Thiếu nhân lực ứng phó biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) nhưng nguồn nhân lực cho chuyên ngành này lại đang thiếu trầm trọng, cả về số lượng và chất lượng, nhất là tại các địa phương.

Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì có tới 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 3% diện tích các tỉnh ven biển bị ngập.

Và chỉ tính riêng trong khoảng 10 năm trở lại đây (2001-2010), thiên tai đã cướp đi sinh mạng và làm mất tích hơn 9.500 người, tổng thiệt hại về tài sản ước tính chiếm tới 1,5% GDP/năm.

BĐKH là vấn đề sống còn với Việt Nam nhưng nguồn nhân lực đang là bài toán nan giải (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tuy nhiên thực trạng ứng phó với BĐKH của Việt Nam cho thấy, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật trong lĩnh vực này hầu như chưa đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng ở tất cả các cấp.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện đang có sự mất cân đối trong cơ cấu nhân lực của ngành. Trong khi nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% thì nhân lực phục vụ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và BĐKH chỉ chiếm 1%.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường Trần Hồng Thái cho hay, nhu cầu đào tạo nhân lực cho BĐKH đang cực kỳ cấp bách, nhất là ở các địa phương. Trung bình mỗi tỉnh cần ít nhất 10 cán bộ được đào tạo về BĐKH, trong khi hiện hầu hết các địa phương không có cán bộ chuyên môn bởi đây là lĩnh vực quản lý rất mới. Đó là chưa kể khoảng 700 huyện và 9.000 xã trên cả nước đều cần cán bộ có kiến thức về BĐKH.

Cũng vì là lĩnh vực quá mới nên các cơ sở đào tạo cũng đang trong giai đoạn mở khoa, mở ngành học. Theo thống kê, cả nước hiện có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng các ngành, chuyên ngành về tài nguyên môi trường nhưng chưa có một trường đại học nào có chương trình đào tạo cử nhân về BĐKH. Trong khi để có được một cán bộ khoa học về BĐKH phải mất cả chục năm đào tạo, nghiên cứu và cần thêm 5 năm nỗ lực nữa, cán bộ đó mới có thể trở thành một chuyên gia – Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 2/2/2012 cho biết.

Đào tạo mất nhiều thời gian trong khi nhu cầu nhân lực cho quản lý, nghiên cứu ở cả Trung ương và địa phương đang rất cấp bách. Một biện pháp được tính đến là đa dạng hóa loại hình đào tạo. Cụ thể, bên cạnh việc phát triển hướng đào tạo chính quy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng cần tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn cũng như tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng.