Loại bỏ nhu cầu sừng tê giác – giải pháp bảo tồn

ThienNhien.Net – Được đánh giá là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới, Việt Nam mới đây cũng đón nhận tin buồn về sự ra đi của con tê giác Java cuối cùng. Sự kiện này có lẽ là lời cảnh báo đối với công tác bảo tồn động vật hoang dã, không riêng của Việt Nam và cũng không riêng với loài tê giác. Câu chuyện này khiến chúng ta nhìn nhận gần hơn những thách thức rõ ràng mà công tác bảo tồn đang phải đối mặt – nạn săn trộm và buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã. Làm thế nào để ngăn chặn thực trạng này? – Đó là câu hỏi không chỉ đặt ra đối với nhà hoạch định chính sách, người thực thi pháp luật mà còn là điều các nhà bảo tồn luôn trăn trở. Góp thêm một tiếng nói về giải pháp bảo tồn loài tê giác nói riêng và động vật hoang dã nói chung, xin chia sẻ với bạn đọc ý kiến dưới đây của ông Steve Trent, người sáng lập Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc tế WildAid.

Ông Steve Trent, người sáng lập WildAid (Ảnh: The Ecologist)

– Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn hoạt động săn trộm tê giác, thưa ông?

Ông Steve Trent: Câu trả lời đơn giản là loại bỏ nhu cầu về các sản phẩm từ tê giác. Với kinh nghiệm 25 năm làm công tác bảo tồn, tôi có thể nhìn nhận, đánh giá thực trạng này ở mọi góc độ và có đầy đủ căn cứ để kết luận như vậy.

Thực tế là một khi tồn tại những sản phẩm quý hiếm và có giá trị như sừng tê thì tất sẽ có hoạt động thương mại.  Đó dường như là một sự thực hiển nhiên, vì vậy chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ và lâu dài để thay đổi hành vi của người dân các nước như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á – điểm nóng về buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã.

Đáng buồn là một khi nhu cầu nào đó đã hình thành thì khó lòng có thể dập tắt.  Chúng ta rất giỏi đưa ra các giải pháp ngăn chặn đơn lẻ, nhưng thực ra không thể có biện pháp nào là duy nhất. Những gì chúng ta thực sự cần hiện nay là các hoạt động bảo vệ hiệu quả, thiết thực, kết hợp với mục tiêu giảm thiểu nhu cầu. Chúng ta cần thúc đẩy những nỗ lực này, đặc biệt là ở các quốc gia may mắn vẫn còn tê giác.

– Nếu chỉ tập trung vào việc giảm cầu liệu có hiệu quả?

Ông Steve Trent: Nhiều người có thể cho rằng tôi khờ khạo khi nghĩ chỉ cần giảm nhu cầu là đã bảo vệ được loài tê giác nhưng giảm nhu cầu chính là yếu tố cơ bản.

Còn nếu xét về phương diện bảo tồn, bạn cần phải có hàng loạt sáng kiến, giải pháp. Bạn cần có một đơn vị chống săn trộm được hỗ trợ tài chính đầy đủ, triển khai các cuộc điều tra bí mật, bắt giữ các đối tượng vi phạm và thực thi các giải pháp nhằm giảm nhu cầu trên  diện rộng. Đồng thời, cần thúc đẩy tuyên truyền để xã hội tẩy chay các hoạt động mua bán, sử dụng sừng tê giác và coi đó là một hành động không thể chấp nhận. Thêm vào đó, cần truy tố, áp dụng những hình phạt thích đáng cho những đối tượng buôn bán động vật hoang dã.

– Chúng ta có nên cho phép lực lượng kiểm lâm sử dụng vũ khí ?

Ông Steve Trent: Tôi không cho rằng sử dụng vũ lực là tốt nhưng họ có thể làm được gì nếu không được vũ trang? Theo tôi thì nên cho phép kiểm lâm sử dụng vũ khí. Nếu bạn từng rơi vào tình huống có ai đó chĩa súng vào bạn thì bạn sẽ hiểu những gì tôi vừa đề cập. Những tên săn trộm tê giác khi bị phát hiện cũng có thể chĩa súng vào kiểm lâm. Đó là thực tế cuộc sống.

Nhìn nhận theo khía cạnh nhu cầu và thị trường về các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, thông điệp cần được gửi tới người dân là hành vi mua bán đang châm ngòi cho những cuộc tàn sát tê giác, thậm chí là những cuộc đấu súng cướp đi mạng sống của những người vô tội.

– Liệu cưa sừng có phải là giải pháp tốt để ngăn chặn nạn săn bắt tê giác?

Ông Steve Trent: Cưa sừng không phải là giải pháp tối ưu, biện pháp này chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp. Bởi vì có vô số  trường hợp những con tê giác không còn sừng nữa vẫn là nạn nhân của những hoạt động săn bắn trái phép. Đặc biệt là khi mà nhu cầu hiện nay không còn dừng ở sừng tê giác nữa. Nhu cầu về thịt tê giác đang ngày càng gia tăng. Hiện tại, một kg thịt tê giác cũng có giá từ 50.000 đến 60.000 USD.

– Ông nghĩ sao về việc thành lập trại cho những con tê giác còn sót lại?

Ông Steve Trent: Trang trại tê giác là một ý tưởng điên rồ. Thực tế là bất kỳ một loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nào cũng có thể trở thành mặt hàng thương mại và việc lập trang trại cho động vật hoang dã sẽ trở thành vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Hơn thế nữa, kiểu trang trại như thế sẽ làm gia tăng nhu cầu của con người.

Ý tưởng trang trại hổ thật cũng thật ngớ ngẩn bởi vì chúng không những không có hiệu quả trong thực tế mà còn dung túng cho nhiều dạng thức buôn bán bất hợp pháp khác.  Hãy nhìn sang Trung Quốc, họ có hệ thống cấp phép buôn bán ngà voi nhưng hiện tượng mua bán, giả mạo giấy phép cũng xuất hiện và hậu quả là ngà voi lậu vẫn bị bắt giữ ở các sân bay.

Chúng ta có những lựa chọn chọn rõ ràng và những gì chúng ta thực sự cần là một chính sách quản lý minh bạch để không bị mắc lỡm bởi những phi vụ dưới vỏ bọc hợp pháp.

Phục dựng bộ xương con tê giác Java tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (Ảnh: WWF)

– Châu Phi hiện đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gì trong công cuộc bảo tồn động vật hoang dã, thưa ông?

Ông Steve Trent: Châu Phi đang phải đối mặt với vô số những khó khăn trong công tác bảo tồn như xung đột giữa con người và động vật, nguồn lực chống săn trộm còn hạn chế. Vì thế, chúng ta cần có những hiệp hội, chính sách xuyên biên giới, nghĩa là phải có sự hợp tác giữa các chính phủ.

Thêm vào đó, những gì tôi muốn công chúng hiểu thêm là tác động của các hoạt động mua bán sừng tê ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới tận nửa kia của thế giới. Những hoạt động này là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc tàn sát tê giác ở các quốc gia châu Phi.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nạn mua bán trái phép sừng tê bằng nhận thức xã hội kết hợp với chính sách lãnh đạo của các quốc gia. Tôi rất ngưỡng mộ những người hàng ngày đang làm công việc bảo tồn này. Họ thực sự là những anh hùng – những người đang từng ngày cố gắng bảo vệ những loài động vật hoang dã mặc dù những gì họ nhận được vô cùng ít ỏi.