Hậu khai thác khoáng sản ở Cao Bằng (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 30/8/2011, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước sẽ bị tạm dừng. Có thể nói Cao Bằng là một trong số ít địa phương đón đầu chủ trương này. Ngay từ đầu năm 2011, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh sẽ ngừng cấp phép khoáng sản cho tới năm 2013. Nỗ lực kiểm soát tình trạng lộn xộn về khoáng sản của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua cũng không nhỏ, song trên thực tế, khai thác tình trạng khai thác trái phép vẫn tiếp diễn, thậm chí công khai ở nhiều nơi.

"Quặng tặc" lộng hành ở rất nhiều xã quanh thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng

Kỳ 1: Dừng cấp phép khai thác để bảo vệ tài nguyên

Trấn áp quặng tặc kiên quyết hơn

Mặc dù khai thác tài nguyên khoáng sản ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng không phải là câu chuyện mới, nhưng sự “chảy máu tài nguyên”, như người ta vẫn thường nói, chỉ thực sự diễn ra trong những năm gần đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch UBND tỉnh – thừa nhận tình trạng này đã diễn ra kéo dài trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, song ông cũng cho biết tỉnh đang cố gắng bằng mọi cách lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn, đẩy mạnh việc trấn áp đối tượng khai thác trái phép..

Theo chủ trương của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các huyện, thị và lực lượng chức năng tăng cường lực lượng kiểm tra trên các địa bàn nóng về khai thác quặng. Ông Nông Thanh Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết với những đối tượng cố tình vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tịch thu phương tiện máy móc tham gia khai thác khoáng sản trái phép để bán sung công quỹ.

Thạch An là một trong những địa phương tiên phong áp dụng biện pháp này. Cách đây chưa lâu, đội tuần tra của huyện bắt quả tang một máy xúc đang tiến hành đào bới tại khu vực bờ suối Minh Khai để khai thác vàng trái phép. Cơ quan chức năng đã thống nhất phương án tịch thu tang vật và bán đấu giá.

Ông Tùng cho biết đây là vụ tịch thu tang vật vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép để bán đấu giá đầu tiên. Trước đây, mặc dù cơ quan chức năng bắt được rất nhiều vụ nhưng chủ yếu bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe đối với các đối tượng này.

Cùng với huyện Thạch An, các cơ quan chức năng huyện Nguyên Bình, một địa bàn trọng điểm về nạn khai thác trái phép cũng đã vào cuộc. Tại 3 xã Quang Thành, Thành Công, Phan Thanh đến nay đã xử lý khoảng 200 đối tượng, phá và tiêu huỷ 12 lán tạm và các phương tiện khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng "Tỉnh Cao Bằng đang cố bằng mọi cách “Lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn”.

Dừng cấp phép một loạt điểm mỏ

Ông Hoàng Anh cho biết hiện tỉnh đã “rào” lại tất cả các dự án khai thác để rà soát cặn kẽ từng điểm mỏ. Sau khi Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước (Công văn số 6033/VPCP-KTN ngày 30/8/2011), tỉnh cũng đã ban hành quyết định chính thức áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Hiện một loạt các điểm mỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị xem là “có vấn đề” cũng đã tạm thời được yêu cầu dừng hoạt động theo quyết định của UBND tỉnh. Mới đây nhất, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra văn bản số 1812/UBND-CN về việc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Khuổi Rào – Phiêng Lếch trên địa phận hai xã Hưng Thịnh, Hưng Đạo (huyện Bảo Lạc) của Công ty cổ phần chế biến khoáng sản Cao Sơn Hà. Công ty này tổ chức khai thác mỏ song chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo nội dung quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng cũng đã ra văn bản số 446/STNMT-TNKS&ĐC tạm dừng hoạt động tại mỏ sắt Làng Chạng, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình. Lý do tạm dừng là trong quá trình hoạt động công ty khai thác (cũng là Công ty Cổ phần chế biến khoáng sản Cao Sơn Hà) không tuân thủ đúng quy định: Tổ chức khai thác khoáng sản không đúng với dự án và cam kết bảo vệ môi trường đã được thẩm định, phê duyệt; Sử dụng đất vượt ranh giới cấp phép, ranh giới thuê đất (đầu tư, lắp đặt dây truyền tuyển ngoài khu vực được cấp phép, thuê đất); Gây ô nhiễm môi trường (nước thải sau tuyển rửa được xả trực tiếp ra suối Thể Dục)…

Trong văn bản này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu công ty tháo dỡ và phục hồi môi trường khu vực đang tuyển rửa quặng sắt ở khu phía Đông mỏ; thông báo kế hoạch khai thác; lập hồ sơ bổ sung đối với hoạt động đầu tư dây truyền tuyển quặng bằng nước; giải trình việc thu hồi khoáng sản khác trong quá trình tuyển quặng sắt.

Tình trạng khai thác quặng trái phép trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra cả trên núi và dưới sông
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Cao Bằng hiện tỉnh này hiện có 142 mỏ và điểm quặng với 22 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có những mỏ quy mô lớn đáp ứng nhu cầu công nghiệp làm Pin và luyện kim của cả nước. Những khoáng sản mang tầm chiến lược tập trung nhiều ở các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang… Đặc biệt, quặng Mangan, Thiếc, Vonfram, Vàng, Chì, Kẽm, Uran có nhiều tại Nguyên Bình; Antimon ở Thạch An, Nguyên Bình và các loại nguyên vật liệu phục vụ cho các ngành phân bón, gốm sứ, vật liệu xây dựng… được phân bố ở các huyện: Hoà An, Trùng Khánh… Trong đó có những loại khoáng sản có tiềm năng lớn, giá trị kinh tế cao đã và đang được khai thác.