Họp Hội đồng tư vấn khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Công ước đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Từ ngày 23-28/6/2014 tại thành phố Montreal, Canada, đã diễn ra cuộc họp lần thứ 18 của Hội đồng tư vấn khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Công ước đa dạng sinh học (SBSTTA).

TS. Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc họp. Đây là một trong các cuộc họp chính chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 12 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 12) sẽ được tổ chức từ ngày 6 – 17/10/2014 tại thành phố Pyeongchang, Hàn Quốc.

Hội nghị SBSTTA đề cập đến nhiều nội dung, trong đó các nội dung góp ý kiến cho Dự thảo Ấn bản thứ tư của Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu (GBO4) và Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2010-2020 được dành sự quan tâm đặc biệt.

Theo đánh giá chung của các tổ chức, chuyên gia trên thế giới và các bên tham gia Hội nghị, các mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học (Aichi Targets) đến năm 2020 khó có thể đạt được ở phạm vi toàn cầu nói chung và đối với từng quốc gia nói riêng. Do vậy, các tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học của Thế giới đang kêu gọi Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học CBD cần có các hành động đặc biệt nhằm phấn đầu đạt được các mục tiêu này.

Trong những năm gần đây tại Việt Nam, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, văn bản quan trọng trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học được ban hành. Trong đó có nhiều văn bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Xây dựng như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện nay, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chuẩn bị xong dự thảo Báo cáo lần thứ 5 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học để trình Ban thư ký Công ước. Hy vọng rằng, với việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng với việc ban hành và thực thi các chính sách, văn bản quan trọng, sự nghiệp bảo vệ môi trường của Việt Nam, trong đó có bảo tồn đa dạng sinh học sẽ có những bước tiến bộ quan trọng trong thời gian sắp tới.

Công ước về Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển do Liên hợp quốc tổ chức năm 1992 tại Rio de Janeiro (Braxin) và chính thức có hiệu lực từ tháng 12/1994. Việt Nam phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước từ ngày 16/11/1994.

Hội đồng tư vấn khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Công ước đa dạng sinh học (tên tiếng Anh gọi tắt là SBSTTA) được thành lập theo Điều 25 của Công ước, có chức năng tư vấn kịp thời việc thực hiện Công ước, cung cấp các đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học; đánh giá các loại biện pháp hoặc kế hoạch thực hiện các quy định của Công ước. Tới nay, SBSTTA đã nhóm họp 17 lần và đệ trình trên 170 đề xuất lên Hội nghị các bên tham gia Công ước, trong đó nhiều đề xuất đã được thông qua và phê chuẩn hoàn toàn