Lào chuẩn bị xây đập thứ hai trên dòng Mê Kông

ThienNhien.Net – Theo tin từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers -IR), chính phủ Lào đã bắt đầu công việc chuẩn bị cho dự án thủy điện thứ hai trên dòng sông Mê Kông, con đập Don Sahong có công suất 260-380MW.

Nhận định trên được đưa ra sau chuyến khảo sát của IS hồi tháng 8 vừa qua tại địa điểm xây đập cách biên giới Campuchia gần 2km.

Theo ghi nhận từ chuyến khảo sát, các hoạt động xây đập đang được rục rịch triển khai mặc dù dự án chưa thông qua Ủy hội sông Mê Kông (MRC) để thực hiện thủ tục tham vấn trước theo Hiệp định Mê Kông năm 1995.

Người dân địa phương tại khu vực xây đập cho biết, một thác nước trên kênh Hou Xang Phuak gần khu vực xây đập Don Sahong đã bị phá hủy để làm đường di cư cho cá và người dân sẽ bị cấm dùng bẫy đánh cá truyền thống để đánh bắt tại đây từ năm 2014.

Đánh bắt cá bằng bẫy truyền thống của địa phương (Ảnh: IR)

Đập Don Sahong do Tập đoàn Mega First của Malaysia xây dựng gần thác Khone, một con thác biểu tượng của sông Mê Kông. Theo Báo cáo Môi trường Chiến lược 2010 của MRC (SEA), con đập sẽ chặn dòng kênh Hou Sahong, con đường di cư duy nhất của cá vào mùa khô.

Trên con kênh Hou Xang Phuak, các nhà xây dựng đập đã tạo một hành lang rộng 5m cho cá di chuyển. Lưu ý rằng, hiện tại cá có thể di chuyển quanh năm qua con kênh Hou Sahong rộng 50-100m.

Trong khi đó, Báo cáo SEA đã khẳng định rằng không có công nghệ nào có thể giảm thiểu được tác động mà các con đập trên dòng chính, bao gồm cả đập Don Sahong, gây ra đối với điều kiện di cư của cá.

“Đập Don sahong có thể báo hiệu một thảm họa đối với cá Mê Kông. Con đập sẽ chặn luồng di cư có ý nghĩa sống còn của cá và gây thiệt hại cho sinh kế của người dân địa phương vốn vẫn sống dựa vào nguồn cá làm thực phẩm. Cũng như dự án Xayaburi, tác động của con đập này là tác động xuyên biên giới.” – Bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế nhận định.

Theo một đánh giá về những tác động tiềm ẩn đối với nguồn cá Mê Kông do xây dựng các đập thủy điện dòng chính mà MRC công bố năm 1994 thì khu vực thác Khone được miêu tả là “một khu vực đặc biệt về sinh thái học” và “hiếm có trong tự nhiên đến nỗi cần phải dồn mọi nỗ lực để bảo vệ toàn vẹn khỏi bất cứ dự án phát triển nào”.

Sông Mê Kông đoạn gần vị trí xây đập Don Sahong (Ảnh: IR)

Hồi tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Mega First tuyên bố đánh giá tác động môi trường của con đập Don Sahong đã được chính phủ Lào thông qua và họ đang tiến tới một thỏa thuận mua bán năng lượng với Chính phủ trong một hợp đồng nhượng quyền 30 năm.

Tuy nhiên đánh giá tác động môi trường của dự án này hiện vẫn chưa được công bố.

“Cũng như những gì chúng ta chứng kiến với dự án đập Xayaburi, chính phủ Lào chắc chắn sẽ tuyên bố rằng việc phá hủy kênh Hou Xang Pheuak để dọn đường xây đập Don Sahong chỉ là “công việc chuẩn bị” không cần thiết phải tham vấn các quốc gia láng giềng, bất chấp các tác động môi trường của nó. Trên thực tế, mọi hoạt động gây phương hại đến con sông cần phải được MRC phê chuẩn, bao gồm cả việc phá hủy con kênh Hou Xang Phuak” – Bà Ame Trandem bình luận, đồng thời kêu gọi các chính phủ thuộc MRC, Ban thư ký MRC và các nhà tài trợ lên tiếng nhằm chấm dứt ngay lập tức các hoạt động xây dựng ở cả hai con đập.

Trong khi chính phủ Lào tiếp tục xây dựng đập Xayaburi, bất chấp những quan ngại của các nước láng giềng và tiếng nói phản đối từ các cộng đồng sinh sống trên lưu vực vì những tác động không thể khắc phục thì việc Lào bắt đầu những hoạt động xây dựng đầu tiên tại vị trí dự án Don Sahong lại khuấy lên những lo ngại mới cho tương lai của dòng Mê Kông.

Bạch Dương