Yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường: khoảng cách giữa quy định và thực thi

ThienNhien.Net – Tháng 8/2013 dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn khối lượng lớn thuốc trừ sâu xuống lòng đất ngay tại cơ sở hoạt động của công ty này ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa bị người dân phát giác. Người dân khu vực sau đó đã ủy quyền cho Hội nông dân xã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại; Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng lên tiếng cho rằng yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, nguồn nước và các trách nhiệm vật chất khác của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, việc khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường của vụ Nicotex nói riêng và các thiệt hại do ô nhiễm môi trường nói chung là một chặng đường dài từ quy định cho đến thực tế.

Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường thuộc nhóm bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng, do đó, về mặt nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi đáp ứng đủ các yếu tố sau: (i) Phải có thiệt hại xảy ra; (ii) Phải có hành vi trái pháp luật; (iii) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; và (iv) Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại .

Như vậy, mặc dù trường hợp gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm pháp lý vẫn phát sinh ngay cả khi không có lỗi , song việc chứng minh ba yếu tố còn lại không phải điều dễ dàng đối với người dân muốn khởi kiện.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Thứ nhất, chứng minh thiệt hại xảy ra là rất khó vì nhiều lý do. Thiệt hại về môi trường thường xảy ra trên diện rộng, tác động tới nhiều đối tượng: có thể là sức khỏe, tính mạng, tài sản của các cá nhân, có thể là lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hay môi trường tự nhiên… Trong nhiều trường hợp không thể tách biệt được thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định với thiệt hại về tài sản, sức khỏe, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại khu vực đó, do đó, khó xác định được ai là người thiệt hại và được hưởng bồi thường thiệt hại. Ví dụ, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tại một dòng sông bị ô nhiễm cũng đồng thời là sự giảm sút về thu nhập của ngư dân ở khu vực đó tuy nhiên, gần như không thể tách bạch hay tính toán được đây là thiệt hại cho Nhà nước hay là thiệt hại cho cá nhân do hành vi gây ô nhiễm. Mặt khác, chi phí giám định thiệt hại là rất lớn, trong khi do giới hạn kỹ thuật, nhiều vụ vi phạm môi trường ở Việt Nam còn phải thuê kỹ thuật giám định của nước ngoài mới có thể đưa vụ việc ra cơ quan xét xử. Điều này là một rào cản đối với người dân muốn chứng minh thiệt hại.

Thứ hai, việc chứng minh hành vi trái pháp luật là một thách thức cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Nguyên nhân là bằng chứng vi phạm do người dân cung cấp không được công nhận giá trị pháp lý trước Tòa trong khi việc xác minh của cơ quan chức năng phải theo quy trình và thường có độ trễ nhất định so với thời điểm xảy ra vi phạm. Do đó, nhiều trường hợp khi cơ quan chức năng đến xác minh thì hậu quả không đủ để coi là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện vẫn còn thiếu nhiều quy chuẩn, gây khó khăn cho việc xác định vi phạm. Ví dụ, với kết quả kiểm nghiệm các mẫu đất, nước và chất thải tại khu vực công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất xuống lòng đất, nhiều chỉ tiêu không có quy chuẩn để so sánh . Ngoài ra, các sự cố môi trường xảy ra (chẳng hạn sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí…) nhưng không thuộc trường hợp bất khả kháng thì vẫn làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của những người có liên quan mà không nhất thiết phải có hành vi trái pháp luật.

Thứ ba, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra rất phức tạp và trong một số trường hợp gần như không thể tách biệt được cặp hành vi – hậu quả tương ứng. Hậu quả xảy ra có thể là sự tổng hợp của (i) nhiều hành vi vi phạm do nhiều chủ thể khác nhau cùng thực hiện như nhiều nhà máy trong khu công nghiệp cùng xả thải; (ii) sự cộng hưởng tác động của các tác nhân khác như thiên tai, dịch bệnh, nguồn gen,…; hay (iii) hành vi vi phạm của chính người bị thiệt hại (người dân sống trong khu vực cũng là một trong những đối tượng gây ô nhiễm khi xả rác, nước thải sinh hoạt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, pháp luật quy định phải chứng minh mối quan hệ nhân quả, tức là hành vi gây thiệt hại phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra để xác định bị đơn dân sự (người có trách nhiệm bồi thường) – một nội dung bắt buộc trong đơn khởi kiện.

Ngoài các khó khăn trên thì thời hiệu khởi kiện ngắn (2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm) cũng là cản trở lớn cho người bị thiệt hại trong hành trình đi tìm công lý. Do các thiệt hại không xảy ra tức thời ngay sau khi có hành vi gây thiệt hại mà xảy ra trong khoảng thời gian khá dài nên đến khi chứng minh được thiệt hại hay mối quan hệ nhân quả giữa hành vi – thiệt hại thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nhiều trường hợp là không còn.

Rõ ràng với quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng áp dụng cho ô nhiễm môi trường, bất lợi thuộc về người đi kiện khi trách nhiệm chứng minh gần như hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại trong khi nghĩa vụ này vượt quá khả năng của họ. Sau vụ việc Vedan năm 2009 đến nay, chính sách về xử lý đối với ô nhiễm môi trường gần như không có thay đổi căn bản, do đó, việc người dân Cẩm Thủy khởi kiện Nicotex Thanh Thái đòi bồi thường thiệt hại có thể lại là một “Vedan thứ hai” khi vụ việc không được giải quyết triệt để.

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, mức độ ô nhiễm môi trường của Việt Nam cũng ngày càng trầm trọng. Nếu Việt Nam không có sự cải cách mạnh mẽ hệ thống tư pháp trong xử lý các vụ án liên quan đến ô nhiễm môi trường thì trong tương lai chắc hẳn sẽ còn nhiều hơn nữa những Vedan, Nicotex xâm phạm đến môi trường, lợi ích của đất nước và quyền lợi của người dân.

Một số kiến nghị:

  • Cho phép khiếu nại, khởi kiện đông người trong lĩnh vực môi trường;
  • Không áp dụng thời hiệu khởi kiện hoặc áp dụng thời hiệu khởi kiện dài hơn đối với các vi phạm về môi trường;
  • Chia sẻ trách nhiệm chứng minh thiệt hại, hành vi và mối quan hệ nhân quả cho các bên liên quan như cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp, ban quản lý;
  • Thành lập thiết chế đặc thù để giải quyết các vụ việc liên quan đến vi phạm môi trường như Tòa án Môi trường.

Hoàng Phượng – Phòng Nghiên cứu Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)