Mưu sinh cùng di sản

ThienNhien.Ne – Cao nguyên đá Đồng Văn– Hà Giang vừa được UNESCO tái công nhận là thành viên của Công viên Địa chất toàn cầu giai đoạn 2015-2018. Sau 4 năm xây dựng và phát triển, lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng liên tục, người dân được hưởng lợi nhiều hơn nhờ du lịch nên di sản này đang được cộng đồng cùng chung tay bảo tồn.

Bảo tồn không gian sống

Quyết định của UNESCO tái công nhận danh hiệu của cao nguyên đá Đồng Văn chính là lời khen ngợi có giá trị nhất cho nỗ lực của giới chuyên gia, các cấp chính quyền và nhất là những người dân có ý thức đang sống trong khu vực này. Họ là tấm gương về bảo tồn di tích không phải bằng cách khoanh vùng nhốt vào tủ kính và xây bảo tàng trưng bày, mà gìn giữ cổ vật bằng chính những hành động rất bình thường nhưng đầy ý thức và kiến thức trong cuộc sống hàng ngày khi khai thác thiên nhiên để mưu sinh.

Vậy điều gì đã làm cho vùng đất vốn “ngủ quên” này bỗng có sức hút kỳ lạ tới vậy? Giờ đây, chỉ cần một cú nhấp chuột vào Google, truy cập vào mạng xã hội F.B, rồi trên các phương tiện thông tin truyền thông… có thể thấy vô số các thông tin lý thú về du lịch cao nguyên đá Đồng Văn. Phong cảnh tuyệt vời, con người thân thiện, không gian sống được bảo tồn nguyên vẹn là cảm nhận của nhiều du khách từng đến với cao nguyên đá.

Không chỉ có đá và mùa hoa tam giác mạch, cao nguyên đá Đồng Văn còn là cái nôi văn hóa với sự góp mặt của 17 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, độc đáo, thể hiện ở những lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng; lễ hội Cấp Sắc (lễ trưởng thành) của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào (hội chơi đồi hay hội chơi núi) của dân tộc Mông… Và có lẽ những phiên chợ vùng cao chính là nơi chứa đựng không gian văn hóa đậm nét nhất của đồng bào các dân tộc. Chợ thường họp mỗi tuần một lần vào sáng sớm dịp cuối tuần. Những phiên chợ Phó Bảng, Đồng Văn, Lũng Cú, Sà Phìn… náo nhiệt, đầy sắc màu níu chân du khách.

Với những giá trị đặc sắc, nổi bật, năm 2010, tại Lesvos (Hy Lạp), Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) đã chính thức công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu. Như vậy, Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Ảnh: Đại Đoàn Kết
Ảnh: Đại Đoàn Kết

Chung tay gìn giữ giá trị văn hóa

Điều quan trọng là đến nay 100% thôn bản, trường học trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản. Có thể thấy, một trong những tiêu chí được công nhận chính là việc người dân bản địa đã tham gia bảo tồn, gìn giữ di sản một cách hiệu quả.

Nhìn từ cao nguyên đá Đồng Văn có thể thấy rõ vai trò của người dân trong việc gìn giữ di sản, cũng như việc chính quyền địa phương ý thức được vấn đề cao nguyên đá là tài sản quốc gia, nhưng đồng thời cũng là di sản thế giới và nguồn sống của người dân địa phương.

Về vấn đề này, một du khách nước ngoài chia sẻ: Tôi còn nhớ một lần du lịch lên Hà Giang, biết đến một di chỉ khảo cổ từ thời đồ đá là nhờ vào quyển sách hướng dẫn du lịch của nước ngoài là Lonely Planet, hơn là hệ thống thông tin của các cấp ngành quản lý du lịch của Việt Nam. Tiếp theo, để có được địa chỉ cụ thể của bãi đá tiền sử này là nhờ vào trang mạng toàn cầu Wikipedia, những cuộc điện thoại đến các nhà nghiên cứu Việt Nam và cuối cùng là một chị bán cam ở chợ chịu khó bỏ chút thời gian trèo lên chiếc xe máy lấm bụi đường của tôi để chỉ đường đến tận nơi.

Vị khách nước ngoài ấy cho biết anh rất xúc động trước thái độ của một thanh niên là chủ mảnh đất trên vùng cao nguyên đá ấy. Dù kinh tế đang phát triển cần mở rộng nhưng luôn nhớ lời dặn của người cha đã mất là phải giữ nguyên hiện trạng khu vực khảo cổ để các nhà khoa học đến làm việc. Người thanh niên trong câu chuyện đã tâm sự rằng thời niên thiếu được bố đưa đi xem khắp các di chỉ khảo cổ ở Hà Giang. Vốn là một kỹ sư và có trình độ tiếng Pháp, khi đào đất làm gạch bán phát hiện thấy bãi đá tiền sử, ông lập tức khoanh vùng cấm khai thác ngay trên đất của mình và mời các nhà khoa học trong tỉnh và từ Hà Nội lên nghiên cứu, đồng thời dặn dò con cháu phải gìn giữ. Đó chính là câu chuyện minh họa rõ nhất về kinh nghiệm giao cho địa phương và người dân sở tại cùng quản lý di sản.