Những dòng sông không đập lớn

ThienNhien.Net – Mỗi cuộc cách mạng trong bất cứ một lĩnh vực nào đó đều ẩn chứa những mặt trái, dù ít hay nhiều, dù được thừa nhận hay không. Khi kỷ nguyên “năng lượng sạch” về thủy điện được khai phá, đó cũng là mốc quan trọng để nhiều năm sau người ta phải nhìn lại, bởi đó có thể là điểm khai tử của những dòng sông trinh nguyên, đẹp đẽ, dồi dào nguồn tôm, cá nuôi sống con người và các sinh vật khác. Đã nhiều năm nay, người ta phải lật lại câu hỏi, liệu thủy điện có thực sự là nguồn năng lượng sạch nữa hay không?

Có thể chỉ vài năm sau nữa, con số 23 dòng sông “tạm gọi là không đập lớn” dưới đây sẽ không còn giữ được. Từ điển bách khoa của thế giới có thể sẽ phải sửa đổi những thông tin viết về các dòng sông trước sự tấn công mạnh mẽ không ngừng của những con đập thủy điện, xuất phát cũng từ tham vọng của con người.

1. Sông Amazon

Sông Amazon (Ảnh: Ciciliashinta.wordpress.com)

Là con sông không đập, không cầu dài nhất thế giới (6.937 km) và cũng là sông có lưu vực lớn nhất với lưu lượng dòng chảy trung bình 219.000 m3/s, từ lâu, Amazon đã được mệnh danh là kỳ quan vĩ đại của Mẹ Thiên nhiên. Chảy qua Brazil, Peru, Colombia, Ecuador và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, dòng Amazon uốn lượn như một dải lụa mềm bất tận quanh những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp, xanh tốt. Lưu vực sông cũng như lòng sông hình thành nên nơi cư trú cực kỳ lý tưởng cho rất nhiều loài động vật quý hiếm như trăn Nam Mỹ, cá heo hồng Amazon, cá da trơn lớn hay cá nước ngọt Pirarucu… Cùng với đó là một thảm thực vật đặc hữu ven bờ, trên bề mặt và dưới lòng sông càng tô điểm thêm cho hệ sinh thái của dòng sông đa dạng bậc nhất thế giới này.

2. Sông Amu Darya – Panj

Sông Panj (Ảnh: Alan Cordova/Flickriver)

Sông Amu Darya dài 5.673 km là một dòng sông lớn của Trung Á, đoạn chảy tới Hindu Kush – dãy núi nằm giữa Afghanistan và Pakistan – gọi là sông Panj. Đã từng có thời gian Amu Darya tạo nên những đồng bằng châu thổ và đổ ra biển Aral, nhưng ngày nay, dòng sông này đã không còn “đủ sức” chảy ra tới biển mà tràn vào các cồn cát của Sa mạc Kyzyl Kum thuộc Cộng hòa Turkmenistan.

3. Sông Mê Kông

Mê Kông là dòng sông có chiều dài đứng thứ 12 thế giới và xếp thứ 7 khu vực châu Á (4.350 km), bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng và chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Lưu lượng trung bình hàng năm của con sông này khoảng 475 tỷ mét khối, cung cấp nước tưới cho vùng rộng lớn 795.000 km2. Dù rằng thượng nguồn sông Mê Kông đã bị chặn dòng bởi một số con đập của Trung Quốc xây dựng, nhưng tính tới thời điểm số phận đập Xayaburi – cánh cửa mở màn cho chuỗi 12 con đập được đề xuất xây trên dòng chính của sông – chưa được ấn định thì phần lớn sông Mê Kông vẫn còn giữ được giá trị, xứng đáng nằm trong danh sách những dòng sông dài nhất địa cầu chưa bị cắt khúc.

4. Sông Lena

Sông Lena (Ảnh: En.rian.ru)

Bắt nguồn từ một đầm lầy ở độ cao khoảng 1.640m tại khu vực dãy Baikal, miền Nam Cao nguyên Trung Siberi, sông Lena chảy theo hướng Đông Bắc và là một trong ba con sông lớn đổ vào Bắc Băng Dương. Sông đứng thứ 11 thế giới nếu xét về chiều dài và đứng thứ 9 nếu xét về lưu vực. Song, khuôn gọn trong lãnh thổ châu Á, đây lại là dòng sông không đập dài nhất cả châu lục với tổng chiều dài 4.472 km. Không chảy qua đường xích đạo, phía cuối dòng Lena là lưu vực sông rộng lớn băng tuyết phủ kéo dài suốt 7 tháng trong năm.

5. Hệ thống sông Amur – Shilka – Onon

Sông Amur (Ảnh: Amur-heilong.net)

Với tổng chiều dài 4.197 km, dòng chảy của ba con sông Amur, Shilka và Onon tạo thành một trong số những dòng sông không đập dài nhất thế giới. Trong đó, sông Amur – còn có tên Hắc Long Giang ở Trung Quốc – được coi là nhân tố địa chính trị vô cùng quan trọng trong mối quan hệ Nga – Trung.

6. Hệ thống sông Mackenzie – Slave – Athabasca

Sông Slave (Ảnh: Garthlenz.com)

Mackenzie – Slave – Athabasca là hệ thống sông lớn nhất Canada có lưu vực rộng 1.805.200 km2, đồng thời nằm trong tốp 10 dòng sông không đập dài nhất thế giới. Sông có chiều dài 3.403 km, chảy qua một vùng rừng núi và lãnh nguyên rộng lớn ở Tây Bắc Canada. Do điều kiện khí hậu đặc trưng nên tàu, bè chỉ có thể lưu thông vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm, suốt những tháng còn lại, sông hoàn toàn bị phủ băng trắng xóa.

7. Sông Madeira

Sông Madeira (Ảnh: Wilson Dias/International Rivers)

Sông Madeira là dòng sông chính của khu vực Nam Mỹ với chiều dài 3.380 km và cũng là chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Amazon. Năm 2007, Chính phủ Brazil đã thông qua kế hoạch xây dựng hai đập thủy điện Jirau và Santo Antônio trên dòng Madeira. Tuy không tiến hành ngăn sông thành những hồ chứa lớn, song hai dự án đập dâng này vẫn gây quan ngại về nguy cơ tuyệt chủng của một số loài cá, nạn phá rừng cùng những bất ổn trong vấn đề di dân, tái định cư, dễ làm xáo trộn đời sống của cộng đồng bản địa nơi đây…

8. Sông Yukon

Sông Yukon (Ảnh: Canadafishingonline.net)

Nếu Madeira là con sông chính ở Nam Mỹ thì ở vùng Tây Bắc của Bắc Mỹ, người ta tự hào vì có dòng sông Yukon. Sông Yukon có chiều dài 3.187 km, bắt nguồn từ Canada và một nửa hạ lưu thuộc bang Alaska của Mỹ. Trong lịch sử, Yukon đã từng là tuyến vận tải chủ yếu trong cuộc chạy đua tìm vàng những năm cuối thế kỷ XIX và cũng từng bị ô nhiễm nặng do tình trạng đào vàng, nước, rác thải… Nhưng nhờ có nỗ lực của chính quyền và nhân dân sở tại, cho đến tận thời điểm này, Yukon vẫn nằm ngoài danh sách những nguồn nước ô nhiễm của Ủy ban Bảo vệ Môi trường (EPA).

9. Sông Nizhnyaya Tunguska

Sông Nizhnyaya Tunguska (Ảnh: Jxandreani/Flickr)

Dòng Nizhnyaya Tunguska dài 2.989 km thuộc vùng Siberi (Nga) cũng nằm trong số những dòng sông dài không đập của thế giới. Mặc dù kế hoạch xây đập trên sông Nizhnyaya Tunguska đã được đề xuất ngay từ rất lâu, song vấp phải làn sóng phản đối của các nhà sinh thái học nên những kế hoạch ấy đã sớm rơi vào quên lãng. Chỉ tới gần đây, nhu cầu năng lượng từ những con đập mới tiếp tục nổi lên và không loại trừ khả năng, trong tương lai gần, sông Nizhnyaya Tunguska sẽ bước sang một danh sách mới: những dòng sông có đập dài nhất thế giới.

10. Hệ thống sông Brahmaputra – Yarlung Tsangpo

Sông Yarlung Tsangpo (Ảnh: Flickr.com)

Xuất phát điểm từ hồ Tamlung Tso phía Tây Nam Cao nguyên Tây Tạng dưới cái tên sông Yarlung Tsangpo, nhưng khi rời Tây Tạng, chảy theo hướng Tây Nam qua Thung lũng Assam và theo hướng Nam qua Bangladesh, con sông đó lại khoác lên mình cái tên Brahmaputra (nghĩa là con trai của Đấng Tạo hóa Brahma – một trong ba vị thần linh tối cao của Ấn Độ giáo). Hệ thống sông dài 2.900 km, bắt nguồn từ độ cao đáng kinh ngạc – khoảng 4.000 m so với mực nước biển, Brahmaputra – Yarlung Tsangpo đang trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư thủy điện Trung Quốc. Con đập đầu tiên mà nước này đang tiến hành xây dựng trên một phần sông Brahmaputra là đập Zangmu, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015 tới.

11. Sông Salween

Sông Salween (Ảnh: Bradley Mayhew/Lonely Planet)

Chiều dài 2.815 km đã đưa Salween trở thành con sông không đập dài nhất Đông Nam Á. Lưu vực sông Salween rộng 324.000 km2, chảy qua lãnh thổ Trung Quốc (53%), Myanmar (42%) và Thái Lan (5%), duy trì một vùng đa dạng sinh học không mấy thua so với dòng Mê Kông. Tính đến nay, đây vẫn là một trong những con sông có dòng chảy chính tự do và thông thoáng nhất thế giới.

12. Sông Paraguay

Sông Paraguay (Ảnh: Rauman.wikispaces.com)

Cùng với Amazon và Madeira, Paraguay là con sông lớn ở khu vực Nam Mỹ dài 2.549 km, đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp, thương mại của Brazil, Paraquay và Argentina. Năm 1997, chính phủ các nước lưu vực sông La Plata đã đề xuất kế hoạch xây đập thủy điện và cấu trúc lại dòng chảy của một số con sông, trong đó có sông Paraguay, nhằm giảm chi phí vận tải hàng hóa cho các quốc gia trong khu vực. Song, bản đề xuất liên tục bị chỉ trích mạnh mẽ và tạm thời bị trì hoãn do những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

13. Sông Aldan

Sông Aldan (Ảnh: Oleg Dubinets/Panoramio)

Aldan là phụ lưu dài thứ hai của sông Lena nằm ở phía Đông Siberi với tổng chiều dài 2.273 km (trong đó có khoảng 1.600 km thuận lợi cho hoạt động lưu thông của tàu, bè và các phương tiện vận tải đường thủy khác). Lưu vực sông Aldan nổi tiếng có nhiều mỏ vàng cùng nhiều loại hóa thạch bắt nguồn từ kỷ Cambri – niên đại địa chất diễn ra sau đại Tân Nguyên Sinh và trước kỷ Ordovic.

14. Sông Rio Negro

Sông Rio Negro (Ảnh: Flickriver.com)

Con sông Nam Mỹ Rio Negro dài 2.230 km là nhánh trái lớn nhất của hệ thống sông Amazon, đồng thời được coi là sông “đen” lớn nhất thế giới, đúng như ý nghĩa tên gọi của nó. Người ta gọi nó là sông “đen” vì nhìn từ xa, màu nước sông trông rất tối. Song trên thực tế, nước sông không hẳn màu đen mà giống màu chè đặc hơn, nguyên nhân chính là do một lượng lớn phân tử a-xít humic trong các thảm thực vật chứa phenol bị hoạt động khai thác cát phá vỡ, tạo nên thứ màu sắc đặc trưng của cả một vùng sông nước mênh mông.

15. Sông Vitim

Sông Vitim (Ảnh: Nekrasov Andrew/Panoramio)

Là nhánh lớn của sông Lena, sông Vitim bắt nguồn từ phía Đông hồ Baikal, chảy dài 1.978 km về phía Bắc qua dãy núi Transbaykalian và thành phố nhỏ Bodaybo của nước Nga. Từ tháng 11 đến tháng 5, sông hoàn toàn đóng băng và chỉ có thể lưu thông vào khoảng thời gian còn lại trong năm. Nằm bên tả ngạn sông Vitim chính là vùng đất Baissa – địa chỉ nổi tiếng về các loại côn trùng hóa thạch, hàng năm thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, khám phá.

16. Sông Indigirka

Sông Indigirka (Ảnh: Dimitri Kieffer/Picasa)

Sông Indigirka bắt nguồn từ hai dòng sông Khastakh và Taryn-luriakh, chảy vào vịnh Kolyma thuộc biển Đông Siberi. Sông có chiều dài 1.726 km, lưu vực rộng 360.000 km2 và đóng băng suốt từ tháng 10 đến tận cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm sau. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ ấm áp, sông băng sẽ tan thành dòng nước lớn, tạo môi trường cư trú lý tưởng cho rất nhiều loài cá, điển hình là cá hồi trắng châu Âu Coregonus albula, cá hồi trắng Broad Coregonus nasus, cá hồi trắng Muksun Coregonus muksuri, cá hồi trắng Bắc cực Coregonus autumnalis

17. Sông Fraser

Sông Fraser (Ảnh: Ourbc.com)

Fraser là dòng sông dài nhất trên phần lãnh thổ bang British Columbia (Canada) và dài thứ 10 của Canada, chảy từ dãy núi Rocky vào eo biển Georgia thuộc thành phố Vancouver qua một lộ trình 1.375 km. Hàng năm, sông đổ ra biển Thái Bình Dương lưu lượng nước trung bình khoảng 112 tỷ mét khối, kéo theo 20 triệu tấn phù sa. Ở một số dòng nhánh của sông, người ta đã tiến hành xây những con đập để kiếm tìm nguồn năng lượng từ thủy điện, riêng dòng chính vẫn chưa nằm trong bất kỳ một kế hoạch đập nào do lượng trầm tích của sông quá lớn, khó có thể duy trì tuổi thọ của đập, song chủ yếu vẫn là do sự phản đối quyết liệt từ phía ngành ngư nghiệp và mối quan ngại ngày càng lớn về tác động đối với môi trường của các đập thủy điện.

18. Sông Kuskokwim

Sông Kuskokwim (Ảnh: Lksd.org)

Sông Kuskokwim dài 1.165 km, nằm ở phía Tây Nam bang Alaska (Hoa Kỳ). Đây là con sông lớn thứ 9 nước Mỹ tính về lưu lượng dòng chảy trung bình tại cửa sông và lớn thứ 7 xét trên diện tích lưu vực. Ngoại trừ đoạn thượng nguồn con sông, còn nhìn tổng thể, Kuskokwim có dòng chảy rộng, thoáng và khá bằng lặng, thuận tiện cho hoạt động lưu thông của rất nhiều loại hình phương tiện vận tải đường thủy khác nhau.

19. Sông Back

Sông Back (Ảnh: Nicolas Perrault/Wikipedia)

Chảy từ một hồ nước vô danh phía Tây Bắc Canada, sông Back trải dài 1.150 km rồi đổ ra Bắc Băng Dương. Giống như hầu hết các dòng sông lớn thuộc vùng Tây Bắc của lãnh thổ Canada, địa thế sông Back tương đối hiểm trở, có tới 83 thác, ghềnh. Có thể đối với những người e sợ mạo hiểm, 83 ghềnh, thác này sẽ là một thách thức đáng sợ, song với những nhà chèo thuyền dạn dày kinh nghiệm, đó sẽ luôn là một trải nghiệm thú vị thôi thúc họ vượt qua.

20. Sông Anadyr

Sông Anadyr (Ảnh: Ledneva GV/Panoramio)

Với tổng chiều dài tương đương sông Back của Canada (1.150 km), sông Anadyr vùng Đông Bắc Siberi chủ yếu đổ vào vịnh Anadyr thuộc biển Bering. Sông đóng băng từ tháng 10 đến cuối tháng 5 và đạt lưu lượng dòng chảy lớn nhất vào tháng 6 khi tuyết tan. Riêng đoạn sông dài 570 km gần Markovo chỉ những chiếc thuyền nhỏ mới có thể lưu thông được.

21. Sông Liard

Sông Liard (Ảnh: Sacnoth.com)

Sông Liard dài tổng cộng 1.115 km, chảy qua Yukon, British Columbia và các vùng lãnh thổ Tây Nam Canada. Lưu vực sông rộng 277.100 km2, bao gồm cả khu vực rừng và đầm lầy phương bắc.

22. Sông Yellowstone

Sông Yellowstone (Ảnh: Kevin Ebi/Living Wilderness)

Yellowstone là một nhánh của sông Missouri nằm phía Tây Hoa Kỳ. Sông dài xấp xỉ 1.114 km, chảy theo hướng Bắc qua Vườn Quốc gia Yellowstone, cung cấp nước cho hồ Yellowstone, đồng thời tạo nên thác nước Yellowstone đẹp nổi tiếng. Cho đến nay, đây vẫn là con sông không đập dài nhất nước Mỹ.

23. Sông Tanana

Sông Tanana (Ảnh: Carolyne Weldon/Light Traffic)

Là một trong những chi lưu chính của sông Yukon, Tanana trải dài 916 km với diện tích lưu vực rộng 113.960 km2. Cứ vào mùa đông, băng đá lại bao phủ trên sông Tanana, có đoạn dày tới 110 cm, như ở Nenana – một nhánh của dòng Tenana nằm ở Trung Alaska (Hoa Kỳ). Hiện chưa có con đập nào được xây dựng trên dòng sông này.