Xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đi vào “vết xe đổ”

ThienNhien.Net – Với hơn 3.000 chủng loại, được XK tới gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ (LSNG) ngày càng có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, cũng giống như mặt hàng gỗ, XK LSNG tiếp tục rơi vào điểm yếu -phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đã được XK tới gần 90 quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Trần Việt)
Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đã được XK tới gần 90 quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Trần Việt)

Liên tục tăng

Theo số liệu theo dõi của Tổng cục Lâm nghiệp về khai thác LSNG, năm 2011 toàn quốc khai thác 720,5 triệu cây tre nứa luồng, 349 nghìn tấn nhựa thông, song mây, dược liệu và các loại LSNG khác. Sáu tháng đầu năm 2015, toàn quốc khai thác 40,2 triệu cây tre nứa luồng, 4.780 tấn song mây, 435.454 tấn nhựa thông, 62 tấn quế và 60.150 tấn LSNG khác.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Những thông tin từ Bộ Công Thương, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và kết quả điều tra các cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, Việt Nam có không dưới 3.000 chủng loại mặt hàng LSNG XK, trong số đó mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan là phong phú nhất (khoảng 2.000 chủng loại).

Theo ông Trương Tất Đơ, chuyên viên Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, trước năm 1986, các sản phẩm LSNG chính đặc biệt có giá trị cao trong XK như quế, hồi, thảo quả, sa nhân,… tổng sản lượng XK hàng năm chỉ đạt 1.000-2.000 tấn với giá trị XK không cao. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường XK các sản phẩm LSNG được mở rộng đã có tác động lớn đến phát triển các sản phẩm LSNG cả về số lượng và chất lượng. Việc mở rộng trao đổi, buôn bán lưu thông hàng hóa các sản phẩm LSNG chính trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc đã làm phong phú thêm chủng loại các sản phẩm LSNG. Có nhiều sản phẩm LSNG chính trước đây chưa từng được khai thác và buôn bán như lá quế, lá hồi, hoa thảo quả,… cũng được khai thác bán.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu LSNG: Sản lượng các sản phẩm LSNG chính ở nước ta XK tăng dần từ năm 2004 đến nay. Giá trị XK của các sản phẩm LSNG chính của Việt Nam liên tục tăng trong hơn 7 năm qua. Năm 2010, giá trị XK các sản phẩm LSNG chính của Việt Nam đã đạt trên 200 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam XK LSNG tới gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (thị trường  Nhật Bản, Đài Loan chiếm thị phần cao và ổn định, thị trường Mỹ mới có từ năm 2001 và một số thị trường khác…).

Ông Trương Tất Đơ cho biết: Các sản phẩm LSNG chính của Việt Nam được biết đến với thương hiệu như một sản vật quí từ Việt Nam. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm này chưa cao. Phần lớn các sản phẩm LSNG chính XK của Việt Nam có chất lượng trung bình hoặc thấp do khâu chế biến còn nhiều hạn chế, không có nhãn mác chỉ rõ xuất xứ hay thương hiệu. Trong khi đó, những yêu cầu chất lượng của các nước NK như Nhật, Mỹ hay Tây Âu đối với các sản phẩm LSNG chính khá khắt khe, ví dụ như phải có độ thuần khiết cao (cần làm sạch tốt), không có aflatoxin (làm khô tốt, không mốc), không có vi sinh vật gây bệnh (cần thanh trùng sản phẩm), không có dioxin (không phun thuốc trừ cỏ khi trồng)…

Hiện nay, xu thế nhu cầu sử dụng các sản phẩm LSNG trong ăn uống sinh hoạt, chữa bệnh của mọi người trên thế giới đang gia tăng cao. Số người tiêu dùng quan tâm đến sử dụng các loại tinh dầu tự nhiên, có tính an toàn sinh học cao ngày một mở rộng không chỉ có ở các nước truyền thống mà cả các nước mới sử dụng. Đặc biệt trong tinh dầu một số sản phẩm LSNG chính như hồi, quế, thảo quả, sa nhân,… có một số thành phần là một số thuốc biệt dược, có thể làm thuốc. Điều này càng mở ra cơ hội lớn cho thúc đẩy XK LSNG của Việt Nam.

Trên 80% xuất sang Trung Quốc

Thời gian qua, kim ngạch và thị trường XK các sản phẩm LSNG của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, điểm yếu nổi bật là XK các sản phẩm LSNG còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thực tế, khoảng trên 80% số lượng các sản phẩm LSNG ở Việt Nam đều XK sang Trung Quốc. Trong khi đó, chính sách NK của Trung Quốc liên tục thay đổi. Chỉ một ách tắc nhỏ thường kéo theo biến động lớn trong thị trường nội địa của sản phẩm.

Ông Trương Tất Đơ phân tích: Hệ thống lưu thông phân phối các sản phẩm LSNG của Việt Nam tổ chức chưa chặt chẽ. Có quá nhiều các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi thị trường. Đặc điểm của các đối tượng này thường mới thành lập theo xu hướng của thị trường, phát triển trong giai đoạn ngắn, vốn kinh doanh ít, kinh nghiệm buôn bán còn hạn chế. Trong khi đó sản lượng sản phẩm LSNG manh mún, không ổn định, chất lượng xô bồ. Người buôn bán không có đủ thông tin thị trường trong và ngoài nước. Họ thường đổ xô đi mua khi có đơn đặt hàng nên thường xuyên bị ép giá khi lượng hàng cung cấp tăng lên.

“Thực tế trong những năm qua cho thấy các sản phẩm LSNG được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới để chờ khách hàng từ Trung Quốc sang mua, NK về Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch với số lượng quá lớn. Khách hàng Trung Quốc hạ giá mua đến mức thấp nhất, chủ hàng vẫn phải bán, chịu lỗ vì không thể  giữ hàng lâu do vốn ít, phải quay vòng và trả lưu kho, trả lãi, nợ”, ông Trương Tất Đơ nhấn mạnh.

Theo một số chuyên gia, điểm yếu không thể không kể đến còn là chính sách khuyến khích và phát triển các sản phẩm LSNG ở nước ta còn thiếu và không đồng bộ. Vì vậy, ở một số vùng, các sản phẩm LSNG có sản lượng manh mún, không ổn định, không đủ hình thành thị trường. Trong khi đó, người sản xuất do thiếu vốn, kiến thức về thị trường nên đã không chủ động mà chỉ chờ có người đến thu gom mới thu hái hoặc gây trồng. Bản thân người buôn bán cũng không chủ động tìm khách hàng mà chờ có khách Trung Quốc sang đặt hàng mới thu gom.

Ông Cao Chí Công đánh giá, đẩy mạnh bảo tồn và phát triển LSNG góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung, nâng cao đời sống cho người dân miền núi nói riêng. Và để làm tốt hơn công tác này, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp dự kiến đề nghị Bộ NN&PTNT ưu tiên vốn sự nghiệp kinh tế cho điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên LSNG để làm cơ sở theo dõi, quản lý và gây trồng, phát triển LSNG. Đồng thời, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển LSNG như đã hỗ trợ trồng rừng sản xuất; quan tâm đầu tư các nguồn lực tương xứng với tiềm năng LSNG để góp phần phát triển và làm tăng giá trị hàng hóa, XK LSNG trong giai đoạn tới…

Mỗi sản phẩm LSNG có bạn hàng chính khác nhau. Bạn hàng chính của quế Việt Nam là Ấn Độ chiếm gần 1/2 khối lượng quế XK, tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Nhật Bản và Mỹ mua Quế Việt Nam ở mức thứ ba.

Bạn hàng chính của hồi, sa nhân và thảo quả Việt Nam là Trung Quốc, chiếm gần 2/3 khối lượng hồi, sa nhân và thảo quả XK. Bạn hàng tiếp theo của Việt Nam là Ấn Độ, hàng năm thường chiếm trên 50% khối lượng hồi, sa nhân và thảo quả XK ngoài Trung Quốc của Việt Nam. Tiếp đó là một số nước kinh doanh và sử dụng gia vị của Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Các nước Mỹ La tinh (Ecuador, Brazil, Venezuela) cũng là bạn hàng đáng kể NK hồi, sa nhân và thảo quả từ Việt Nam và lượng hồi, sa nhân và thảo quả họ nhập có xu hướng tăng (bạn hàng mới). Châu Âu và các nước Đông Á chỉ chiếm 4-8% lượng hồi, sa nhân và thảo quả xuất từ Việt Nam.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu được XK sang các nước châu Âu.