Biến đổi khí hậu đe dọa nhiều loài động vật “an toàn” trên thế giới

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) công bố trên nhật báo Plos One (Mỹ) ngày 24/6 cảnh báo phần lớn các loài chim, động vật lưỡng cư và các rạn san hô đang chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song chúng lại không được coi là các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và do đó không được bảo tồn thích hợp.

Các nhà nghiên cứu IUCN đã tập trung theo dõi các phát hiện của hơn 100 nhà khoa học trong 5 năm vừa qua, từ đó tìm ra những đặc điểm sinh thái cũng như sinh học ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của các loài sinh vật hoặc khả năng thích nghi của chúng với sự biến đổi khí hậu.

Kết quả, hơn 83% loài chim, 66% động vật lưỡng cư và 70% các rạn san hô được xác định rất dễ bị chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, nhưng lại không có tên trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của IUCN. Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu còn chỉ ra rằng sự phát triển nông nghiệp và khai thác lâm nghiệp không bền vững đã khiến hơn 9% loài chim, 15% động vật lưỡng cư và 9% số rạn san hô trong tổng số sinh vật lâm vào tình trạng “đang bị tuyệt chủng”.

Ảnh: arkive.org
Ảnh: arkive.org

Trưởng nhóm nghiên cứu Wendy Foden nhận định kết quả khảo sát trên thực sự gây sốc bởi lẽ rất nhiều loài sinh vật vốn tưởng như không gây lo ngại, nay lại dễ bị tác động do biến đổi khí hậu. Theo bà Foden, nếu chỉ thực hiện bảo tồn thông thường mà không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, con người sẽ thất bại trong việc bảo vệ nhiều loài sinh vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Bên cạnh đưa ra những lời cảnh báo trên, lần đầu tiên, IUCN còn giới thiệu các loạt bản đồ miêu tả các vùng, hoặc khu vực tập trung nhiều loài sinh vật dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Theo bản đồ này, rừng rậm Amazon khiến cộng đồng thế giới quan ngại hơn cả do mật độ các loại chim và động vật lưỡng cư chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cao nhất, trong khi đó tình trạng thời tiết cực đoan để lại nhiều tác động tiêu cực lớn đến Tam giác rạn San hô ở trung tâm Inđô- Tây Thái Bình Dương.

Trước thực trạng này, Phó giám đốc Chương trình các loài sinh vật Toàn cầu của IUCN Jean-Christophe Vie khẳng định kết quả nghiên cứu trên đây là một bước tiến quan trọng cho công tác bảo tồn sinh vật, cũng như để cộng đồng thế giới nhận thấy một bức tranh chi tiết hơn về những loài sinh vật đang phải hứng chịu sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học có cơ hội tìm hiểu thêm về các đặc tính sinh học của các loài dẫn đến những điểm yếu trong môi trường biến đổi, để từ đó giúp ích cho việc đáp ứng các nhu cầu trong công tác bảo tồn thiên nhiên.