới “bi kịch của những cái chung”[4]. Bên cạnh đó, mặc dù nhiệm vụ chính của ngành lâm nghiệp là duy trì chức năng cung cấp của dịch vụ hệ sinh thái và tham gia giải quyết các vấn đề  xã hội như tạo công ăn việc làm cho người lao động và xóa đói giảm nghèo, chính sách ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa hiệu quả về khía cạnh kinh tế và chưa được nhìn nhận đầy đủ trong chính sách công.

Trên thực tế, nhiều vấn đề nêu trên đã được ngành lâm nghiệp tìm cách giải quyết. Cụ thể: Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp[5] đã phản ánh khá đầy đủ các yếu tố cần thiết từ việc rà soát, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao giá trị gia tăng ngành; các tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh rừng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hình thức tổ chức sản xuất liên kết, tập trung hóa, tổng hợp hóa trong công nghiệp chế biến gỗ; mở rộng thị trường; giải pháp về nguồn đầu tư và sử dụng đầu tư; các cơ chế, chính sách cần thiết để tổ chức thực hiện. Tuy vậy, Đề án lại chưa đề cập đến giá trị của dịch vụ hệ sinh thái mà rừng cung cấp cũng như các hoạt động để duy trì chức năng cung cấp của dịch vụ hệ sinh thái – một trong những nhiệm vụ chính của ngành lâm nghiệp mà chỉ chú trọng đến ngành sản xuất và chế biến gỗ – một phần trong chuỗi giá trị của dịch vụ hệ sinh thái.

Như vậy, vấn đề quản trị lâm nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và tự do thương mại cần phải toàn diện hơn, bao gồm việc xác định rõ mục tiêu quản lý, các chương trình hoạt động, cơ chế tài chính đầu tư cho lâm nghiệp đối với cả ba phân hạng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái phải được tính toán đầy đủ trong chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp. Trong khi ngân sách nhà nước luôn thiếu hụt để đáp ứng được mục tiêu quản lý thì giá trị dịch vụ hệ sinh thái của các đơn vị quản lý rừng là nguồn thu tài chính bền vững để tái đầu tư cho lâm nghiệp. Việc xây dựng cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái dựa trên nguyên tắc quản lý hợp tác sẽ giúp giải quyết nhiệm vụ xã hội của ngành lâm nghiệp trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho các hộ dân sống bằng nghề rừng, thực hiện những chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số và công bằng xã hội.

Hiện nay, chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PFES) là một công cụ tài chính được sử dụng để các bên hưởng lợi từ các dịch vụ của hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ chức năng cung cấp các dịch vụ của hệ sinh thái đó. Tuy vậy, chúng ta cần thống nhất rằng giá trị của dịch vụ hệ sinh thái một khu rừng lớn hơn rất nhiều so với chi phí để duy trì chức năng cung cấp của các hệ sinh thái đó. Do đó, một cơ chế quản lý hiệu quả dựa trên dịch vụ hệ sinh thái mà rừng cung cấp cần phải được nghiên cứu đầy đủ và thể chế hóa có thể là hướng đi đúng cho quản trị ngành lâm nghiệp trong tương lai.


Chú thích

[1] Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 09 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
[2]Ban hành ngày 02/02/2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030
[3] Phấn đấu đến 2020 GDP lâm nghiệp đạt khoảng 2 – 3% GDP quốc gia (Quyết định 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020).
[4] G.Hardin, 1968. Tragedy of the commons. Science. Vol. 162, Issue 3859, pp. 1243-1248
[5] Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8 tháng 7 năm 2013.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ dịch vụ hệ sinh thái, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, dự án PA, tháng 6 năm 2014

2. Hoàng Văn Thắng – Trần Chí Trung, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường – Đại học quốc gia Hà Nội, TCMT T6/2012

3.Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ 2005; (http://www.millenniumassessment.org)

4. Daily, Gretchen (Editor). 1997. Dịch vụ từ thiên nhiên.Washington D.C., USA: Island Press

5. Báo cáo Lượng giá Lượng hóa giá trị các dịch vụ môi trường: Nghiên cứu tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà do dự án PA thực hiện vào tháng 02 năm 2013

6. Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN về phê duyệt ” Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp”

7. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020

8. Phan Trieu Giang et al, 2014.  The Ability of Households Engaged in Timber Harvesting, Buying, Transportation and Processing to meet Timber Legality Requirements. VNGO-FLEGT. Hanoi. http://loggingoff.info/sites/loggingoff.info/files/The%20ability%20of%20households%20engaged%20in%20timber%20%20harvesting,%20buying,%20transportation%20and%20processing%20to%20meet%20requirements%20on%20timber%20legality.pdf

Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và TS. Phan Triều Giang (Đại học Nông Lâm TP. HCM)

Nguồn: