“Cuộc chiến” bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới (Kỳ cuối)

Kỳ cuối: Xung đột – không thể để thành “chuyện thường ở huyện”

ThienNhien.Net – Sau chuyến đi Phong Nha – Kẻ Bàng, bạn tôi thủng thẳng bảo “Nếu muốn biết chuyện gì đang diễn ra với rừng và kiểm lâm, cứ đến Quảng Bình”. Câu nói này có nhiều ý tứ, nhưng không loại trừ một thực tế là tỉnh Quảng Bình nói chung và VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng lâu nay đã trở thành điểm nóng của miền Trung, thậm chí của cả nước về tình trạng phá rừng và lâm tặc hành hung kiểm lâm. Ám ảnh này đã theo tôi khi rời chân khỏi vùng đất di sản.

Ở Quảng Bình, không còn sót huyện nào có rừng mà không diễn ra tình trạng kiểm lâm bị đe dọa, hành hung. Hình thức chống đối,  thách thức kiểm lâm thật “đa dạng” tới đáng sợ, từ bao vây hù dọa, đánh đập trọng thương cho tới khủng bố bằng mìn, bắt cóc đòi tiền chuộc. Chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn chục vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm. Chắc có lẽ kiểm lâm được lên báo nhiều nhất, bất đắc dĩ nhất nhất, không đâu bằng ở Quảng Bình.

Vụ tấn công kiểm lâm rồi bắt cóc nhốt vào hang đá táo tợn gây xôn xao dư luận cũng chỉ vừa xảy ra ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cách đây chưa đầy ba tháng. Ngay trước đó và sau đó cũng đã xảy ra những vụ chống trả và đánh đập kiểm lâm tới mức phải nhập viện cấp cứu. Các vụ việc xảy ra dồn dập và phổ biến tới độ tôi dám chắc cứ cái đà này, dần dần người dân cũng sẽ tặc lưỡi thờ ơ nếu báo chí lại đưa tin kiểm lâm Quảng Bình tiếp tục bị hành hung.

Dĩ nhiên nỗi đau này không chỉ của riêng kiểm lâm Quảng Bình. Đó là khăn khăn bế tắc của cả ngành kiểm lâm từ nhiều năm nay, nhưng không thể phủ nhận những sự vụ của Quảng Bình quá ư điển hình.

Kiểm lâm quyết tâm giữ rừng, người dân trông chờ vào rừng, mỗi bên đều có cái lý của mình. Khoan hãy bàn các bên đúng sai tới đâu, hẵng công nhận một thực trạng rừng đang mất, dân vẫn đang nghèo và kiểm lâm nơi đây vẫn đang đổ máu.

“Lâm tặc”, nói theo hành vi phá rừng của họ, chứ ở đây không phải ai khác, chính là những người dân địa phương sinh sống quanh vườn quốc gia. Lấy vụ việc bắt cóc kiểm lâm làm ví dụ, ông Phạm Hồng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giải thích: “Vấn đề này có hai mặt, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan”.

Một trong những nguyên nhân xuất phát từ quyết tâm dẹp lâm tặc của ngành kiểm lâm tỉnh. Gần đây, tỉnh  xiết chặt nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, truy quét lâm tặc, tăng cường cơ động phối hợp với các Hạt. Chính vì sự quyết liệt này mà một mắt xích nào đó của bọn lâm tặc bị ngăn chặn. Khi đã làm mạnh chắc chắn xảy ra xung đột. Thứ hai là tính chuyên nghiệp của kiểm lâm viên chưa cao, anh em chưa nắm vững địa bàn, nghiệp vụ của một số còn yếu…

Anh Hoàng Văn Quế, kiểm lâm viên bị thương nặng nhất trong vụ bắt cóc kiểm lâm đòi tiền chuộc. (Ảnh: Kim Anh)

Tôi chưa thực sự hài lòng với những lý giải của ông Thái, bởi lý lẽ ấy chỉ phù hợp nếu như câu chuyện là bất thường, vừa xảy ra ngày hôm qua. Xung đột xảy ra ở đây quá nhiều, và chính ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng cũng phải công nhận là đã trở thành “chuyện thường ở huyện”.

Trong đoàn chúng tôi, có người nói rằng cần xem lại mối quan hệ giữa kiểm lâm và cộng đồng địa phương, các anh không thể giữ rừng nếu không được dân ủng hộ, dân sẽ không ủng hộ nếu nhu cầu cơ bản của họ hàng ngày không được giải quyết, sống cạnh rừng mà không được hưởng lợi từ rừng.

Và nói rộng ra là cần xem lại chính sách phát triển vùng đệm của chúng ta lâu nay đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn, xem lại sự gắn kết giữa Ban quản lý với chính quyền các xã vùng đệm.

Nhưng cũng có ý kiến rằng “ngành kiểm lâm nên tự soi lại mình”, những xung đột ấy là biểu hiện của sự thiếu công bằng trong chính lực lượng ngành. Ở đây làm ráo riết nhưng nơi khác lại tặc lưỡi cho qua, “làm luật” để kiếm chác và thậm chí tiếp tay, dung túng cho lâm tặc. Kiểm lâm bảo vệ một khối tài sản quốc gia to lớn như vậy, đặc thù công việc gian nan nhưng lại không được bù đắp xứng đáng, trong khi với những kẻ rắp tâm phá rừng, vườn quốc gia được quy đổi thành gỗ khối tính theo giá chợ đen.

Quả là nhùng nhằng phức tạp! Tôi không dứt được ý nghĩ ra khỏi những câu chuyện đổ máu của kiểm lâm, nhưng cũng không thể tự mình lý giải vì sao? Mong rằng các chuyên gia và các nhà lãnh đạo sẽ giúp tôi sớm hóa giải ám ảnh này, để xung đột kiểm lâm không còn là chuyện thường ở Quảng Bình nữa.